12/01/2015 15:15 GMT+7

Nơm nớp sợ voi rừng

PHAN PHAN
PHAN PHAN

TT - Hơn 10 năm nay, cứ khi hết thức ăn trong rừng, đàn voi lại vào các vườn, rẫy, thậm chí khu dân cư gần bìa rừng kiếm ăn.

Con voi ngà lệch - nỗi ám ảnh nhiều năm nay của người dân xã Thanh Sơn - Ảnh người dân cung cấp

Người dân ở xã Thanh Sơn (Định Quán, Đồng Nai) luôn sống trong lo sợ

23g ngày 31-12-2014, ông Trần Minh Hoàng (ấp 4, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng chân thình thịch, tiếp đó là tiếng cây ngã đổ.

Chạy ra đến nơi, ông hoảng hồn: gần chục “ông bồ” (cách gọi tên voi đầy kính nể của người dân) đang “quậy tưng” trên rẫy xoài nhà mình.

Ông Hoàng rọi đèn, cầm cây lên định đuổi nhưng đàn voi gầm ré những tiếng lớn, ông định thần gọi điện về trạm kiểm lâm địa bàn cầu cứu.

Chỉ lát sau, gần 30 người trong lực lượng phản ứng nhanh gồm dân quân tự vệ, công an xã, lực lượng tại chỗ (dân địa phương) phối hợp với kiểm lâm và lâm nghiệp tìm cách đuổi voi ra khỏi rẫy.

Ước đàn voi có 7-9 con, có cả voi trưởng thành và voi con (2-3 năm tuổi).

Voi ngà lệch - nỗi ám ảnh nhiều năm nay của người dân xã Thanh Sơn - Ảnh: Người dân cung cấp

Ứng cứu

Mọi người sử dụng các biện pháp quen thuộc: dùng đèn công suất lớn rọi thẳng vào bầy voi. Các vật có thể phát ra tiếng động lớn như: thùng phuy, xoong nồi được huy động. Tiếng còi hụ từ hai chiếc loa di động phát ra ầm ĩ. Cả một vùng sáng rực, náo động.

Ông Hoàng hoảng loạn do tiếc công sức bỏ ra lại bị phá hoại, tìm mọi cách tiến gần đàn voi. Nhưng khi cách khoảng 5m thì ông bị tấn công, phải lùi lại.

Đàn voi nghe tiếng xua đuổi càng phá tợn. Chúng húc đổ gốc hai cây xoài lớn 14 năm tuổi. Voi con ăn xoài ở tầng thấp, các con voi trưởng thành dùng vòi xé cành cao xuống.

Ông Trần Văn Toàn, đội phó lâm nghiệp 2, đứng ở giữa nói lớn: “Đề nghị bà con giữ bình tĩnh, tránh xung đột với voi. Chúng ta chỉ đuổi voi về lại rừng chứ không tấn công và làm hại đến đàn voi”.

Phương án mới được đưa ra: toàn bộ lực lượng chia làm hai tốp. Một tốp có nhiệm vụ rọi đèn, sử dụng còi hú để bầy voi rời khỏi rẫy xoài nhà ông Hoàng. Một tốp đứng sẵn chỗ đường chính (khu dân cư) để khi đàn voi ra khỏi rẫy sẽ hùa nhau đuổi vào rừng.

Cuộc quần thảo diễn ra hơn một giờ thì bầy voi bắt đầu lùi về phía rừng keo. Một góc rẫy xoài nhà ông Hoàng trơ trụi, cây ngã đổ, trái xoài non rụng đầy trên đất.

Ông Hoàng mếu máo nhớ lại: “Đầu giờ chiều, có một “ông bồ” tiến sát vào vách nhà tôi. Tôi và bà nhà thấy liền lấy cây đuổi thì ổng đủng đỉnh bỏ đi. Thế mà đến khuya ổng kéo cả đàn đến”.

Vừa kể ông vừa đưa bắp chân trái có một vết sẹo dài, thâm đen: “Cách đây hai năm, lúc đuổi ông bồ, có con voi con bị mắc kẹt lại, tưởng tôi tấn công nó nên voi mẹ quay lại đuổi tôi. Tôi chạy vấp phải hòn đá nên mới thành ra thế này”.

Ông Hiệu trước căn nhà bị voi phá - Ảnh: P.Phan

Sống trong sợ hãi

Hơn 10 năm nay, cứ khi hết thức ăn trong rừng, đàn voi lại vào các vườn, rẫy, thậm chí khu dân cư gần bìa rừng để kiếm ăn, chủ yếu là các loại trái cây và hoa màu như: xoài, chuối, bắp, mì, lúa...

Voi ra nhiều nhất vào những tháng mùa mưa (tháng 4-6) và những ngày cuối năm đến trước Tết Nguyên đán là khi trong rừng hết thức ăn. Địa bàn hoạt động và đường đi của voi không cố định.

Mới tối hôm trước xuất hiện ở khu vực ấp 7 (giáp với xã Tà Là, huyện Tân Phú), hôm sau đã di chuyển đến khu vực giáp ranh Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) nên người dân không thể lường trước được.

Ông Sáu Hiệu (Nguyễn Văn Hiệu, ấp 5) vẫn còn nhớ cỡ 22g ngày 4-1-2015, ông đang ngồi hút thuốc trong nhà thì nghe tiếng chó sủa phía trước, chạy ra thấy một khối đen khổng lồ đang tiến tới.

“Tui la lên một tiếng, chạy vào đưa bà nhà ra khỏi nhà thì “ông bồ” tới trước cửa. Đánh hơi được mùi gạo, muối và thùng mì gói ở trong nhà, “ông bồ” lấy vòi cuốn vào cột nhà chính, kéo sập. Đường dây điện đứt, cả khu tối om” - ông Hiệu nhớ lại.

Ông Hiệu thấy thế chạy ra tri hô. Mọi người nhóm đống lửa lớn, dùng xoong nồi đập mạnh. Các máy cưa cũng được mang tới, xe máy rồ ga lớn để “ông” sợ bỏ đi nhưng không hiệu quả. Ông Hiệu đành bất lực nhìn ngôi nhà sụp xuống, phần tôn bị tốc mái, cột nhà gãy đổ. “Ông bồ” sau khi ăn chán chê mới lững thững bỏ đi.

Một giờ sau, “ông bồ” tiếp tục tìm đến hộ nhà ông Hồ Văn Rớt gần đó ủi đổ gian nhà 70m2. Bao gạo 30kg, hũ muối cùng nhiều quần áo (có vị mặn mồ hôi là thứ “ông” rất thích) cũng bị chén sạch...

Lập hàng rào điện tử

Theo mô tả của những người tận mắt chứng kiến và ghi nhận của trạm kiểm lâm địa bàn, có hai đàn voi thường xuyên về xã Thanh Sơn.

Một đàn có khoảng 10 con gồm cả voi trưởng thành và voi con. Đàn còn lại chỉ có một con voi già nặng khoảng 6 tấn, hai ngà: một ngà thẳng hướng lên và ngà còn lại cong vòng hướng xuống đất.

Bà Đỗ Thị Hương Sen - ấp trưởng ấp 5, xã Thanh Sơn - phản ảnh: “Hơn hai năm qua, ấp này có tới năm nhà bị voi phá sập hoàn toàn. Có hộ bị voi phá sập nhà đến 2-3 lần phải bỏ đi nơi khác sống. Tôi nhiều lần đề xuất hỗ trợ dân nghèo bị voi phá một vài bao gạo khích lệ họ vượt qua khó khăn nhưng không được”.

Theo ông Nguyễn Hữu Tường - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Định Quán, để bảo vệ hoa màu cho người dân, trước mắt hạt đã thành lập các tổ phản ứng nhanh, rải đều trên địa bàn năm ấp và khu vực của xã Thanh Sơn - nơi có voi rừng xuất hiện.

Nhiệm vụ của tổ là nắm đường di chuyển để khi có voi xuất hiện ở khu dân cư thì hỗ trợ, cùng người dân dùng các phương tiện đã được trang bị: đèn pha cực mạnh, kẻng, còi, loa phóng thanh để xua đuổi voi.

Trạm kiểm lâm khu vực tiến hành tuyên truyền người dân không tấn công đe dọa voi, giảm thiểu xung đột tối đa với voi.

Người dân không được ở lại chòi rẫy canh để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Cùng với đó tư vấn cho người dân hạn chế trồng các loại cây voi ưa thích như mía, chuối, xoài... mà trồng các loại cây voi không thích như mít, quýt...

“Về lâu dài, chi cục đang bắt đầu triển khai dự án khẩn cấp bảo tồn voi. Hạt kiểm lâm phối hợp với phòng bảo tồn khảo sát xây dựng các hàng rào điện tử cố định và di động cặp bao diện tích rừng tự nhiên.

Khi voi đến gần, hàng rào sẽ phát ra các tia điện gây tê nhẹ làm voi sợ và trở vào rừng mà không vào khu dân cư và rẫy của người dân. Hàng rào điện tử không gây hại cho người dân và các động vật khác.

Ở các khu vực có voi xuất hiện sẽ thành lập chòi canh sát bên hàng rào điện tử, có người túc trực thường xuyên để theo dõi” - ông Tường cho biết thêm.

 

PHAN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên