Chị Khương tận tay chuẩn bị những suất cơm chứa chan tình cảm để san sẻ phần nào mệt nhọc của các "chiến sĩ chống dịch" - Ảnh: MINH HÒA
Từ lúc chùm ca bệnh nhóm truyền giáo Phục Hưng bùng phát tại quận Gò Vấp, 4 ngày sau toàn quận thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, hình ảnh các y bác sĩ, công an, dân quân, tình nguyện viên… chống dịch ở các "điểm nóng" đã khiến chị Lê Thị Như Khương (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), giám đốc một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân và học sinh, rất xúc động.
Chị quyết định mỗi ngày chuẩn bị khoảng 250 suất ăn để gửi đến các điểm phong tỏa, chốt phòng chống dịch.
Do dịch, công nhân tạm nghỉ, chị Khương chỉ giữ lại 2 người cộng với 4 người trong gia đình, từ mờ sáng đã lo công tác hậu cần để kịp nấu những suất cơm trưa, cơm chiều cho khoảng 20 chốt lớn, nhỏ ở quận Gò Vấp.
"Vì mình sợ nhờ công nhân ở lại làm lây lan dịch thêm thì khổ. Nếu có thì trong gia đình mình bị thôi. Nhưng khi nấu nướng thì tất cả 6 người trong lúc chuẩn bị đồ ăn đều đảm bảo phòng chống dịch", chị Khương chia sẻ.
Trước đây khi chưa có dịch, công ty chị một ngày bán ra khoảng 1.500 suất cơm cho học sinh, công nhân. Bây giờ chỉ bán khoảng 300 suất nên êkip 6 người có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị khoảng 250 suất cho các "chiến sĩ" tại các chốt kiểm dịch và các chốt phong tỏa ở phường 11, 16 (quận Gò Vấp) và một ít suất cho các chốt lớn.
Thực đơn được thay đổi hằng ngày cho đỡ ngán như thịt heo, sườn non, sườn cốt lết, thịt gà, trứng, thịt bò, canh hạt sen… Cơm canh nóng hổi, chồng chị Khương là anh Lê Trần Tuấn (35 tuổi) làm shipper đem cơm đến từng phường để các cán bộ phân phát đến tận tay những người đang làm nhiệm vụ.
Ban đầu nữ giám đốc có kêu gọi sự ủng hộ từ bạn bè, người thân để việc tiếp sức có thể được dài lâu. Song giờ chị thấy khả năng của mình có đủ, nên quyết định tập trung vào công việc "bếp núc".
"Những ngày đầu có nhiều người gửi đến tôi 100.000, 200.000 đồng thấy rất thương. Nhưng tôi đã quyết định không nhận nữa, mà chỉ nhận của doanh nghiệp và hiện tại có 1 đơn vị hỗ trợ rau củ. Do có các chốt nên các đối tác cung cấp gạo của tôi không vào được Gò Vấp để giao. Anh Tuấn chồng tôi phải tự đánh xe đi mua gạo ở tận quận 8", chị Khương nói.
Dù vậy, chị vẫn kiên trì việc làm này để tri ân các y bác sĩ, cán bộ, tình nguyện viên... ở tuyến đầu đang làm việc vất vả, với mong muốn quận Gò Vấp sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Chị Khương cùng công nhân công ty chuẩn bị canh để mang đến phường - Ảnh: MINH HÒA
Các suất cơm có thịt, trứng, canh hạt sen giò heo, dưa leo... - Ảnh: MINH HÒA
Anh Tuấn - chồng chị Khương - làm shipper chuyển cơm đến phường, sau đó cán bộ phường sẽ phân phát đến tận các chốt - Ảnh: MINH HÒA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận