Báo New York Post đưa tin, theo các nhà chức trách và giáo sư Đại học New York Ngô Thanh Nhàn, chồng của bà Merle Ratner, bà đang đi bộ tại quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ vào khoảng 19h ngày 5-2 (theo giờ địa phương) thì bất ngờ bị một chiếc xe tải rẽ trái tông trúng từ phía sau.
Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York, có tình yêu đặc biệt với Việt Nam.
Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức "Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - VAORRC" của khu vực New York.
Tổ chức trên là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm nhấn mạnh rằng chính phủ tôn trọng trách nhiệm đạo đức và pháp lý trong việc bồi thường cho tất cả nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Chất độc da cam là một loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng để loại bỏ những tán lá che chắn cho quân đội Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Hậu quả của chất độc da cam khiến nhiều người tiếp xúc với chất độc này mắc phải nhiều bệnh cũng như gây ra nhiều dị tật bẩm sinh ở con cháu của họ.
"Bà Merle trông giống một nhà nhân văn hơn. Bà ấy sẽ nghĩ đến người khác trước tiên, đặc biệt là người nghèo, trước bất kỳ người nào khác. Bà ấy yêu cuộc sống, thích ăn uống và yêu con người Việt Nam" - giáo sư Ngô nói về các hoạt động tích cực của vợ mình.
Theo tiết lộ của ông Ngô, bà Ratner sinh ra ở Bronx, xuất thân từ một gia đình Do Thái. Bà vẫn luôn lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam kể từ lần đầu tham gia vào một cuộc biểu tình và bị bắt năm 13 tuổi.
“Tôi trở thành một nhà hoạt động vào khoảng năm 13 tuổi”, bà Ratner từng nói trong một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Lịch sử New York.
Bà Ratner tham gia rất tích cực trong biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từ cuối thập niên 1960, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc thập niên 1970, 1980, và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay.
Sau năm 1975, với tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam, bà Ratner đã có nhiều nỗ lực vận động quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, cũng như hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam.
Bà từng nhiều lần tới thăm các tỉnh thành của Việt Nam, làm việc với các tổ chức đối ngoại nhân dân, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Bà Ratner đã được trao tặng giải thưởng "Vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" vào năm 2013; kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" năm 2010.
“Anh em, con trai, chồng và cháu trai của nhiều người bị bắt đi lính, họ đi và trở về trong cỗ quan tài với nhiều câu chuyện khác nhau. Từ đó, chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều câu chuyện về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những câu chuyện về việc sử dụng bom hóa học như bom Napalm”, bà Ratner nói thêm.
Bà Ratner gặp chồng lần đầu sau khi bà tham gia đón đoàn người Việt Nam đến Liên HIệp Quốc năm 1978, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận