01/04/2013 09:00 GMT+7

Quảng Nam, Đà Nẵng đòi Thủy điện Đăk Mi 4 trả nước

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Đà Nẵng khát nước sinh hoạt, nông dân Quảng Nam thì khốn đốn do nước đã bị “nhốt” ở nhà máy thủy điện, buộc Bộ NN&PTNT phải họp khẩn để giải quyết.

Sáng 31-3 tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng để giải quyết nạn thiếu hụt nguồn nước gây ra bởi nhà máy thủy điện.

8fKeUtB8.jpgPhóng to
Con sông từ thủy điện Đăk Mi 4 đổ về vùng hạ lưu nhiều đoạn cạn trơ đáy. Trong ảnh: người dân đãi vàng giữa lòng sông đoạn chảy qua huyện Nam Giang (Quảng Nam) - Ảnh: Đăng Nam
BNIpcgPs.jpgPhóng to
Gần 80km sông bị khô hạn do công trình thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng - Ảnh: ĐĂNG NAM

Trong vụ này, đại diện TP Đà Nẵng đòi Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 phải dừng phát điện một thời gian để trả lại nước... Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, trong 40 năm qua chưa bao giờ TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất như hiện nay.

Đà Nẵng “khát” nước

Theo ông Thắng, nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu nước là do Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 “cướp” nước từ nơi này đổ về nơi khác. Nếu Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 vẫn tiếp tục đổ nước về sông Thu Bồn, khiến đập An Trạch (Hòa Vang) không thể giữ được nước ở mức 2m thì các trạm bơm phục vụ nông nghiệp của Đà Nẵng và hai huyện ở Quảng Nam không thể vận hành được.

Ông Thắng dẫn chứng từ khi Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đưa vào hoạt động chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, dòng nước thay đổi hẳn, rất bất lợi cho TP Đà Nẵng. Nếu như trước đây chỉ có 20% lượng nước đổ về sông Thu Bồn thì hiện nay lượng nước đổ về sông này lên tới 60%, khiến lượng nước đổ về TP Đà Nẵng ngày càng thấp. Theo ông Thắng: “Lượng nước trên hồ thủy điện Đăk Mi 4 còn lớn nhưng không chịu xả. Dù đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp nhưng Đăk Mi 4 phải trả lại nước cho chúng tôi, cả TP đang có nguy cơ đối diện với cơn khát như hiện nay. Trong thời gian qua hình như thủy điện không chấp hành lệnh của Chính phủ về việc trả nước về sông Vu Gia”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trường Ảnh - giám đốc Công ty Cấp nước TP Đà Nẵng - nói tình hình hiện tại hết sức khẩn cấp, công ty không thể lấy nước tại chỗ để sản xuất. Tại vị trí sông ở Nhà máy nước Cầu Đỏ (nơi cung cấp hơn 90% lượng nước sinh hoạt của Đà Nẵng) đã nhiễm mặn cả ba tháng nay, buộc phải bơm nước dự phòng từ trạm An Trạch cách đó 8km về ứng cứu.

Tuy nhiên, việc lấy nước từ An Trạch về không đơn giản, tốn kém hàng tỉ đồng và có nguy cơ xảy ra các sự cố bất khả kháng. Đơn cử như ngày 29-3, chỉ vì một sự cố điện ở đập An Trạch khiến cả Đà Nẵng mất nước suốt năm giờ. “Nếu vì thiên tai địch họa thì chúng tôi đành chịu, chứ ở đây con người tự gây ra rồi để hạ du thiếu nước là điều không chấp nhận được. Các anh (thủy điện Đăk Mi 4) cần tính toán lại để trả nước về hạ du. Còn nếu khi nước ở trạm An Trạch xuống dưới 2m, xin phía ở Quảng Nam dừng hoạt động các trạm bơm để cho chúng tôi có nước cho người dân uống” - ông Ảnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng thủy điện Đăk Mi 4 cần thực hiện trên tinh thần phục vụ. “Bởi vì tôi biết hiện Đà Nẵng hết sức căng thẳng trong vấn đề nguồn nước sinh hoạt, còn Quảng Nam thì rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp”.

03K2oQmM.jpgPhóng to
Đồ họa: V.CƯỜNG

Quảng Nam: sản xuất nông nghiệp khốn đốn

Theo ông Trần Văn Bạo - nông dân ở xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam), trước kia vùng đất Điện Hòa màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào nên nông dân làm ăn thuận lợi. Giờ chưa đến mùa hè nhưng hạ nguồn đã vơi nước. Mặn xâm nhập vào sâu, độ mặn cao nên không thể bơm nước lên đồng. Bà con nông dân giờ như ngồi trên đống lửa vì lúa đã làm đòng, nếu nắng thêm độ tuần nữa thì lượng nước ngọt vét trong các ao hồ cũng sạch”.

Trong khi đó ông Nguyễn Đình Hải, phó giám đốc Công ty Thủy lợi Quảng Nam, cho biết hai năm trở lại đây, kể từ khi Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 hoạt động, lượng nước đổ về hạ nguồn giảm hẳn, khiến việc trồng lúa của nông dân các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và TP Hội An gặp khó khăn. Nông dân luôn sống trong cảnh thiếu nước, còn các trạm bơm Tứ Câu, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Cẩm Sa đang phải ngừng hoạt động vì nước nhiễm mặn nặng.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và ngành thủy lợi phải nạo vét kênh mương, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên từ các ao hồ trong khu dân cư. Nhưng các ao hồ này cũng sắp hết nước, nếu sắp tới thủy điện không xả nước, hơn 2.000ha lúa có nguy cơ mất mùa.

Thủy điện cũng kêu

Ông Vũ Xuân Khu, phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, cho rằng lượng nước về các hồ năm nay rất thấp, tất cả các hồ thủy điện ở miền Trung đều phải hạn chế khai thác tối đa để giữ nước.

“Đáng ra đến nay thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy vận hành theo cơ chế thị trường. Chạy, vận hành như thế nào, lúc nào là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về nguồn nước, Bộ Công thương xin tách các nhà máy này ra để điều hành tập trung. Phải giữ lượng nước lúc nào địa phương cần thì mới xả phát điện” - ông Khu nói.

Theo ông Khu: “Cũng cần phải tính toán để chia sẻ lợi ích. Chứ một nhà máy đầu tư biết bao nhiêu tiền mà giờ bảo phải dừng hoặc xả để trả nước lại và không phát điện thì gây thất thu không nhỏ”.

Đáp lại lời ông Khu, ông Thắng nói: “Nếu các anh bảo doanh nghiệp các anh thất thu thì ai trả chi phí cho doanh nghiệp ở Đà Nẵng bị thiệt hại vì chi phí cấp nước bị đội lên?”.

Ông Đào Minh Tiến, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mi 4, cho biết hiện mực nước ở hồ Đăk Mi 4 là 250m, chỉ còn cách mực nước chết 10m. Lưu lượng nước về hồ Đăk Mi 4 chỉ đạt khoảng 15m3/giây. Nhà máy đang hoạt động cầm chừng theo yêu cầu sử dụng nước tại hạ du của Sở NN&PTNT Quảng Nam. Trong tháng 3, thủy điện đã xả 14 lần với lượng xả 50m3/giây để phục vụ sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất điện (chỉ đạt 50% kế hoạch).

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng nhưng các anh phải cân nhắc điều tiết nước cho Quảng Nam bao nhiêu, Đà Nẵng bao nhiêu. Phải làm sao có hiệu quả nhất về tài nguyên nước và giảm thiệt hại cho nhà máy. Khi các anh đưa ra số liệu rõ ràng, chúng tôi sẽ chấp hành” - ông Tiến nói.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nói: “Đối với hai địa phương cũng như thủy điện hiện nay thì nước là vàng rồi, cần phải tính toán sử dụng chứ đừng đổ ra biển nữa”.

Theo ông Tỉnh, các nhà máy phải chấp hành và có sự phối hợp với hai địa phương để đáp ứng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Từ ngày 15 đến 30-5, tất cả các hồ thủy điện không được giữ mà phải xả để nông dân có nước sản xuất. Đối với vấn đề thiếu nước ở Đà Nẵng, ông Tỉnh đề nghị trước mắt phải lên kế hoạch làm đập dâng ở sông Quảng Huế (Đại Lộc) để không cho nước về sông Thu Bồn mà đổ về sông Ái Nghĩa cho TP Đà Nẵng.

Chuyển nước sông Vu Gia về sông Thu Bồn

Công trình thủy điện Đăk Mi 4 nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, do Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2007, đến tháng 5-2012 chính thức đưa vào vận hành bốn tổ máy với công suất 190MW, tổng vốn đầu tư 4.547 tỉ đồng.

Trong quá trình thi công, TP Đà Nẵng phát hiện thủy điện Đăk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn gây nên tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho TP, nên đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ. Sau nhiều lần kiến nghị liên tục, tháng 4-2010 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có văn bản yêu cầu IDICO phải thiết kế cống điều tiết tại đập để xả 25m3 nước/giây trở lại sông Vu Gia nhằm giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ lưu. Tuy nhiên theo UBND TP Đà Nẵng, đến nay thủy điện Đăk Mi 4 vẫn không thực hiện.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên