Quảng Nam, Đà Nẵng đòi Thủy điện Đăk Mi 4 trả nướcYêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước chống hạn
Đà Nẵng cho rằng với phương án của dự thảo có thể có lợi cho các nhà đầu tư, khai thác thủy điện nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhu cầu nước của TP Đà Nẵng, nơi có hơn 1,7 triệu người sinh sống.
Mới bắt đầu qua mùa xuân, chuẩn bị vào mùa hè, câu chuyện “nước” đã bắt đầu sôi sục. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, có khả năng dẫn đến một vụ kiện tụng về tranh chấp nguồn nước giữa một “nhà nước” là chính quyền cấp TP thuộc trung ương và một “nhà nước” cấp bộ chủ quản trực thuộc chính phủ. Chẳng rõ ai sẽ là quan tòa xử cho sự kiện, nhưng nếu có là vô cùng hi hữu, xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử quản trị nước ở Việt Nam.
Câu chuyện chiến tranh nguồn nước (water war) không phải là mới. Xưa nay ở trong và ngoài nước, tranh chấp quyền lợi sử dụng nguồn nước đã từng xảy ra giữa các cá nhân với cá nhân trong một thủy vực, hoặc một cộng đồng này với cộng đồng hay một cơ quan khác, hoặc giữa hai ba quốc gia chia sẻ chung một lưu vực sông. Tuy nhiên, mâu thuẫn về sử dụng nước giữa một cơ quan chính quyền và với một cơ quan chính quyền trong một quốc gia như Việt Nam thì chưa có tiền lệ.
Điều này cho thấy việc quản lý tài nguyên quốc gia đang có điều bất cập. Rõ ràng là khi quy hoạch tổng thể tài nguyên, khâu lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cũng như đánh giá tác động môi trường, tác động xã hội, cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các bên liên quan (nhà đầu tư, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, đại diện các ban ngành liên quan, các tổ chức xã hội - dân sự và các nhà khoa học độc lập) đã không có điều kiện đánh giá, phản biện, xem xét thấu đáo, lâu dài các tác động lũy tích và cộng dồn mang tính tiêu cực tiềm năng cho nền kinh tế - xã hội.
Ngay cả các nguyên tắc thỏa thuận về đàm phán chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro trong sử dụng và khai thác tài nguyên nước cũng chưa bao giờ được áp dụng đầy đủ. Việc xả lũ dồn dập về hạ lưu trong mùa mưa bão vừa rồi gây sạt lở và ngập úng cho người dân vẫn chưa khắc phục xong thì nguy cơ thiếu hụt nước đang dần dần lộ diện. Hiện nay là xung đột quyền lợi trong khai thác tài nguyên nước, thì ai có biết đâu ngày mai kia sẽ là tranh chấp tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nhân lực, tài nguyên du lịch...?
Tài nguyên quốc gia đang dần dần nghèo nàn và cạn kiệt. Thế hệ tương lai của đất nước có phải “trả nợ” các sai lầm do cung cách quản lý mang tính trục lợi cục bộ hoặc thiếu hiểu biết của một nhóm đặc quyền hay lợi ích nào đó hay không? Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn chưa đạt được việc thực hiện hoàn hảo một định nghĩa đã nói đi nói lại từ hơn 20 năm qua là phát triển bền vững. “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận