Chủ tịch Ủy ban Nobel, bà Berit Reiss-Andersen, công bố Chương trình Lương thực thế giới thắng giải Nobel hòa bình 2020 hôm 9-10 - Ảnh: AFP
Chương trình Lương thực thế giới (WFP), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã được trao giải Nobel hòa bình ngày 9-10 vì những nỗ lực trong chống nạn đói trên toàn cầu và đặt nền móng cho hòa bình ở các quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
"Ở đâu có xung đột, ở đó có đói. Và ở đâu có đói thường có xung đột"
Giám đốc WFP, ông David Beasley, chia sẻ sau khi nhận được giải Nobel hòa bình
Đại diện Ủy ban Nobel nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang góp phần làm tăng thêm số người đói trên thế giới, những việc làm của WFP có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nhân loại.
"Với giải thưởng năm nay, chúng tôi muốn hướng sự chú ý của thế giới về phía hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với nguy cơ đói ăn mỗi ngày" - chủ tịch Ủy ban Nobel Berit Reiss-Andersen nhấn mạnh.
Dấu chân ở mọi vùng đất
Theo nhận xét của Ủy ban Nobel, WFP đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm "biến an ninh lương thực trở thành một công cụ hòa bình". Hàng triệu người từ Yemen đến Campuchia, Triều Tiên đã nhận được sự hỗ trợ từ WFP trong nhiều năm qua.
Được thành lập vào năm 1961 sau đề xuất của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, WFP và những thành viên của cơ quan này đã có mặt tại những điểm nóng nhất thế giới, dấn thân vào các thảm họa nhân đạo tàn khốc nhất thế giới trong hàng chục năm qua. Có thể kể ra như nạn đói ở Ethiopia vào những năm 1980, các cuộc chiến tranh ở Nam Tư vào những năm 1990, trận sóng thần châu Á năm 2004 và động đất Haiti năm 2010.
Nói như Hãng thông tấn AFP của Pháp, gần như mọi vùng đất đều đã có dấu chân của WFP. "Dù là chuyển thực phẩm cứu tế bằng trực thăng hay trên lưng voi và lạc đà, WFP luôn là người đi đầu trong các nỗ lực nhân đạo cho một thế giới mà theo ước tính của họ thì cứ 11 người lại có 1 người đi ngủ với cái bụng trống rỗng".
Ngoài ứng phó với thiên tai, việc giúp đỡ người dân ở các khu vực xung đột vũ trang chiếm phần lớn nỗ lực cứu trợ của WFP.
"Mối liên hệ giữa nạn đói và xung đột vũ trang là một vòng luẩn quẩn: chiến tranh và xung đột có thể gây ra tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói, cũng như nạn đói và mất an ninh lương thực có thể dẫn tới các cuộc xung đột và sử dụng vũ lực - Ủy ban Nobel đặt vấn đề khi được hỏi vì sao trao giải cho một cơ quan cứu tế quốc tế - Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu không còn nạn đói trừ khi chúng ta cũng chấm dứt chiến tranh và xung đột vũ trang".
Không còn nạn đói là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2030.
15 tỉ Là số khẩu phần ăn mà WFP đã chuyển tới gần 100 triệu người tại 88 quốc gia trong năm 2019.
"Quá sốc và bất ngờ"
Giám đốc WFP, ông David Beasley, chia sẻ ông đã không thốt ra được lời nào và quá đỗi bất ngờ khi được thông báo WFP thắng giải Nobel hòa bình. "Chắc đây là lần đầu tiên tôi không nói thành lời. Tôi quá sốc và bất ngờ" - ông Beasley, người từng giữ chức thống đốc bang Nam Carolina (Mỹ), trả lời Hãng thông tấn AP từ Niger.
Các nhân viên của WFP đã chung vui bằng những tràng pháo tay đón chào Beasley, người tuyên bố giải thưởng này dành cho tất cả nhân viên của WFP - những người "đang ở nơi khó khăn, phức tạp nhất trên thế giới, nơi có chiến tranh, xung đột, khí hậu khắc nghiệt".
"Giải Nobel hòa bình không phải của riêng WFP. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức và đối tác khu vực tư nhân, những người có niềm đam mê giúp đỡ những người bị đói và dễ bị tổn thương. Chúng tôi không thể giúp bất cứ ai nếu không có họ" - ông Beasley chia sẻ.
Báo New York Times bình luận việc trao giải cho WFP rất có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ tiếp tục rút khỏi các tổ chức đa phương toàn cầu. Tổng thống Donald Trump là người đã đề cử ông Beasley cho vị trí giám đốc WFP vào năm 2017.
Trong thông cáo ngày 9-10, Ủy ban Nobel đã kêu gọi các chính phủ đảm bảo WFP và các tổ chức viện trợ nhân đạo khác nhận được sự hỗ trợ tài chính cần thiết bởi điều đó sẽ giúp nuôi sống hàng triệu người ở các nước như Yemen, Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso.
Giải Nobel hòa bình đi kèm số tiền mặt trị giá 10 triệu krona (1,1 triệu USD) và một huy chương vàng đúc hình nhà sáng lập giải thưởng Alfred Nobel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận