Phản ứng với thực trạng dạy văn theo công nghệ “khuôn đúc” là một đề tài mà tôi nhớ Tuổi Trẻ đã đặt ra cách đây cả chục năm.
Ngày ấy, tôi cũng đã cùng Tuổi Trẻ chiến đấu quyết liệt với vấn đề này. Sở dĩ tôi tham gia cùng Tuổi Trẻ để chống tệ văn mẫu là vì hồi đó một học sinh cũ đang làm luận án tiến sĩ ở Nga viết thư về cho tôi. Em tâm sự: Thầy còn nhớ không, hồi đó chúng em được học trong một ngôi trường rách nát với những túp lều vách đất mái lá xiêu vẹo. Thế mà kỳ thi học sinh giỏi của trường, chúng em được thầy ra đề tập làm văn: “Em hãy tả lại mái trường quê em vào một buổi sáng mùa xuân”.
Đọc xong đề em phóng bút bảy sắc cầu vồng, nào là trường quê em mái ngói đỏ tươi, nằm trên một khu đất rộng thoáng mát, hai bên đường là những cây phượng vĩ khoe sắc đỏ chói, phía sau là vườn thực hành sinh vật, phía trước là hồ cá, bể bơi... và thầy thưởng em điểm 10. Sau đó em có thắc mắc với thầy tại sao bài văn của em không đúng với thực tế của mái trường mà thầy vẫn cho điểm 10? Thầy trả lời qua quýt: Bài làm của em thế là tốt, đúng như thầy đã hướng dẫn.
Thế đấy, cái điều mà ngày xưa chúng tôi sai lầm, đã nỗ lực đoạn tuyệt với nó, hóa ra mãi đến bây giờ lại vẫn là chuyện mới tinh.
Dạy văn là quá trình đầy phức tạp, công phu. Dạy văn là dạy cho con người biết yêu cuộc đời trong toàn bộ tính hiện thực của nó. Biết lấy từ nó nguồn sống cho mình để có thể sống phù hợp với nó, nâng nó lên cao đẹp hơn. Sức sống của bài văn được nuôi bởi thái độ của chủ thể đối với cuộc sống, còn như quan hệ bàng bạc thờ ơ thì cuộc sống của các em cũng mỏng như một tờ giấy.
Dạy tập làm văn do đó phải dạy cách sống và cách quan hệ với đời sống hiện thực, chứ không phải chỉ là cách dùng các thủ thuật tập làm văn. Dạy tập làm văn là dạy cho học sinh biết cách sống thực hơn, trung thành với mình hơn.
Xưa nay ai cũng nói và ai cũng biết: Văn là người. Và sợ rằng cái việc dạy làm người của chúng ta đang ngày càng lệch lạc. Muốn làm văn hay thì các em phải có kiến thức cuộc đời, những thăng trầm của lịch sử, của quê hương Việt Nam nói chung, quê hương làng xóm cụ thể của mình nói riêng. Những thăng trầm của thời đại, những biến đổi quốc tế toàn cầu... Các em phải thấm thía cuộc sống của quá khứ, hiện tại và cả tương lai, phải gắn bó với cuộc sống xa gần, của gia đình và bè bạn. Muốn có được những kiến thức ấy, các em phải va chạm với cuộc đời; phải tìm hiểu lịch sử và hiện tại để rồi rút gan ruột của mình ra mà thể hiện, trình bày sự cảm nhận của mình. Chứ em A, em B, em C cho đến em N đều rập khuôn giống nhau theo bài văn mẫu thì khi ấy các em là gì, nếu không phải là những robot biết ăn, biết nói?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận