Trong số những nữ sinh đoạt giải, đáng chú ý có sinh viên năm tư Trần Nhật Linh, người đang theo học một trong những khoa "thiếu nữ" nhất nhì cả trường là kỹ thuật xây dựng.
"Hạt nhân" nghiên cứu
Dẫu thuộc nhóm thiểu số, Trần Nhật Linh luôn là "hạt nhân" của những nhóm nghiên cứu sinh viên trong khoa hoặc những đội đại diện khoa tranh tài tại các cuộc thi học thuật lớn nhỏ những năm qua.
Năm 2023, nhóm nghiên cứu của Linh gồm bốn nam, một nữ theo đuổi trong nhiều tháng để hoàn thành đề tài "Phân tích bài toán ổn định mái dốc gia cố một hàng cọc đứng bằng phương pháp phần tử hữu hạn và mô hình học máy".
Nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát để tìm ra vị trí đặt hàng cọc tối ưu nhất, xem xét ảnh hưởng của lượng mưa lớn đến hiệu quả của hàng cọc trong việc gia cố mái dốc và áp dụng công nghệ mạng nơron nhân tạo (ANN).
Giải pháp này sẽ góp phần giải quyết bài toán ngăn ngừa sạt lở hiệu quả, từ đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong các thiết kế và dự án phát triển hạ tầng khu vực miền núi tại Việt Nam.
Đề tài giúp Linh và nhóm giành giải nhì, trong giải thưởng Euréka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2023, nhóm lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng. Cũng đã rất lâu rồi, nhóm lĩnh vực này mới ghi nhận một nhóm sinh viên đạt giải ở lĩnh vực xây dựng. Một năm sau, năm 2024, đề tài này một lần nữa giúp Linh giành giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam.
Bạn Huỳnh Trọng Trí - sinh viên khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa, đồng đội của Linh - chia sẻ Linh thật sự là "linh hồn" trong các nhóm nghiên cứu. Là phái nữ, nhưng Linh luôn nhận được sự tin tưởng của các bạn nam trong nhóm và được bầu làm trưởng nhóm.
Trí chia sẻ các thành viên đều có lời khen cho Linh, bởi không chỉ nắm chắc kiến thức chuyên môn, bạn còn có khả năng dẫn dắt, phân chia công việc và quản lý tiến độ nghiên cứu của nhóm. Những lúc đề tài gặp bế tắc, Linh là người chủ động tìm kiếm các nguồn tài liệu và tham khảo ý kiến của giảng viên để tìm lối ra cho nhóm. Linh cũng thúc đẩy tinh thần cho nhóm trong những lúc khó khăn.
Tìm kiếm cơ hội thực hành
Nhật Linh là cựu học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM). Ở lớp cấp III của Linh ngày đó, số học sinh nữ chọn các ngành kỹ thuật vốn dĩ đã đếm trên đầu ngón tay. Trong số ít ỏi ấy lại chia ra phần đông các bạn chọn những ngành nhẹ nhàng hơn như hóa học hay sinh học... Cả trường dường như chỉ có Linh là nữ sinh mà chọn thi ngành xây dựng.
Linh cho biết động lực và nguồn cảm hứng cho bạn đến từ cha. Không chỉ là người "trong nghề", cha Linh cũng là một cựu sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Những câu chuyện của cha về khoảng thời gian đại học và về công việc trong nhiều năm qua đã truyền đam mê cho Linh với ngành học này. Bản thân Linh cũng thích những thử thách và chọn con đường ít người đi.
Vào giảng đường, hai năm đầu, Linh khá "choáng" với các môn đại cương như nhiều sinh viên bách khoa khác. Các môn này khá khó và tương đối khô khan. Nhưng bước sang học chuyên ngành, càng học Linh càng thích.
Phần lớn các môn học đòi hỏi kiến thức nền, khả năng tính toán và tư duy, nên không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Riêng những nội dung cần lấy mẫu, đo đạc ngoài trời hay đi công trường, các bạn nữ phải đương đầu với thử thách sức khỏe.
Linh quan niệm để có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, bản thân sẽ phải tham gia nhiều hoạt động bên ngoài lớp học, từ nghiên cứu khoa học đến các cuộc thi thiết kế hay cả đi thực tập. Mỗi hoạt động như thế sẽ giúp bạn làm quen với các quy trình công việc thực tế, sử dụng thành thạo các công cụ và phát triển tư duy giải quyết vấn đề. Thực hành nhiều cũng tạo cho bạn thêm tự tin.
PGS.TS Hồ Đức Duy - phó trưởng phòng sau đại học, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), từng giảng dạy Linh ba môn và đang là người hướng dẫn đồ án cho Nhật Linh - cho biết rất ấn tượng với cô nữ sinh của mình. Thầy Duy nhận thấy ở Linh có sự nghị lực và khả năng tự tìm tòi rất lớn trong từng môn học.
Đặc biệt, Linh thường tìm kiếm những công nghệ mới áp dụng trong ngành xây dựng và chủ động trao đổi với các thầy về những xu hướng, khả năng ứng dụng các công nghệ này. "Bên trong một cô gái nhỏ nhắn như Linh là một nghị lực rất lớn", thầy Duy nói.
Nhiều việc trong ngành xây dựng
Theo Trần Nhật Linh, công việc trong các ngành xây dựng hiện nay rất phong phú, không chỉ bao gồm những công việc tại công trường như thi công, giám sát, mà còn có những vị trí văn phòng như thiết kế, quản lý dự án, lập dự toán, kiểm tra chất lượng hoặc nghiên cứu công nghệ. Ngoài các đầu việc đòi hỏi nhiều về thể chất, số khác cần kỹ năng chuyên môn, sự tỉ mỉ, chu đáo, vốn là thế mạnh của phái nữ.
Đừng bị định kiến chỉ vì cái tên
Định hướng của Trần Nhật Linh là sẽ tiếp tục học lên cao học để có thể trở thành giảng viên, tiếp tục truyền cảm hứng về ngành học cho các thế hệ tiếp theo.
Gửi lời khuyên cho những bạn nữ muốn theo học các ngành công nghệ nói chung và xây dựng nói riêng, Linh cho rằng các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về các môn trong ngành học và xu hướng công việc mới nhất liên quan đến ngành học ấy.
Không nên bị định kiến với môn học chỉ vì tên ngành học. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước hoặc các mentor (cố vấn) cũng giúp các bạn có những lời khuyên chính xác hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận