21/06/2018 11:55 GMT+7

Niềm tin đồng bào

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Hơn 20 năm làm báo, người viết bài này vẫn không thể quên kỷ niệm đặc biệt với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân.

Niềm tin đồng bào - Ảnh 1.

"Nếu cháu ấy có chuyện gì, cần gì nữa, cậu cứ gọi thẳng cho tôi. Đừng ngại gì cả. Cháu cần được yêu thương, giúp đỡ để nên người tử tế".

Hơn 20 năm làm báo, người viết bài này vẫn không thể quên kỷ niệm đặc biệt với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân.

Năm 2003, ký sự "Mẹ, con và ngọn nến không tắt" của tôi đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Chuyện buồn nhưng nói lên nghị lực kiên cường của học sinh Trần Thùy Hương, Trường Võ Thị Sáu, Bình Thạnh, TP.HCM. 

Sống nghèo khổ với mẹ trong túp lều trên kênh nước đen, hẻm đường Bùi Đình Túy, một buổi em bất ngờ mồ côi khi đi thi về thấy mẹ đã gục chết từ lúc nào vì bệnh tim.

Sáng báo đăng, tôi đang ở đám tang mẹ em với chiếc quan tài kê nhờ ngoài hẻm, văn phòng báo Tuổi Trẻ gọi điện bảo ông Sáu Dân cần gặp. 

Tôi quay về, bấm chuông nhà nguyên Thủ tướng mà hồi hộp. Khi vào, đã thấy ông đợi sẵn với tờ báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 11-5-2003 trên tay. 

Ông hỏi ngay: "Cậu viết bài "Mẹ, con và ngọn nến không tắt" à? Tôi mới đọc sáng nay, thiệt xúc động, thương cháu học sinh quá". 

Ông hỏi han thêm gia cảnh em học sinh rồi cho người đem ngay đến giúp 5 triệu đồng và chiếc xe đạp để em đi học.

Nhớ nhất là lúc chào ra về, ông dặn phải thật quan tâm em học sinh mồ côi này, có gì cứ gọi thẳng cho ông. 

Ba năm sau, Thùy Hương đậu đại học ngân hàng ở tốp điểm đầu, tôi định gọi báo tin vui cho ông, nhưng ngần ngừ vì ngại ông đang nặng lòng chuyện quốc kế dân sinh. 

Bất ngờ, ông lại gọi trước: "Năm nay cô bé mồ côi thi đại học phải không?". Ông vui lắm, nói có dịp sẽ ghé thăm…

Đời làm báo, chúng tôi có biết bao câu chuyện xúc động khó quên như thế. Những bài viết tưởng chừng "chẳng có gì to tát lắm" nhưng lại thấm sâu, rất sâu vào lòng bạn đọc. 

Chuyện một em học sinh bất hạnh vẫn chạm đến trái tim của nhà lãnh đạo quốc gia vốn luôn trở trăn trăm sự quốc kế dân sinh. Chuyện một gia đình nghèo, xóm nghèo gợi lên sự quan tâm, sẻ chia của nhiều người dân trong xã hội. 

Bao chương trình có ý nghĩa như giúp học trò nghèo vượt khó, áo ấm mùa đông, kể cả "Góp đá xây Trường Sa"… đều khởi đầu từ những bài viết chạm đến trái tim, tấm lòng bạn đọc như thế.

Làm sao có thể quên được những em học sinh dành dụm tiền ăn sáng, giúp đỡ bạn nghèo khó. 

Làm sao có thể quên được những bác hưu trí, chị tiểu thương tìm đến chúng tôi để san sẻ tình yêu thương. 

Có những bài điều tra phản ánh chuyện tiêu cực, mặt trái xã hội làm bạn đọc nặng trĩu bức xúc, yêu cầu phải được giải quyết. Nhưng cũng có nhiều bài báo để mỗi sáng mọi người thêm niềm vui, thêm niềm tin cuộc sống và tình người bên mình.

Từ chông gai, sỏi đá, hoa hồng vẫn có thể mọc lên…

Thực tế hôm nay, cuộc sống xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Không ít vấn đề phức tạp vẫn đang nan giải. 

Và ngày mỗi ngày, đứng trước sự lựa chọn khắc khoải, đồng cảm với nỗi niềm đồng bào, nhà báo phải luôn dặn lòng sẽ chẳng bao giờ có những bài báo hay, những bài báo có ý nghĩa nếu không thật sự trải lòng cùng nỗi niềm và hi vọng của người dân.

Làm báo được gì? Vâng, cái được nhất, nếu nỗ lực có được, đó là niềm tin đồng bào dành cho mình. Đó cũng là động lực, là trách nhiệm lớn nhất đặt lên ngòi bút của nhà báo. Trách nhiệm đó, giữa lúc có nhiều thách thức của xã hội nói chung và trong việc làm báo nói riêng, càng nặng.

Một đòi hỏi về trách nhiệm không hề dễ dàng với người làm báo.

Đội ngũ nhà báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo Đội ngũ nhà báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo

TTO - Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực, quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên