16/08/2011 09:53 GMT+7

Nỗ lực giảm tải

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Hôm qua, ngày 15-8, học sinh nhiều địa phương trong cả nước đã tựu trường, bắt đầu bước vào năm học mới. Nhưng không phải học sinh nào đến trường cũng có được cảm giác náo nức với “ngói nâu, tường trắng, cửa gương”. Bởi với nhiều học sinh, ngày đến trường là ngày chen nhau để có một chỗ ngồi học ở trường.

Hàng loạt học sinh phải học trong những lớp học có đến 60 thậm chí hơn 60 học sinh. Lớp có 50 học sinh là chuyện bình thường.

Lãnh đạo ngành giáo dục của một thành phố lớn thừa nhận việc giữ sĩ số học sinh/lớp đúng theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT (35 học sinh/lớp tiểu học, 45 học sinh/lớp trung học) là việc rất khó khăn, có thể nói là việc không thể. Nên nhớ rằng chuẩn này quy định mức học sinh tối đa/lớp chứ không phải là tối thiểu. Thế mà các thành phố lớn tự hào là những địa phương luôn đi đầu trong lĩnh vực giáo dục cũng không thể đáp ứng được.

Thiếu trường, thiếu lớp. Nhiều lớp học quá đông học sinh, trường buộc phải phải kê thêm bàn ghế, thu hẹp lối đi và xoay xở đủ cách để có chỗ cho học sinh ngồi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận hi sinh mục tiêu chất lượng.

Nhiều người từng đặt ra vấn đề cần mạnh tay giải quyết tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao bằng cách xử phạt. Thế nhưng xử phạt phỏng có ích gì? Hiệu trưởng một trường tiểu học từng tâm sự nếu dùng tay này gạt học sinh ra khỏi trường, cũng có nghĩa là tay kia phải chuẩn bị đón các em vào học phổ cập vì đâu còn con đường nào khác.

Giải thích về tình trạng trường lớp ngày càng chật chội, thiếu thốn, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng trường lớp đã được quy hoạch hẳn hoi. Thế nhưng từ quy hoạch đến thực tế thực hiện là cả một quãng đường dài. Nhiều trường học sau nhiều năm vẫn cứ nằm trên giấy vì... hết vướng cái này đến vướng cái khác.

Trong khi đó, số lượng học sinh sau mỗi năm lại tăng lên. Bên cạnh số học sinh là con em của người dân địa phương, lượng dân nhập cư ngày càng đông khiến tình trạng trường lớp đã quá tải càng thêm quá tải nặng nề. Và thế là năm nào điệp khúc trường lớp quá tải cũng lặp lại. Chỉ có khác là năm sau tình hình trầm trọng hơn năm trước.

Trong khi đó tại một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày tựu trường nhiều trường học lại không có học sinh. Phòng học bỏ trống, người ta dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Có nơi dùng làm trụ sở ấp, có nơi bỏ hoang phế cho bụi bám mạng nhện giăng...

Không thể phủ nhận nỗ lực của ngành giáo dục cũng như của các địa phương trước sức ép nhu cầu trường lớp. Có điều, nếu chỉ riêng ngành giáo dục hay một địa phương riêng lẻ nào đó loay hoay sẽ khó làm được gì. Họ cần sự ủng hộ quyết liệt hơn trong việc đầu tư xây dựng trường lớp.

Những người làm công tác giáo dục cũng chẳng thể tính toán hết mọi việc nếu công tác dự báo, định hướng của các cơ quan chức năng không đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, việc tăng dân số cơ học do tình trạng chênh lệch trong phát triển kinh tế cũng nằm ngoài tầm của ngành giáo dục lẫn từng địa phương. Vì thế, các thầy cô giáo hay một vài địa phương khó lòng “ôm” hết học sinh.

Trong khi đó, ngân sách giáo dục phân bổ cho các địa phương hiện nay lại tính bình quân theo đầu dân chứ không tính theo thực tế học sinh. Để rồi nơi có đất, có kinh phí xây trường thì không có người học; nơi không đủ lớp đủ trường thì học sinh chen chúc đến mướt mồ hôi. Thực trạng này muốn giải quyết được phải cần đến một bàn tay điều phối chung, nhịp nhàng và hợp lý hơn.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên