02/05/2023 10:08 GMT+7

Hạnh Phúc, Harvard & rác thải

Làn da đen nhẻm, gầy gò, nhưng gương mặt luôn rạng ngời nụ cười là sơ nét chân dung của Huỳnh Hạnh Phúc hôm nay.

CEO Huỳnh Hạnh Phúc xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững

Huỳnh Hạnh Phúc chia sẻ về những thử thách khi cho ấu trùng ruồi lính đen xử lý vỏ trái cây - Ảnh: NVCC

Huỳnh Hạnh Phúc chia sẻ về những thử thách khi cho ấu trùng ruồi lính đen xử lý vỏ trái cây - Ảnh: NVCC

Sẽ thật khó tin khi biết đó là một thạc sĩ chính sách công tốt nghiệp Đại học Harvard - ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới…

Đưa rác... lên bàn ăn

Chúng tôi gặp lại Hạnh Phúc (36 tuổi) sau gần 90 phút di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến trang trại của anh ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Có bản đồ định vị trong tay, chúng tôi vẫn loay hoay, lạc giữa những cánh đồng lúa, kênh rạch và những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, mịt mù bụi thi công…

"Tôi ngày nào cũng chạy riết nên quen rồi", Hạnh Phúc - 8X có đến 28 triệu kết quả tìm kiếm trên Google - chia sẻ khi cưỡi xe máy cà tàng, vừa hướng dẫn chúng tôi từ cánh đồng vào trang trại 2.200m2 với 5.000 con gà đang vào giờ ăn sáng.

Một ngày bình thường của Hạnh Phúc bắt đầu từ sớm tinh mơ, đi từ nhà ở thành phố đến trang trại ở Nhơn Trạch hoặc ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

"Sau đó tôi phụ anh em cho gà ăn, giám sát và ghi chép. Khoảng 9h tôi đọc tài liệu, trả lời các đối tác, quỹ cộng đồng, đôn đốc, kiểm tra quy trình kỹ thuật của các cộng sự, di chuyển qua lại giữa hai trang trại nếu cần, đọc thêm tài liệu nghiên cứu, thảo luận nhóm…

Một ngày của tôi thường kết thúc vào lúc 0h hoặc 2h sáng", Hạnh Phúc vừa thoăn thoắt rải thức ăn cho đàn gà vừa nói.

Gà được nuôi trong không gian rộng nên rượt đuổi, vẫy cánh bay loạn xạ. Cả ngày đều tiếp xúc với gà, rác thải và phân bón, đứng gần Hạnh Phúc sẽ phát hiện mùi rất "đặc trưng". "Tôi thường xuyên tiếp xúc với rác và men vi sinh, rồi tay không lọc lựa ấu trùng…

Men vi sinh bắn vào quần áo làm cho quần áo bị phai màu, tay rửa xà bông vài lần vẫn chưa hết mùi.

Có lần đi xử lý phân vịt ở một trại vịt lớn, chúng tôi bị phân vịt bắn đầy vào áo quần, mặt, tóc. Câu đầu tiên bà xã nói mỗi khi tôi về đến nhà là: Đi tắm liền đi, không là cho nằm dưới đất", Hạnh Phúc bật cười kể.

Xòe bàn tay đầy ấu trùng ruồi lính đen nhung nhúc bò, Hạnh Phúc cho biết ấu trùng ruồi lính đen là nguồn nguyên liệu quý thay thế cho đạm cá bị đánh bắt trên đại dương đang dần cạn kiệt.

"Nó có khả năng xử lý rác rất nhanh, tạo phân hữu cơ rất tốt cho đất trong thời gian ngắn. Xác của con ấu trùng cũng rất giàu dinh dưỡng khi phối trộn vô các loại thức ăn của gà, heo, lươn…

Mô hình nuôi ruồi lính đen để xử lý rác là tối ưu với môi trường hiện nay. Mùi của rác cũng nhờ ấu trùng, men vi sinh mà được giảm tối đa" - anh cho biết.

Green Connect - Kết nối xanh, dự án mới của Huỳnh Hạnh Phúc nối giữa cung và cầu của rác. Anh giải thích:

"Chúng tôi tạo ra hệ thống vận chuyển và xử lý rác. Ví như siêu thị hiện là nguồn cung rác khổng lồ trong khi nông dân lại không tiếp cận được để tạo thực phẩm cho vật nuôi. Chúng tôi sẽ biến rác thành tài nguyên, khép kín vòng tuần hoàn từ nguyên liệu nuôi trồng đến thực phẩm, nói vui là đưa rác lên bàn ăn".

Dự án đang được "nuôi sống" từ rác và phụ phẩm hữu cơ gom từ các cửa hàng và siêu thị. Các đối tác được hướng dẫn phân loại rác đúng cách: xé nhãn dán, bỏ các mút xốp hay các màng bọc thực phẩm, dây thun… và rắc ủ men vi sinh do Green Connect cung cấp.

Rác được đóng trong các thùng kín, thu gom, chuyển đến trang trại ngay trong ngày. Hiện hai trang trại của Green Connect có khả năng xử lý 40 tấn rác thải mỗi tháng...

Hạnh Phúc, Harvard & rác thải - Ảnh 2.

Hạnh Phúc, Harvard & rác thải - Ảnh 3.

Vòng tròn "từ rác đến bàn ăn"

Vòng tròn "từ rác đến bàn ăn"

Được sống mãnh liệt là một cơ hội

Tôi nhớ Huỳnh Hạnh Phúc đã từng tuyên bố trên Tuổi Trẻ về sứ mệnh của Teach For Vietnam - dự án đầu tiên khi anh vừa từ Mỹ về Việt Nam năm 2016: "Đến năm 2050, mọi trẻ em Việt Nam phải nhận được nền giáo dục hoàn thiện bất kể gia cảnh ra sao".

Nhắc lại, Phúc gật đầu: "Hiện Teach for Vietnam đã cứng cáp nên tôi chuyển giao cho các cộng sự và tập trung vào Green Connect.

Hai dự án này thật ra sẽ rất liên quan với nhau. Green Connect sẽ tạo ra xu hướng trồng trọt mới bền vững, thực tế hơn, góp phần nâng cao đời sống vùng nông thôn, và qua đó nuôi giấc mơ giáo dục chất lượng cao cho trẻ em gia cảnh khó khăn".

Rời giấc mơ Mỹ với tấm bằng Harvard danh giá cũng như vị trí cao, mức thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng ở Singapore để về Việt Nam với những dự án "lọ lem", khi được hỏi có bao giờ chạnh lòng, hoài nghi lựa chọn của mình, Hạnh Phúc bộc bạch:

"Có đôi lần thoáng nghĩ vài giây nhưng rồi vẫn thấy thú vị. Những trải nghiệm đem lại niềm vui lớn. Ban ngày làm việc như một người nông dân, ban đêm lại comple, cravat, giày tây để đi gặp gỡ, diễn thuyết.

Thử thách nhiều nhưng hoài nghi, thất vọng thì không bởi vì mình là người tiên phong và đang góp phần tạo ra được ảnh hưởng, thay đổi đáng kể cho cuộc sống con người, môi trường. Thu nhập vẫn đủ sống và lớn hơn là cơ hội được sống mãnh liệt với giá trị tạo ra cho cộng đồng".

Huỳnh Phú Cường, người bạn đồng hành trong dự án Green Connect, cho biết: "Học ngành hóa sinh, tôi rất trăn trở khi chứng kiến những núi rác thải và không mấy ai thật sự quan tâm đến hệ lụy, cách xử lý. Việt Nam là quốc gia trồng trọt và chăn nuôi nhưng nông dân lại dùng phân bón hóa học.

Muốn có nông sản sạch phải bắt đầu từ câu chuyện phân bón. Trước đây tôi từng thực hiện một dự án riêng nhưng gặp quá nhiều khó khăn và bơ vơ. Vô tình có cơ hội tiếp xúc với Hạnh Phúc, thấy bạn có tài, chung chí hướng nên tôi quyết định hợp tác".

Nếu coi rác thải là thứ hôi hám, vấn đề nhạy cảm thì kết quả sẽ khác. Còn nếu chúng ta coi đó là nguồn tài nguyên để phục vụ lại cuộc sống chúng ta thì kết quả sẽ tốt đẹp, nở hoa
HUỲNH HẠNH PHÚC
Huỳnh Hạnh Phúc (trái) kiểm tra chất lượng thực phẩm thải trước khi đưa vào tái chế

Huỳnh Hạnh Phúc (trái) kiểm tra chất lượng thực phẩm thải trước khi đưa vào tái chế

CEO Huỳnh Hạnh Phúc cùng vận chuyển rác thải tại trang trại

CEO Huỳnh Hạnh Phúc cùng vận chuyển rác thải tại trang trại

Huỳnh Hạnh Phúc kiểm tra quy trình nhân nuôi ấu trùng ruồi lính đen từ rác - Ảnh: C.NHẬT

Huỳnh Hạnh Phúc kiểm tra quy trình nhân nuôi ấu trùng ruồi lính đen từ rác - Ảnh: C.NHẬT

Nhớ...

Những ngày tháng 4 này, Phúc và Cường đang chuẩn bị một chương trình mới: đón các bạn trẻ đến thăm trang trại, cùng nhân viên phân loại rác, chơi các trò chơi liên quan đến kiến thức và kỹ năng môi trường, đàn hát giữa thiên nhiên và cùng thưởng thức những món ăn dân dã như cơm hấp lá sen, cháo gà, xôi… với nguyên liệu sản xuất từ chu trình khép kín, thuần tự nhiên của Green Connect.

"Tôi tin rằng đó sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời, ý nghĩa và là cơ hội để tôi lan tỏa Green Connect. Sống ở TP.HCM nhưng tôi vẫn luôn nhớ những người Sài Gòn", Hạnh Phúc nở nụ cười tươi, chia sẻ trong chiếc áo ướt đẫm mồ hôi sau khi vận chuyển rác thải từ xe tải xuống trong một buổi trưa hè oi bức.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất yên ả, bình lặng Quy Nhơn, 18 tuổi Phúc vào TP.HCM theo học Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM). "Những tháng ngày tự lập đầu tiên thật khó quên. Trọ học ở Thủ Đức, tôi cố gắng sắp xếp lên trung tâm thành phố để học thêm kỹ năng, tham gia các câu lạc bộ…

Từ đó tôi nhận ra người Sài Gòn sao mà dễ mến. Các anh chị xe ôm, bán hàng rong nhiệt tình chỉ đường, chỉ chỗ mua gói xôi giá rẻ để mà… "sống sót". Giờ không còn là sinh viên nữa, các dự án cộng đồng vẫn được rất nhiều sự hỗ trợ nhiệt tình từ người dân Sài Gòn.

Gần đây nhất, một xe tải chở rác thải về trang trại bị lạc tay lái, tông vô trụ điện, từ chính quyền đến người đi đường đều xắn tay hỗ trợ để chúng tôi nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Mỗi khi kêu gọi, rất nhiều người sẵn sàng chung tay để giúp chúng tôi giải quyết "bài toán" rác thải. Sắp tới dự án sẽ mở rộng đến các tỉnh thành khác, chỉ mong cũng sẽ nhận được sự nhiệt tình tương tự", Hạnh Phúc cười thật hạnh phúc.

Các bạn trẻ tìm hiểu Green Connect tại trang trại

Các bạn trẻ tìm hiểu Green Connect tại trang trại

Những con gà hạnh phúc

Gà không chỉ cần một chỗ để đứng mà còn cần môi trường để di chuyển, tắm cát, dang cánh, vẫy cánh, đẻ trứng…

Đó là lý do chúng tôi xây dựng trang trại với chuồng gà rộng để chúng sống thoải mái. Mô hình "gà nhân đạo" được châu Âu đặc biệt quan tâm. Đơn cử, Ủy ban châu Âu đã có sắc lệnh đến năm 2023 toàn bộ trứng gà được tiêu thụ tại châu Âu phải đến từ những "con gà hạnh phúc".

Dĩ nhiên mô hình này sẽ khiến tăng giá trứng và thịt gà. Không phải người dùng nào cũng chấp nhận chi phí trứng gà đắt hơn 30%, nhưng chúng tôi may mắn khi vẫn nhận được sự ủng hộ về mô hình trứng và "gà hạnh phúc".

Ủng hộ sự "lập dị tích cực"

Nhiều người trong chúng ta hiện vẫn chông chênh không biết bản thân thật sự muốn gì, mải lo lắng làm sao được xã hội hay số đông chấp nhận… thì Phúc đã kiên định theo đuổi những dự án cộng đồng đầy thử thách, thậm chí "lập dị".

Bản thân tôi không phải lúc nào cũng hiểu những bước đi của anh nhưng tôi vẫn luôn ủng hộ, bởi tôi nghĩ với dự án tiên phong thì niềm tin vào mục tiêu và con người quan trọng hơn những tính toán hay chiến lược từ sách vở.

Thạc sĩ Lan Doãn (CEO TAPTAP, tốt nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Harvard, Hoa Kỳ)

Tôi tin hạnh phúc của anh sẽ rất tròn đầy

Tôi biết Hạnh Phúc khi cùng được vinh danh tại giải thưởng khởi nghiệp Tuổi Trẻ Start-Up Award năm 2022. Cá nhân tôi định nghĩa hạnh phúc là mỗi ngày thức dậy được bước thêm một bước đến giấc mơ của mình, dù có thể khó khăn, mệt mỏi.

Cái cảm giác sống có mục đích, sống vì cộng đồng giúp chúng ta có hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc khó trọn vẹn nếu không có những "đồng đội" cùng chí hướng, sứ mệnh, tầm nhìn và hướng về giá trị cốt lõi.

Tôi tin Huỳnh Hạnh Phúc sẽ luôn hạnh phúc bởi anh đang có nhiều đóng góp giá trị bền vững cho xã hội, lại kêu gọi được những người tài sát cánh cùng mình từ Teach for Vietnam đến Green Connect.

Thạc sĩ Lê Đình Lực (CEO DOL English)

Người nước ngoài mở công ty tái chế rác nhựa, khởi nghiệp ở Việt NamNgười nước ngoài mở công ty tái chế rác nhựa, khởi nghiệp ở Việt Nam

Công ty Plastic People thành lập vào tháng 9-2020 tại TP.HCM, ngay trong dịch COVID-19. Trong hơn hai năm qua, 650 tấn rác nhựa sau tiêu dùng như chai, ly, hộp nhựa, túi ni lông… đã được tái chế 100%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên