09/06/2024 05:45 GMT+7

Nữ đạo diễn Mỹ Samantha Farinella: Tôi bị mê hoặc bởi ý chí của con người Việt Nam

Đội chiếc mũ tai bèo thêu quốc kỳ Việt Nam, vận quần jean và áo phông màu vàng, nữ đạo diễn, nhà làm phim độc lập Samantha Farinella bước vào cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ bằng câu chuyện về một hình xăm đặc biệt trên cánh tay trái.

Nữ đạo diễn, nhà làm phim độc lập Samantha Farinella trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ vào đầu tháng 6-2024 - Ảnh: DANH KHANG

Nữ đạo diễn, nhà làm phim độc lập Samantha Farinella trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ vào đầu tháng 6-2024 - Ảnh: DANH KHANG

Sinh ra khi cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam gần kết thúc, tuổi thơ bà Samantha Farinella tràn ngập các thông tin chiến trận. Bỏ ngoài tai những gì được rao giảng ở Mỹ, bà tìm đến đất nước cách nửa vòng trái đất để tìm câu trả lời cho mình và nhiều người khác.

Đi tìm sự thật ở Việt Nam

* Có hình xăm bản đồ Việt Nam trên tay bà. Hẳn đó là một kỷ niệm, một tình yêu của bà với đất nước này?

- Đúng vậy, đó là câu chuyện sau khi tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2006 và thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội. Tôi bị ấn tượng bởi hình ảnh một nữ du kích miền Nam trong bảo tàng nên ý tưởng khắc ghi lại nó hiện lên trong tôi.

Ngót nghét đã 17 năm hình xăm này đi cùng tôi đến nhiều vùng đất, trong đó có Việt Nam. Với tôi, hình xăm đó tượng trưng cho nhiều thứ, cho sự thay đổi về cách nhìn nhận vấn đề khi tôi lớn lên.

Nữ đạo diễn Samantha Farinella kể về lịch sử của hình xăm đặc biệt trên cánh tay trái - Ảnh: DANH KHANG

Nữ đạo diễn Samantha Farinella kể về lịch sử của hình xăm đặc biệt trên cánh tay trái - Ảnh: DANH KHANG

* Vì sao lại là Việt Nam? Những điều bà hình dung về đất nước và con người nơi đây có khác so với những gì bà nghĩ trước khi đến?

- Tôi sinh năm 1971, khi cuộc chiến tại Việt Nam đã dần khép lại. Vào thời điểm đó và nhiều năm sau, nước Mỹ vẫn đầy những bộ phim phóng đại và nói dối về mọi thứ trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Tâm trí tôi vẫn còn hình ảnh về những người lính trở về từ Việt Nam vứt bỏ huy chương. Nó khiến tôi tin rằng cuộc chiến này là sai lầm.

Càng lớn, càng tìm tòi, tôi càng nhận ra những gì được chiếu ở Mỹ không phải như thế. Đó là lý do tôi muốn đến đây, để rồi bị mê hoặc bởi sức mạnh ý chí của con người Việt Nam.

Khi tôi hòa vào dòng người trên phố cổ Hà Nội, cảm giác rất kỳ lạ vì nó giống như tôi đang ở chính quê hương mình.

Nước Mỹ trước đây đã làm những điều khủng khiếp với Việt Nam, và tôi tự hỏi trước khi đến rằng một người Mỹ như tôi sẽ được đón nhận thế nào. Mọi người tử tế và cởi mở, không phải có quá nhiều sự tốt bụng nhưng đủ để tôi bị bất ngờ.

Đối với tôi, người Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ. Dân tộc của các bạn cũng chiến đấu và chiến thắng hàng loạt cường quốc trên thế giới để giành và giữ vững độc lập, điều mà không phải nước nào cũng làm được.

Đó là câu chuyện hiếm có trên thế giới và tôi thật sự muốn làm một bộ phim về điều ấy.

* Có phải đó là dự án phim Con đường đến độc lập dự kiến được chiếu vào năm 2025, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam thống nhất đất nước? Bà sẽ khắc họa hình ảnh con người Việt Nam như thế nào?

- Đúng vậy, một bộ phim thể hiện được phẩm chất kiên cường của con người Việt Nam, lý giải cho sự ngoan cường chiến đấu vì độc lập, chuyển tải những câu chuyện tình yêu dành cho đất nước và giữa người với người.

Tôi thực sự muốn người Mỹ thấy điều đó và hiểu tại sao Việt Nam lại chiến đấu suốt nhiều năm liền bởi tôi không nghĩ họ thực sự hiểu về sự độc lập của Việt Nam.

Nước Mỹ cũng từng trải qua một cuộc cách mạng để có được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết điều đó và đã dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ tại quảng trường Ba Đình vào tháng 9-1945. Nhưng tôi nghĩ công chúng ở Mỹ ít người biết điều này và tôi muốn lan tỏa thông tin ấy.

Có nhiều điều đã xảy ra trong quan hệ Việt Nam - Mỹ mà người dân nước tôi không tìm được trong sách lịch sử. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là phải giáo dục người Mỹ về chính xác những gì đã xảy ra.

Mỹ đã phạm sai lầm trong thời gian gần đây và những sai lầm ở Việt Nam không nên lặp lại ở bất kỳ đâu nữa.

Hầu hết thanh niên Mỹ thích Việt Nam, họ muốn đến đây nhưng với những người lớn tuổi hơn, từ thế hệ của tôi trở về trước, vẫn còn điều gì đó đeo bám tâm trí họ nên tôi muốn giúp xua tan đi điều đó.

Rõ ràng quan hệ hai nước đang ngày càng gần gũi hơn, cả về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Bà Samantha Farinella phỏng vấn nhân vật tại Việt Nam cho dự án phim ngắn Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Samantha Farinella phỏng vấn nhân vật tại Việt Nam cho dự án phim ngắn Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mong muốn hàn gắn vết thương chiến tranh

* Phản ứng đầu tiên của nhà chức trách Việt Nam khi nghe ý tưởng của bà ra sao? Vì sao bà chọn là một nhà làm phim độc lập cho dự án này?

- Dự án nhen nhóm cách đây một năm rưỡi từ lời đề nghị của một người bạn Việt Nam, một nhà nghiên cứu lịch sử. Tôi đến Việt Nam tháng 12 năm ngoái để tìm kiếm, thu xếp phỏng vấn với các nhân vật và trở lại đây vào cuối tháng 5 để bấm máy.

Khi xin giấy phép làm phim tại Việt Nam, tôi đã nói về dự định của mình, rằng nó sẽ có nhiều thông tin tiêu cực với Mỹ nhưng họ bảo "Không, không. Đừng làm như thế", nên tôi đã về và sắp xếp lại ý tưởng.

Và tôi nghĩ các nhà chức trách Việt Nam đã đúng. Mục tiêu cuối cùng của bộ phim này là tạo ra sự thấu hiểu, hàn gắn và đưa hai nước chúng ta gần nhau hơn.

Bà Samantha Farinella chụp ảnh cùng gia đình hai nhân vật tham gia phỏng vấn trong dự án phim ngắn Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Samantha Farinella chụp ảnh cùng gia đình hai nhân vật tham gia phỏng vấn trong dự án phim ngắn Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người Việt Nam có sự bao dung, luôn nhìn về phía trước để tiến lên và không nhìn về phía sau quá nhiều. Đó là một phẩm chất tốt đẹp và là lý do vì sao tôi muốn dành tặng bộ phim này cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM để các thế hệ tương lai hiểu về giá trị của độc lập cùng những gì ông cha đã làm.

Có được sự chấp thuận ban đầu từ nhà chức trách Việt Nam là rất quan trọng, nhưng tôi muốn bộ phim được người Việt Nam đón nhận nữa. Đó mới là điều ý nghĩa và thành công nhất.

* Công việc làm phim độc lập hẳn rất khó khăn, nhất là nguồn kinh phí. Làm thế nào bà có đủ tiền cho dự án ở Việt Nam?

- Đúng như vậy. Tôi chọn làm phim độc lập nên kinh phí đến từ sự quyên góp của mọi người. May mắn là tôi hiện có một công việc tại Đại học Hawaii nhưng nó không có nghĩa tôi bớt đi áp lực.

Tôi không xuất thân từ tầng lớp giàu có, không quen với những đặc quyền nên tôi chọn làm phim theo một cách nối đuôi từ sự quyên góp của cộng đồng và cam kết mỗi giai đoạn sẽ có một sản phẩm cụ thể.

Đạo diễn Samantha Farinella ôm chầm một nhân vật bà phỏng vấn cho dự án Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Samantha Farinella ôm chầm một nhân vật bà phỏng vấn cho dự án Con đường đến độc lập - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ấp ủ của tôi là dự án này có thể trở thành một bộ phim lớn, có ít nhất 50% tiếng nói đến từ những người phụ nữ. Ở Mỹ đã có quá nhiều bộ phim về chiến tranh mà nam giới chiếm số đông rồi. Đây sẽ là một điều khác biệt bởi phụ nữ nhìn nhận những gì đã xảy ra trong chiến tranh ở một góc cạnh khác với nam giới.

Trước mắt dự án sẽ cho ra một phim ngắn, tôi hy vọng là kịp vào năm 2025 sau đó sẽ tiếp tục được bổ sung để trở thành một bộ phim lớn trong những năm tiếp theo.

Tôi mong phim ngắn đó sẽ được chiếu tại các liên hoan phim ở Mỹ, đến với các trường đại học và bảo tàng vì mục đích giáo dục.

Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại Việt Nam, không chỉ cho dự án này mà còn nhiều dự án khác về đất nước, văn hóa tại đây, đặc biệt là Hà Nội.

Cuộc sống khó khăn trui rèn tính cách

* Làm thế nào để bà cân bằng giữa việc giảng dạy và đi khắp nơi để làm phim độc lập?

- (Cười) Thật ra tôi cũng không cân bằng lắm đâu. Tôi may mắn có được chân giảng dạy về nghệ thuật sáng tạo ở Đại học Hawaii vào năm ngoái. Nói là may mắn vì trước đó tôi làm nhiều nghề lắm.

Tuổi thơ của tôi gắn bó với mẹ, người giống như một người bạn lớn của tôi vậy. Chúng tôi thường thức cùng nhau và xem phim rất nhiều nên ước mơ khi nhỏ của tôi là trở thành một nhà làm phim. 

Nhưng tôi băn khoăn về điều đó, vì nhà tôi không có nhiều tiền và tôi không muốn lãng phí tiền của gia đình. Tôi muốn học một ngành sau này có nhiều việc để làm, thế là tôi đi học làm báo ở Đại học New York sau khi có được một học bổng. 

Rồi gia đình tôi phá sản, tôi bỏ học để đi làm trong suốt thời gian đó. Chính trong thời gian này, tôi bén duyên trở lại với phim ảnh và tôi quyết định quay lại đại học, quyết định sẽ trở thành một nhà làm phim theo cách của riêng mình.

Mỗi góc phố, mảng tường hay con người ở Việt Nam đối với bà Samantha Farinella đều mang đậm chất điện ảnh - Ảnh: DANH KHANG

Mỗi góc phố, mảng tường hay con người ở Việt Nam đối với bà Samantha Farinella đều mang đậm chất điện ảnh - Ảnh: DANH KHANG

Có một quãng thời gian tôi làm việc ở Hollywood. Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 xảy ra, tôi bị sa thải dù tôi không làm gì sai. Cùng thời gian đó, mẹ tôi được phát hiện mắc ung thư và qua đời năm 2012. Đó thật sự là quãng thời gian khó khăn.

Sau đó tôi bước vào lĩnh vực quảng cáo, công việc cho thu nhập tốt nhưng áp lực cao và vất vả vì phải làm hơn 80 tiếng mỗi tuần nên tôi quyết định học cao học để đi dạy. 

Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng hãy học, kiếm sống bằng truyền thông và thực hiện những ấp ủ của mình vào thời gian còn lại. Đó là cách các bạn luôn được học hỏi không ngừng và tiến bộ hơn trong công việc.

* Bà đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Động lực nào khiến bà tiếp tục nuôi dưỡng các ý định làm phim độc lập?

- Cha tôi mắc bệnh Alzheimer nên đầu óc lúc nhớ lúc không. Ông ấy vẫn ở New York và làm thợ cắt tóc nên tôi chỉ có thể chăm sóc ông ấy từ xa. 

Tôi biết đây không phải là lúc thích hợp với bản thân để đi khắp nơi làm phim nhưng thời gian không cho phép điều đó. Tôi đã sắp xếp lại mọi thứ để đến Việt Nam, bởi vì thời gian càng trôi đi, nhân vật và những câu chuyện của họ cũng sẽ mất theo.

Tôi nghĩ đôi khi với nghệ thuật, bạn không thể cưỡng lại được. Giống như một số họa sĩ, họ vẽ tranh không phải để kiếm tiền từ nó mà vì họ muốn vẽ. Điều đó cũng tương tự với tôi. Nếu tôi thất vọng về điều gì đó, tôi có thể làm một bộ phim về nó và cảm thấy tốt hơn, đồng thời biết rằng tôi đã đặt điều gì đó tốt đẹp vào thế giới.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời phải không? Vì vậy, bạn phải thực sự sống chứ không phải tồn tại. Thế giới rất phù du, chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hãy dành từng ngày một để sống và trân trọng những gì chúng ta đang có.

Đừng ngại thử thách bản thân

Trước khi bấm máy dự án Con đường đến độc lập, bà Samantha Farinella đã mất sáu năm cho bộ phim Hunting in Wartime kể về những người Tlingit bản địa Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Bộ phim khắc họa những khó khăn của họ khi trở về cuộc sống thường nhật và cả sự quên lãng của chính phủ sau cuộc chiến đã được phát sóng trên Đài PBS.

Nhiều lời khen ngợi và giải thưởng đã được dành cho Hunting in Wartime khi phản ánh những ảnh hưởng lâu dài, cái giá của chiến tranh đối với các cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các nhà làm phim độc lập Việt Nam, nữ đạo diễn Samantha Farinella chia sẻ thông điệp đừng ngại dấn thân và thử nghiệm, vượt ra ngoài các tiêu chuẩn cũ.

Nghệ thuật là phải trải nghiệm và thử nghiệm để khám phá tài năng của chính mình.

Xe máy, bản giao hưởng đời sống Việt qua con mắt nữ đạo diễn người AnhXe máy, bản giao hưởng đời sống Việt qua con mắt nữ đạo diễn người Anh

"97 triệu người, 45 triệu xe máy" - bộ phim tài liệu Dust & Metal (Cát bụi & kim loại) của nữ đạo diễn người Anh Esther Johnson là ghi nhận văn hóa xe máy - bản giao hưởng sống động của đời sống Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên