07/10/2020 14:40 GMT+7

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt 'Âu tâm'?

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Trước khi giải Nobel văn chương được trao năm ngoái, người đứng đầu ủy ban trao giải, Anders Olsson, đã đưa ra một tuyên bố được chú ý: "Chúng tôi từng có quan điểm nặng tính Âu tâm trong văn chương, và giờ chúng tôi muốn nhìn ra khắp thế giới"

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 1.

Nobel Văn chương đang dần thay đổi để bớt "Âu tâm", bớt da trắng, và bớt bị nam giới áp đảo - Ảnh: Quartz

Nhưng ngay sau đó, hai giải của các năm 2018 và 2019 đều là cho những nhà văn châu Âu: Olga Tokarczuk (người Ba Lan) và Peter Handke (người Áo).

Ra đời năm 1901 với tham vọng toàn cầu, giải Nobel văn chương gần như chỉ gói gọn trong thế giới sáng tác châu Âu và Bắc Mỹ suốt một thời gian dài.

Tới tận giữa những năm 1980, vẫn không có tác giả người châu Phi, Ả Rập hay Trung Quốc nào được trao giải, dù châu Á hay Caribê thỉnh thoảng có một đại diện, gồm Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1913); Yasunari Kawabata (Nhật Bản, 1968), và Saint-John Perse (Guadeloupe, 1960).

Mỹ Latin, một vùng ảnh hưởng quan trọng của văn hóa châu Âu - có lẽ là hơn so với châu Á hay châu Phi - cũng có nhiều đại diện hơn, với Gabriela Mistral (Chile, 1945), Miguel Ángel Asturias (Guatemala, 1967), Pablo Neruda (Chile, 1971) và Gabriel García Márquez (Colombia-Mexico, 1982).

15 năm cuối của thế kỷ 20 là giai đoạn giải thưởng mở rộng hơn. Những người nhận giải các năm gần đây có Wole Soyinka (Nigeria, 1986), Nadine Gordimer (Nam Phi, 1991) và Mario Vargas Llosa (Peru, 2010).

Nhưng vẫn còn quá nhiều tên tuổi lớn của những nền văn học "bên lề" được coi là xứng đáng mà vẫn chưa được trao giải: Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya), Adonis (Syria), hay Nuruddin Farah (Somalia).

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 2.

Tiểu thuyết gia người Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o năm nào cũng được nhắc tên nhưng chưa bao giờ được xướng tên - Ảnh: The Guardian

Ngũgĩ là một nhân vật văn chương lớn không chỉ vì tài năng, mà còn bởi lập trường mang tính nguyên tắc chỉ sáng tác bằng ngôn ngữ bản địa của ông.

Adonis thì được nhiều người coi là nhà thơ Ả Rập vĩ đại nhất còn sống, năm nay đã 90 tuổi. Những sáng tác thể nghiệm của ông được ca ngợi là tạo ra "cuộc cách mạng trong thi ca Ả Rập sánh ngang với TS Eliot trong thế giới Anh ngữ, bằng một hình thức nghệ thuật mà nhiều thế kỷ nữa vẫn có thể lôi kéo khán giả tới lấp đầy những sân vận động".

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 3.

Adonis, nhà thơ Ả Rập vĩ đại nhất còn sống - Ảnh: Middle East Eye

Do không có một danh sách rút gọn công khai, trên lý thuyết mọi tác giả còn sống đều có hi vọng được trao giải, dù họ viết truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, là dịch giả, tác giả kịch bản, hay cả nhạc sĩ.

Dẫu vậy, với nhiều nhà phê bình, Nobel văn chương vẫn là một sự kiện phù phiếm, một đám rước diễu hành, hơn là điều gì đấy thực chất (như các giải Nobel khác?).

Bằng chứng hay được dẫn ra là danh sách những văn hào bị Nobel văn chương từ chối ấn tượng không kém, thậm chí là còn ấn tượng hơn danh sách những người được giải: Mark Twain, Joseph Conrad, James Joyce, Franz Kafka, Leo Tolstoy, Jorge Luis Borges, Anton Chekhov, Marcel Proust, Philip Roth, Vladimir Nabokov…

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 4.

Toni Morrison (1931 - 2019), văn sĩ người Mỹ, là người phụ nữ da màu đầu tiên được trao giải Nobel văn chương vào năm 1993 - Ảnh: Medium

Hồi năm 2009, một thành viên chủ chốt của ban giám khảo Nobel văn chương, Peter Englund, đã thừa nhận giải thưởng "quá Âu tâm" (eurocentric).

"Với mọi vùng ngôn ngữ… có những tác giả xứng đáng và lẽ ra phải được trao giải Nobel", Englund nói với AP, và bởi các giám khảo ở Viện Hàn lâm Thụy Điển là người châu Âu, họ thường có nhãn quan thiên Âu về văn chương.

Vấn đề phức tạp hơn khi tính tới yếu tố lịch sử và chính trị: châu Âu cũng là nơi xuất phát của chủ nghĩa thực dân và sự "nhất thể hóa" - một phần hoặc toàn bộ - văn hóa toàn cầu.

Giống nhiều thứ khác, văn chương của thời toàn cầu hóa cũng đồng nhất hơn, qua những tác giả bán sách cực chạy và viết với ý thức rõ ràng là để tác phẩm của mình được dịch ra các thứ tiếng khác (hoặc ít ra là ra tiếng Anh) - như Haruki Murakami.

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 5.

Không chỉ năm 2017, đã nhiều năm Murakami được nhiều nhà cái đặt cược cho giải Nobel văn chương

Nhưng đồng thời, tính bản sắc và sự khác biệt mới là điều làm nên sức hấp dẫn của văn chương, và nhiều thứ nữa - điều khó một ủy ban nào, dù học thức và ảnh hưởng lớn đến đâu, có thể định đoạt được. Câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" không thể đúng hơn ở đây.

Chẳng hạn, Rachel John, phóng viên tờ The Print, Ấn Độ, nói về đặc điểm của văn chương đất nước Nam Á 1,4 tỉ dân: "Vị thế một quốc gia hậu thuộc địa của Ấn Độ đã định hình nền văn chương ở đây 70 năm qua.

Chức năng của văn chương ở Ấn Độ đã thay đổi đáng kể từ khi độc lập với nhiều tác phẩm hiện thực chủ nghĩa nhằm trả lời những câu hỏi lớn hơn như một người "Ấn" là như thế nào và "tiếng nói của người Ấn" sẽ ra sao.

Vì thế, một Viện Hàn lâm Thụy Điển - toàn người Âu, da trắng, nam giới áp đảo - có lẽ, và theo nhiều nghĩa chắc chắn không thể đủ khả năng xác định điều gì là hay và dở trong những bối cảnh mang bản sắc Ấn Độ sâu sắc".

Điều đúng với Ấn Độ cũng đúng với mọi nền văn chương khác. Ngoài Tagore, đã không có thêm tác gia người Ấn nào giành giải Nobel văn chương suốt 107 năm qua và cả thập kỷ vừa rồi, chỉ hai tác giả ở nam bán cầu được trao giải.

Ngôn ngữ sáng tác là một vấn đề lớn nữa. Các tác phẩm bằng những thứ tiếng không phải tiếng Anh, cần phải qua chuyển ngữ hoặc đôi khi phải phù hợp với những ý niệm - rất nhiều khi là ảo tưởng và nhầm lẫn - về "phương Đông huyền ảo", hay "châu Phi lạ lùng" dưới mắt châu Âu, để được coi là xứng đáng trao giải.

Đến khi nào Nobel văn chương mới bớt Âu tâm? - Ảnh 6.

Frank Kafka không cần bất kỳ giải thưởng nào để được công nhận ở trên đỉnh cao của văn chương nhân loại - Ảnh: New Yorker

Vấn đề còn mang tính định chế và phản ánh một lịch sử lâu dài.

Văn chương "Âu tâm" nói riêng, và văn hóa nói chung - đầu tiên là qua những công cụ trực tiếp như công cuộc thuộc địa hóa và bành trướng kinh tế, rồi sau đó là sự độc quyền văn hóa và những giải thưởng (Nobel và Oscar là hai ví dụ nổi bật) - đã củng cố vững chắc vị thế "khuôn vàng thước ngọc" gần như trên khắp hoàn cầu.

Giá trị của những giải thưởng kiểu đấy, cũng như của tác giả và tác phẩm đoạt giải, vẫn là rất thật, nhưng đồng thời có rất nhiều định kiến còn cần xóa bỏ để hướng tới một nền văn chương phi Âu tâm, mang tính nhân loại đích thực.

Nobel Văn chương 2020 sẽ gây sốc hay chạy theo số đông? Nobel Văn chương 2020 sẽ gây sốc hay chạy theo số đông?

TTO - Jamaica Kincaid và Anne Carson hiện đang dẫn đầu danh sách một số nhà cái dự đoán sẽ giành giải Nobel Văn chương 2020, trong bối cảnh ban giám khảo giải thưởng có thể sẽ phải đưa ra các lựa chọn an toàn hơn sau 3 năm đầy tranh cãi.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nobel văn chương