Trong bức ảnh tư liệu chụp ngày 22-9-2016, tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Nhân văn quốc gia 2015 cho nhà thơ Louise Glück tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Thơ Louise Glück nhạy cảm và kiệm lời, thường bắt đầu với những cảm xúc nhức nhối về tình yêu, sự sinh nở và cái chết. Các hình ảnh của thơ bà hiện ra tự nhiên nhưng bất ngờ, và dễ dàng đi từ một cảm nhận trực tiếp tới một từ trừu tượng.
Nhà thơ - dịch giả HOÀNG HƯNG
Viện hàn lâm Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới cho bà Louise Glück vì "giọng thơ không thể nhầm lẫn của bà với vẻ đẹp mộc mạc đã khiến sự tồn tại của cá nhân trở nên phổ quát".
Tên tuổi quen thuộc với độc giả Mỹ
Đã lâu rồi mới lại có một nhà thơ, lại là nhà thơ nữ, được trao Nobel văn chương kể từ năm 1996 khi bà Wislawa Szymborska - nữ sĩ người Ba Lan - được trao giải này.
Bà Glück, 77 tuổi, cũng là nữ thi sĩ người Mỹ đầu tiên trong 27 năm qua giành giải Nobel văn chương kể từ khi bà Toni Morrison giành giải năm 1993 và bà Glück cũng mới chỉ là người phụ nữ thứ 16 giành giải Nobel.
Trong số không nhiều các nhà thơ được trao giải Nobel văn chương còn có ông Seamus Heaney - nhà thơ người Ireland đoạt giải năm 1995.
Với giải thưởng Nobel, bà Louise Glück sẽ được nhận số tiền thưởng 10 triệu krona Thụy Điển, tương đương 1,1 triệu USD.
Với độc giả Mỹ, bà Louise Glück là tên tuổi đã rất quen thuộc. Theo báo New York Times, bà từng được trao giải Pulitzer hạng mục văn chương năm 1993 với tập thơ The Wild Iris (Hoa diên vĩ dại) viết năm 1992, cũng là tập thơ mà Ủy ban trao giải Nobel ca ngợi là tác phẩm xuất sắc của bà. Sau đó, năm 2003 bà được vinh danh là Nhà thơ danh dự (Poet Laureate) của nước Mỹ. Bà cũng từng được trao Giải thưởng sách quốc gia của Mỹ.
Giọng thơ "ngay thẳng và không thỏa hiệp"
Sinh tại New York, bà Glück từng theo học đại học tại Trường ĐH Columbia và Cao đẳng Sarah Lawrence. Bà có bằng luật tại Trường cao đẳng Williams và sau đó trong suốt vài chục năm, bà là giáo sư môn tiếng Anh tại ngôi trường này.
Thơ của bà Glück thường nói về những nỗi niềm của người phụ nữ, và về đại thể, theo Hãng tin AP, nó có thể tối tăm và gợi lên những điềm gở. Mất mát và đơn độc là những chủ đề phổ biến trong thơ bà, bên cạnh đó là tuổi thơ và cuộc sống gia đình. Bản thân người phụ nữ này cũng đã ly hôn và có một người con trai đã lớn.
Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel, ông Anders Olsson, ca ngợi giọng thơ "ngay thẳng và không thỏa hiệp" của bà, một phong cách thơ "đầy hài hước và cả châm biếm chua cay".
Căn cứ vào những bê bối và cả những tranh cãi liên quan tới giải thưởng Nobel văn chương các năm gần đây, nhiều nhà quan sát đã phỏng đoán năm nay giải sẽ được trao cho một lựa chọn không gây tranh cãi.
Tuy nhiên nhà báo Rebecka Karde, một trong ba chuyên gia bên ngoài được mời làm cố vấn cho ủy ban trao giải năm nay, đã bác bỏ việc họ chỉ cốt sao có một lựa chọn "an toàn", khẳng định "tất cả tiêu chí vẫn là chất lượng tác phẩm của người được trao giải".
Thế giới tan rã, chỉ để trở nên kỳ diệu một lần nữa
Louise Glück là một cái tên khá xa lạ với độc giả Việt Nam. Dẫu vậy, nếu đã từng đọc qua tập thơ song ngữ 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX do Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2004, hẳn độc giả sẽ có thể nhớ đến bà: "Cả ngày tôi cố phân biệt/ nhu cầu với dục vọng/ Giờ đây, trong tối/ Tôi chỉ thấy cay đắng buồn cho chúng ta/ những thợ xây thợ bào..." (Những cây du, Hoàng Hưng dịch).
Một cách không chính thống hơn, trên mạng, thơ Louise Glück được dịch giả Nguyễn Huy Hoàng dịch và giới thiệu một cách thầm lặng. Dù không đủ cho ta cái nhìn khái quát về sự nghiệp của bà, những bản dịch ít ỏi này cũng đủ để ta nghe ra một giọng thơ được Hàn lâm viện tôn vinh "duyên dáng và nhẹ nhàng" kể cả khi viết về cái chết.
Vậy là gần trọn một thập niên kể từ lần cuối cùng giải Nobel về tay một nhà thơ - Tomas Tranströmer, Viện hàn lâm mới một lần nữa tôn vinh thơ ca thực thụ (xin không tính lần người ta trao Nobel cho Bob Dylan).
Trao giải cho một nhà thơ vào thời điểm uy tín giải đang xuống thấp, cũng như thế giới đang lao đao vì dịch covid-19, có lẽ Viện hàn lâm Thụy Điển muốn gợi nhắc: giải Nobel văn chương đầu tiên đã trao cho một nhà thơ - Sully Prudhomme.
Thơ ca - một thể loại đã trở nên khiêm nhường hơn trong thời đại ồn ào ngày nay - sẽ giúp nhân loại trong thời điểm hiện tại? Hiểm họa con người đang đối đầu vẫn chưa chấm dứt. Và có lẽ từ lời của chủ tịch Ủy ban giải thưởng Nobel Anders Olsson dành để tôn vinh Glück, ta thấy được phần nào những thông điệp mà giải Nobel hướng tới. Khi ông Olsson nói về một "vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên phổ quát", ta hình dung về từng cá nhân trên mặt đất này. Lúc đại dịch đã cướp đi sinh mạng của nhiều người trên thế giới, lúc mà những việc tưởng như giản đơn như đi lại, một cái ôm cũng ẩn chứa đầy hiểm nguy, ta càng thấy trân trọng những điều bé nhỏ, những vẻ đẹp đơn sơ và mong manh của cuộc sống.
Nếu thật sự tồn tại một thông điệp trong giải thưởng Nobel năm nay, có lẽ chính là ở câu kết trong bài diễn văn của Anders Olsson: "Thế giới tan rã, chỉ để trở nên kỳ diệu một lần nữa".
NỮ LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận