11/08/2023 09:00 GMT+7

Nông dân không muốn xả lũ để tăng diện tích trồng do giá lúa gạo tăng

Do giá lúa gạo tăng từng ngày, diện tích gieo trồng vụ thu đông tại nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có địa phương dự kiến không xả lũ để tăng diện tích gieo sạ vụ thu đông thêm 3.000ha.

Nông dân An Giang đã thu hoạch gần 80% diện tích lúa hè thu với giá lúa tươi liên tục tăng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân An Giang đã thu hoạch gần 80% diện tích lúa hè thu với giá lúa tươi liên tục tăng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên, một số doanh nhân và chuyên gia bày tỏ lo ngại đối với việc tăng diện tích lúa vụ thu đông, do không có gì đảm bảo giá lúa gạo có thể tiếp tục duy trì mức cao trong những tháng tới, nhất là trong trường hợp Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại.

Ngừng xả lũ để tăng diện tích lúa?

Ông Nguyễn Thành Phước, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết theo kế hoạch, địa phương này gieo trồng 138.000ha lúa vụ hè thu. Nhưng do giá lúa gạo tăng, nhiều nông dân tranh thủ xuống giống nên diện tích lúa tăng thêm khoảng 2.000ha, đạt 140.775ha, đến nay đã thu hoạch gần 40.000ha.

Theo ông Trương Kiến Thọ - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, đến nay địa phương đã thu hoạch hơn 80% diện tích lúa hè thu, dự kiến hoàn tất trong tháng 8.

Ngoài ra, diện tích gieo sạ vụ thu đông đạt gần 30.000ha trong số 148.133ha, đạt trên 20% kế hoạch.

Theo ông Thọ, do giá lúa liên tục tăng, nông dân đang khẩn trương xuống giống vụ thu đông năm 2023.

"Ngay với những vùng phải xả lũ theo quy trình 3 năm 8 vụ, nhiều nông dân không muốn xả lũ để có thể tiếp tục xuống giống vì thấy giá lúa cao", ông Thọ nói và cho biết nếu không xả lũ, dự kiến diện tích gieo sạ vụ thu đông có thể tăng thêm hơn 3.000ha. Đây là những vùng có đê bao an toàn.

"Tuy nhiên, chỉ khi người dân và địa phương đồng thuận không xả lũ, có văn bản gửi về sở thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Giá lúa đang cao, nhưng vài tháng sau có ai đảm bảo cao như vậy hay không thì rất khó", ông Thọ cho biết.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng không có gì đảm bảo giá lúa gạo sẽ tiếp tục đứng mức cao trong thời gian tới, nhất là trong trường hợp Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.

Cảng Mỹ Thới "đói" gạo xuất khẩu, vì sao?

Trong khi giá lúa gạo xuất khẩu tăng mạnh, cảng Mỹ Thới (An Giang) lại đang "đói" hàng hóa xuất khẩu, do các doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

Theo ông Bùi Thành Hiệp - tổng giám đốc Công ty CP Cảng An Giang (còn gọi là cảng Mỹ Thới), trong bảy tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu qua cảng Mỹ Thới hơn 300.000 tấn gạo, còn gạo xuất đi trong nước hơn 120.000 tấn.

"Tại cảng Mỹ Thới chỉ có mấy lô hàng xuất khẩu để trả hợp đồng cũ thôi. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết chưa dám ký hợp đồng mới nên không có lượng gạo xuất khẩu tại cảng.

Nếu tính tám tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, lượng gạo xuất khẩu tại cảng chỉ đạt khoảng 65%, giảm rất mạnh", ông Hiệp nói và cho biết từ nay đến hết quý 3, cảng vẫn chưa nhận được thông tin doanh nghiệp đóng container hay đặt hàng xuất khẩu gạo tại cảng.

Ngoài lý do các tàu chở gạo xuất khẩu có tải trọng 5.000 tấn không vào được cảng Mỹ Thới do vướng luồng Định An đang thi công, ông Hiệp cho biết nhiều doanh nghiệp thông tin rằng chưa dám ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo do giá lúa gạo trong nước diễn biến bất thường, doanh nghiệp có nguy cơ bị thua lỗ nếu ký hợp đồng trước khi có nguồn hàng.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho biết không dám ký hợp đồng mới bởi hợp đồng vừa ký chưa ráo mực, giá lúa trong nước đã tăng mạnh, doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ.

"Giá lúa gạo phải ổn định, doanh nghiệp mới ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, cảng mới đóng thùng xuất khẩu hay vận chuyển", một doanh nhân nói.

Chuẩn bị gieo sạ vụ lúa - tôm

Ghi nhận tại vùng bán đảo Cà Mau cho thấy nhiều diện tích lúa - tôm cũng chuẩn bị được gieo sạ. Ông Lê Văn Khanh, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, Kiên Giang, cho hay những năm qua mô hình lúa - tôm ở địa phương phát triển mạnh với khoảng 39.000ha, chủ yếu sử dụng giống lúa ST24, ST25 để gieo sạ.

"Mô hình tôm - lúa đang phát huy hiệu quả cao, giúp đời sống người dân địa phương ổn định", ông Khanh thông tin.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay tại địa phương này có khoảng 102.400ha được sản xuất theo mô hình lúa - tôm, chưa kể hơn 20.000ha đất lúa ven biển cũng đang được quy hoạch theo mô hình này nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, địa phương này có khoảng 39.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, dự kiến nâng lên 43.000ha vào năm 2025.

Nông dân Bạc Liêu cũng ưa chuộng nhất là giống ST24 và ST25 vì thường trúng mùa và bán được giá cao.

Nông dân không muốn xả lũ để tăng diện tích trồng do giá lúa gạo tăng - Ảnh 5.

Vì sao giá lúa gạo tăng nhưng gạo xuất qua cảng Mỹ Thới giảm mạnh?Vì sao giá lúa gạo tăng nhưng gạo xuất qua cảng Mỹ Thới giảm mạnh?

Trong khi giá lúa gạo trong nước liên tục tăng mạnh, nông dân phấn khởi thì cảng Mỹ Thới lại “đói” hàng hóa xuất khẩu. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu gạo và tàu biển không vào chở hàng được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên