02/04/2023 11:40 GMT+7

Nỗi đau của mẹ, vết thương của con

Có những gia đình đứng trước nguy cơ vỡ tan đã được chắp vá với lý do muốn cho con trẻ một gia đình trọn vẹn không khiếm khuyết.

Những vết thương khó lành đôi khi lại xuất phát từ mối quan hệ ruột thịt - Ảnh minh họa: cloudinary

Những vết thương khó lành đôi khi lại xuất phát từ mối quan hệ ruột thịt - Ảnh minh họa: cloudinary

Nhưng những vết thương từ bất hòa giữa cha mẹ có khi còn khoét sâu hơn là phải lớn lên trong một gia đình đơn thân.

Đau khổ và đổ lỗi

Suốt mười năm nay, kể từ khi rời khỏi gia đình để du học, Hà An (tên nhân vật đã được thay đổi) chưa bao giờ về thăm nhà. Hà An bôn ba từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục kia để học tập, nghiên cứu và làm việc, duy chỉ Việt Nam là chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách "điểm đến".

Lý do là mẹ. Nói đúng hơn là vì cô không đủ dũng khí để đối mặt với mẹ, người đã sinh và nuôi dạy mình, cũng là người đã xem mình như gánh nặng cuộc đời.

Cha mẹ Hà An có học vị và được xã hội trọng vọng. Cả hai có với nhau hai người con, một trai và một gái. Ở ngoài nhìn vào, ai cũng thấy đây là một gia đình mẫu mực. Chỉ mình Hải An biết, đằng sau bức bình phong rực rỡ ấy là những vết thương trí mạng.

"Mẹ vốn dĩ đã hạ quyết tâm ly hôn, một mình nuôi anh trai. Nhưng trớ trêu thay, ngay lúc đó tôi lại xuất hiện. Mẹ đã chấp nhận tiếp tục cuộc hôn nhân, nhưng trong lòng bà, tôi là một gánh nặng, một nỗi đau" - Hà An nói.

Hà An lớn lên bằng những trận đòn roi của mẹ. Nhưng đau hơn cả đòn roi là những lời mẹ mắng chửi thậm tệ. "Khi đứng trước mẹ, mọi giá trị của con người tôi về không" - đó là những lời nói của một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, có học vị tiến sĩ.

Cha mẹ Hà An không đánh nhau, họ tra tấn nhau bằng sự im lặng, bằng những câu mạt sát sắc bén, bằng cả chuyện đổ lỗi cho nhau trong mọi vấn đề.

Mọi ẩn ức trong cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc đã được người mẹ trút lên cô con gái một cách mất kiểm soát. Hà An chưa bao giờ phản kháng mẹ, hay kể lể với ai.

Từ nhỏ, cô đã ý thức được phải bảo vệ danh tiếng của mẹ mình. Điều mà cô làm, là tự rạch vào cơ thể để trừng phạt bản thân, đấu tranh với những suy nghĩ dại dột để sống và gắng học hết sức để được mẹ công nhận, thương quý.

Để bây giờ, giữa đất nước xa lạ, xen kẽ lịch trình công việc là những buổi trị liệu để thoát ra khỏi nỗi đau từ thuở bé dại.

Gần với câu chuyện của Hà An, Hồng Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi) chưa bao giờ cảm thấy tự tin, thoải mái khi đứng trước mặt mẹ, tuy rằng chưa bao giờ bị đánh. Suốt tuổi thơ, cô chứng kiến cảnh mẹ bị cha bạo hành, ám ảnh với tiếng khóc thét của mẹ, và mặc cảm tội lỗi bởi sự đay nghiến mẹ dành cho mình...

Ở tuổi 32, cô đã trải qua một cuộc hôn nhân bạo lực và đang phải đi điều trị tâm lý mỗi tuần. "Tôi không nhận ra mình bị bạo hành, thời gian đầu còn nghĩ chuyện bị chồng đánh là đương nhiên, chắc là do mình làm sai gì đó!" - Hồng Ngọc nói.

Quyết định ly hôn của cô bị mẹ phản đối kịch liệt, cũng dữ dội như lần bà phản đối cô kết hôn.

"Trong mắt mẹ, mọi quyết định của tôi đều là sai lầm. Chính vì thế, em luôn cố ý làm trái ý bà, để đạt được những thỏa mãn từ những thắng lợi đó, rồi trả giá đắt cho nó". Suy sụp tinh thần, kiệt quệ thể xác sau tháng ngày ly hôn dai dẳng, Hồng Ngọc vẫn đang cật lực làm việc để trang trải cuộc sống và chi phí trị liệu.

Nếu mẹ hạnh phúc...

Khi được hỏi "có tha thứ cho mẹ không?", cả hai người phụ nữ, vào hai thời điểm khác nhau, ở hai nơi khác nhau, đều có chung một ý trả lời "chưa bao giờ oán hận mẹ".

"Nếu có được cái quyền ấy, tuy rằng mẹ sẽ không bao giờ chấp nhận vị thế để con gái nhìn lại mình, tôi đương nhiên vẫn lựa chọn tha thứ. Mẹ là mẹ tôi. Tôi chỉ muốn được giữ khoảng cách với mẹ để được sống yên ổn, dù phải mang tiếng bất hiếu với họ hàng". Hà An trải lòng.

"Tôi không đổ hết lỗi lên đầu mẹ em, cho những bất hạnh mà mình phải chịu đựng trong đời này. Tôi mới là người phải chịu trách nhiệm. Tôi thật lòng vẫn mong mẹ được hạnh phúc" - Hồng Ngọc tâm sự. Rồi cô nói thêm sau một khoảng lặng: "Nếu mẹ hạnh phúc, đời tôi có lẽ đã khác".

Cả hai người phụ nữ hiện vẫn quyết định chưa có con, vì cảm thấy chưa sẵn sàng làm mẹ.

Phải chăng cách chữa trị hiệu quả nhất với những vết thương quá khứ là tự làm lành với chính mình? Là làm lành với quá khứ? Những ám ảnh của ngày tháng cũ đâu thể tước đi một tương lai. Vậy chúng ta sẽ nói gì với người trong cuộc về những tổn thương họ đã chịu đựng?

Mời bạn đọc gửi về toam@tuoitre.com.vn những chia sẻ để cùng chữa lành vết thương bạo hành của gia đình - điều không ai mong muốn nhưng không thể ngăn trước khi sinh ra trong một mái ấm nhiều thương tổn.

Tan vỡ hôn nhân, ngại lập gia đình, "một mình xây tổ"...Tan vỡ hôn nhân, ngại lập gia đình, 'một mình xây tổ'...

TTO - Cụm từ đơn thân nuôi con (trong sự chọn lựa chủ động hoặc bị động) thời nay đã trở nên bình thường, một phần vì xu hướng ngại lập gia đình, phần khác, tình trạng hôn nhân tan vỡ cũng tăng lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên