31/07/2023 09:27 GMT+7

Giá lúa tăng mạnh, vui cho bà con nhưng cần tránh rủi ro

Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, đẩy giá lúa Việt Nam tăng vọt những ngày qua khiến bà con nông dân nức lòng.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên làm sao để đảm bảo sự hài hòa giữa đẩy mạnh xuất khẩu và cân đối cung - cầu, ổn định giá cả trong nước?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể là "cơ hội" cho người nông dân, song cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc này đến toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng lúa gạo.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

"Cơ hội vàng"

* Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tới thị trường gạo thế giới?

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung lương thực đã rất căng do cuộc chiến Nga - Ukraine và tình hình thời tiết không thuận ở nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo nên chắc chắn sẽ gây tác động mạnh tới giá gạo trên thị trường thế giới.

Một số ý kiến cho rằng đây là "cơ hội vàng" cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng có lẽ cần đánh giá toàn diện hơn. Bà con nông dân có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhưng an ninh lương thực của Việt Nam và cả hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể sẽ gặp rủi ro không hề nhỏ.

* Ông có thể nói rõ hơn về rủi ro đối với việc đảm bảo cung - cầu và giá cả?

- Để bù đắp lượng gạo thiếu hụt từ nguồn Ấn Độ xuất khẩu, các nhà nhập khẩu sẽ quay sang mua gạo của Việt Nam và Thái Lan. Điều này có thể thấy rõ hơn trong thời gian tới và chúng ta nên lường trước khả năng thiếu hụt.

Trong vòng bốn năm kể từ năm 2018, lượng gạo xuất khẩu của ta chỉ dao động xung quanh 6,1 - 6,3 triệu tấn/năm, riêng năm 2022 vọt lên hơn 7 triệu tấn. Tôi cho rằng đây đã là giới hạn tối đa để đảm bảo sự hài hòa giữa xuất khẩu và nhu cầu trong nước.

Chúng ta có thể xuất khẩu 9 - 10 triệu tấn, thậm chí trên 10 triệu tấn/năm, như một số ý kiến. Nói vậy cũng đúng bởi ta sản xuất hơn 22 triệu tấn gạo/năm, đủ để xuất khẩu trên 10 triệu tấn nhưng có thể sẽ phải nhập khẩu để bù vào. Cần nhớ rằng năm 2021 ta xuất khẩu có 6,2 triệu tấn gạo thôi nhưng lượng nhập khẩu đã lên tới 1 triệu tấn, trong đó hơn 700.000 tấn là từ Ấn Độ.

Nhu cầu gạo trong nước không chỉ là phục vụ cho bữa ăn hằng ngày mà còn cả nhu cầu làm bún, làm bánh hay nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cơ cấu gạo xuất khẩu của ta đã có sự thay đổi lớn trong những năm gần đây. 

Chúng ta trồng gạo chất lượng cao để bán giá cao; phân khúc gạo thường để làm bánh, làm bún... thì dùng nhập khẩu để bù đắp, trong đó nhập từ Ấn Độ một lượng khá lớn. Nay nguồn cung từ Ấn Độ bị thắt đột ngột, toàn bộ các ngành sản xuất sử dụng gạo thường để làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.

Cuối cùng là đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đảm bảo về lượng mà còn đảm bảo về giá ở mức chấp nhận được với đại đa số người dân. Có gạo nhưng giá tăng tới 10 - 15% so với năm 2022 thì cũng khó có thể nói là đã đảm bảo an ninh lương thực, nên cần lưu ý yếu tố này.

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đưa lúa ra cặp sông Hậu để bán cho  thương lái - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đưa lúa ra cặp sông Hậu để bán cho thương lái - Ảnh: BỬU ĐẤU

Năm 2025 thị trường ổn định

* Ông cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể gặp rủi ro, nhưng có những đơn vị cho rằng tình hình đang rất triển vọng?

- Trong ngắn hạn từ sáu tháng tới một năm, triển vọng là có. Tuy nhiên từ giữa năm 2024 thời tiết có thể ổn định trở lại, sản xuất gạo phục hồi và Ấn Độ có thể sẽ giải tỏa lệnh cấm xuất khẩu. 

Thị trường sẽ quay trở về trạng thái thông thường. Với nông dân, vụ hè thu này là tốt bởi giá phân bón giảm, giá đầu ra lại tăng đột biến nên có lợi nhuận lớn. Nhưng tới vụ đông xuân, tình hình có thể sẽ khác.

Trong một chuỗi sản xuất và cung ứng lúa gạo "phẳng" như hiện nay, rất khó xảy ra tình trạng một khâu nào đó có lợi nhuận siêu ngạch kéo dài. Theo thời gian, thị trường sẽ tự điều chỉnh để từng khâu đều có mức lợi nhuận bình quân cơ bản như nhau.

Khác với mường tượng của nhiều người, giá xuất khẩu tăng hầu như không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Sở dĩ như vậy là do tuyệt đại đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nắm giữ đất trồng lúa. 

Họ đơn thuần là mua gạo trong dân để bán cho người nhập khẩu. Giá mua lúa gạo trong nước tăng theo giá thế giới, doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ không được lợi gì nhiều trừ phi họ còn gạo tồn mua từ trước. Nếu đã trót ký hợp đồng bán với giá thấp, giờ phải mua vào với giá cao để thực hiện hợp đồng thì thậm chí có thể thua lỗ.

Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người dân trong quý 3 và 4-2023 - Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: N.KH.

Nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của người dân trong quý 3 và 4-2023 - Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: N.KH.

* Vậy ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như các cơ quan hữu quan?

- Hiện nay không loại trừ khả năng nông dân và thương lái sẽ găm giữ gạo để chờ giá cao hơn. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên thận trọng. Cần lưu ý đến phương thức giao dịch. Nếu có thể thì nên mua trước, bán sau hoặc đưa ra phương thức tính giá xuất khẩu dựa trên chỉ số giá gạo vào thời điểm giao hàng để giảm bớt rủi ro.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nên nhiều khả năng lệnh cấm này còn kéo dài, ít nhất là trong sáu tháng tới. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. 

Từ nay tới đó, bên cạnh việc tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận cho người nông dân, cần có sự tính toán và đánh giá toàn diện các mặt để đảm bảo cung cầu gạo trong mọi tình huống và ổn định giá gạo cho người dân trong bối cảnh vẫn tồn tại nguy cơ lạm phát.

Nông dân ở Hậu Giang nhộn nhịp thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2023   - Ảnh: CHÍ CÔNG

Nông dân ở Hậu Giang nhộn nhịp thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2023 - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ổn định lượng gạo xuất khẩu dưới 7 triệu tấn

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng năm nay sản xuất lúa gạo ở Việt Nam khá thuận lợi, kế hoạch cả năm dự kiến đạt khoảng 43 triệu tấn thóc. Như vậy đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu lương thực trong nước và các nhu cầu khác, khi chúng ta xuất khẩu ở mức 6,5 - 6,6 triệu tấn gạo.

Dù Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhưng quan điểm của Cục Trồng trọt là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu trên 6,5 - 6,6 triệu tấn. Với lượng gạo xuất khẩu như vậy sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu thụ trong nước khác.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN - Đồ họa: N.KH.

An ninh lương thực thế giới rất đáng ngại

Tháng 3-2023, Bộ Thương mại Indonesia cho biết nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ngày 20-7, Ấn Độ cũng chính thức cấm xuất khẩu gạo trắng thường (không phải gạo basmati). Mới nhất vào ngày 29-7, Philippines cũng tuyên bố tăng dự trữ gạo, trong khi Nga chính thức tạm dừng xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến cuối năm để hỗ trợ thị trường nội địa.

Vì sao nhiều quốc gia tăng dự trữ, giảm xuất khẩu gạo? Trong phát biểu vào ngày 29-7 về việc tăng dự trữ gạo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. lý giải toàn bộ Đông Nam Á, các nước đều đang chuẩn bị cho El Nino. Ở châu Á - vựa lúa thế giới, nơi sản xuất và tiêu thụ hơn 90% lượng gạo toàn cầu, El Nino khiến thời tiết nóng lên và lượng mưa ít đi, đồng nghĩa với việc thiếu nước cho trồng lúa và gây nguy cơ hạn hán. Đó là viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai do đó việc tăng dự trữ, giảm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực là điều tất yếu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 5-2023 cũng đưa ra nhận định El Nino là vấn đề mới nổi và đè nặng lên tình hình sản xuất lúa gạo ở châu Á, nhất là khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Một nghiên cứu được trích dẫn cho thấy năng suất lúa trung bình toàn cầu giảm 1,33% do El Nino và 13,4% diện tích thu hoạch lúa có liên quan tiêu cực đáng kể do El Nino.

Còn theo tờ The Star, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc tuyên bố hiện tượng El Nino đã xảy ra và sự tác động tiêu cực của nó sẽ tiếp tục tăng rất cao trong nửa cuối năm 2023. Trong khi đó, Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia dự báo El Nino sẽ đạt đỉnh vào tháng 8 và tháng 9, đe dọa sản xuất lương thực khắp châu Á và gây ảnh hưởng an ninh lương thực toàn cầu.

Cùng chung nhận định, tờ Telegraph (Anh) hôm 26-7 cho rằng El Nino có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường lương thực vốn đã mong manh vì nó tiếp tục tạo ra áp lực tăng giá toàn cầu. Năm 2022, Liên Hiệp Quốc cho biết có tới 783 triệu người bị đói vì tác động toàn cầu từ xung đột, mất an ninh, dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giá lúa mì đã tăng 13% và ngô tăng 9%, chỉ một tuần sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen vào ngày 17-7.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN - Dữ liệu: Chí Tuệ - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Hiệp hội lương thực VN - Dữ liệu: Chí Tuệ - Đồ họa: N.KH.

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) nhận tiền mua lúa từ thương lái  - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân huyện Châu Phú (An Giang) nhận tiền mua lúa từ thương lái - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân mừng, doanh nghiệp lo

Giá lúa tại ĐBSCL liên tục tăng mạnh thời gian qua. Nông dân phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại lo bị thiệt hại từ việc giá lúa cao.

Vậy nên tính toán sao để nông dân và doanh nghiệp cùng sống được với giá lúa gạo hiện nay?

Lãi cao nhất từ trước tới nay

Đó là xác nhận của đa số nông dân trồng lúa tại khu vực ĐBSCL. Nông dân Nguyễn Vinh (kênh E1, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cho hay hiện nay thương lái đang đi thu mua lúa với giá 6.500 - 6.600 đồng/kg.

Đây là mức giá cao so với các mùa vụ trước. Trong khi đó năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu lại ổn định, thời tiết cho vụ hè thu năm nay cũng hết sức thuận lợi. Do đó năng suất mỗi héc ta cũng được khoảng hơn 7 tấn lúa.

Với giá lúa như trên, cùng với những thuận lợi đã kể, tính ra 1ha lúa trong vụ hè thu này nông dân cầm chắc lãi từ 25 triệu đồng trở lên.

"Đây là mức lãi cao nhất từ trước đến nay trong cuộc đời gần 40 năm canh tác lúa của tôi. Lãi lớn, nông dân mừng vì bù đắp được cho những mùa lúa thất bát, lỗ ít nhiều trong những mùa vụ trước", anh Vinh chia sẻ thêm.

Trước tình hình giá lúa tăng cao như hiện nay, người nông dân có nên trữ lúa chờ giá lên nữa không? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng lúa tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung khá "dồi dào". Hiện nay Đồng Tháp đã thu hoạch trên 60% diện tích và bà con đã xuống giống vụ thu đông trên 80.000ha lúa. Do các tỉnh ĐBSCL chưa có kho trữ đủ điều kiện để xuất khẩu sang châu Âu, vì vậy không nên trữ lúa.

"Theo tôi, các tỉnh cứ bán hết lúa. Vì lúa chúng ta có liên tục, ngày nào cũng có. Mùa này và thu đông muốn trữ lúa cũng không thể được", ông Điền nói và giải thích thêm bởi nông dân không thể trữ lúa vì đa phần các doanh nghiệp cũng không có kho trữ lúa đạt chuẩn.

Lý giải thêm việc nông dân không nên trữ lúa lâu khi đạt giá cao, ông Dương Văn Chín, nguyên phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp hiện không như trước là phải mua lúa dự trữ mà họ ký hợp đồng với nhà nhập khẩu với giá bao nhiêu rồi mới mua lúa.

Do đó người nông dân không cần sợ bị ép giá vì doanh nghiệp ký hợp đồng trước mới thu mua. Nghĩa là họ cảm thấy có lợi nhuận mới ký hợp đồng mua lúa.

Do vậy khi nông dân thấy giá lúa đã đạt ở mức cao thì nên bán. Ông Chín cũng đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi thấy nhà nhập khẩu nào đưa ra giá tốt thì cứ bán để được giá.

Doanh nghiệp lo

Trước sức nóng của giá lúa tăng, ông Trần Mạnh Linh, giám đốc điều hành ngành hàng gạo thuộc Tập đoàn Tân Long, không khỏi lo lắng. Ông Linh cho biết hiện nay Tân Long xuất khẩu 15.000 - 20.000 tấn gạo/tháng sang nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn. Tuy nhiên cũng rất khó để tận dụng được cơ hội hoặc thậm chí là bị "thiệt hại" từ việc giá lúa cao.

"Giá lúa đã tăng, người người tranh nhau mua nên đẩy giá lúa nội địa tăng mạnh hơn những ngày gần đây. Tôi chưa thấy thuận lợi gì nhưng trước mắt là các doanh nghiệp lúa gạo phải chấp nhận mua lúa giá cao để trả nợ hợp đồng đã ký trước đó từ 3-4 tháng. Hiện nay đa số các doanh nghiệp đang phải trả nợ hợp đồng như vậy chứ chưa dám ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới", ông Linh giải thích.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, giai đoạn này chắc chắn phải mua lúa giá cao, doanh nghiệp không lời nhiều nhưng phải chấp nhận. Thay vì lời nhiều thì cuối vụ chia sẻ cho nông dân nhiều nhưng lời ít thì phần lợi nhuận chia ít lại cho nông dân (có hợp tác liên kết trồng lúa với doanh nghiệp).

"Lộc Trời không bao giờ mong muốn tăng giá bán gạo, vì hiểu rõ đây là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam và các nước. Việc giá bán gạo tăng lên hiện nay là theo áp lực trước tình hình thế giới. Do đó, Lộc Trời một mặt tăng giá mua lúa của bà con nông dân, một mặt vẫn đảm bảo được chi phí và kiểm soát giá thành để nông dân có thêm lợi nhuận", ông Thuận nói.

Chia sẻ thêm về việc "trả nợ hợp đồng" xuất khẩu gạo ký trước đó, ông Thuận cho biết đối với hợp đồng đã ký, Lộc Trời có sẵn lượng hàng hóa trong kho trước khi ký hợp đồng nên không bị ảnh hưởng về giá lúa tăng hiện nay. Đối với các hợp đồng mới, người mua thông cảm vì biết là giá lúa đang tăng và giá gạo quốc tế cũng tăng, do đó chấp nhận mua cao hơn các hợp đồng trước đó. "Phần lợi nhuận tăng thêm này chủ yếu được chuyển lại cho bà con nông dân thông qua giá lúa", ông Thuận giãi bày.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Cần tranh thủ phân khúc gạo chất lượng cao

Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường lúa gạo. Từ bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu thì chắc chắn giá lúa gạo sẽ tăng, tất cả các nước xuất khẩu gạo đều có lợi, trong đó có Việt Nam. Vậy thì câu chuyện Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội này như thế nào?

Theo tôi, Việt Nam cần nhìn vào những phân khúc Ấn Độ cung cấp cho thị trường thế giới (có ba phân khúc cao cấp từ 800 - 1.200 USD/tấn, phân khúc khá, phân khúc trung bình) và cần chớp lấy thời cơ này chen vào thị trường cao cấp để tăng giá trị gạo trong dài hạn.

Nói cách khác, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam chen vào thị trường ngách mà Ấn Độ đang bỏ ngỏ trong phân khúc chất lượng cao, tạo niềm tin cho khách hàng trong phân khúc để lúa gạo Việt Nam đạt giá cao nhất có thể. Khi Ấn Độ trở lại xuất khẩu gạo bình thường, chúng ta đã có vị thế ở thị trường này, chắc chắn họ phải cạnh tranh với chúng ta.

Ông Phạm Thái Bình (tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An):

Cơ hội cho cả nông dân và doanh nghiệp

Giá lúa gạo hiện nay đang tăng lên từng ngày là cơ hội lớn cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang thu mua lúa để trả nợ các hợp đồng đã ký trước mà chưa ký các hợp đồng mới. Công ty Trung An đang tập trung thu mua lúa gạo để trả nợ các hợp đồng cho đối tác. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ bắt đầu ký hợp đồng cho vụ thu đông sắp tới.

Nông dân làm lúa đang hưởng lợi rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững (có liên kết, có vùng nguyên liệu rõ ràng) thì trong giai đoạn này sẽ có nhiều cơ hội hơn. Sau khi trả nợ xong, tôi sẽ ký với các đối tác vì tôi có nguồn nguyên liệu sẵn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu thì phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn mua lúa với giá đắt như hiện nay sẽ không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, vì giá hợp đồng thấp nhưng mua lúa giá cao.

Nông dân miền Tây đang trúng mùa, trúng giá lúaNông dân miền Tây đang trúng mùa, trúng giá lúa

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch ráo riết vụ lúa hè thu, giá lúa tăng cao kỷ lục và giữ ổn định đến cuối vụ là việc hiếm hoi khiến nông dân phấn khởi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên