Xe
21/01/2024 15:12 GMT+7

'Nhường đường cho người đi bộ là thói quen xa xỉ'

"Ngay cả các tài xế lái cứng cũng có thể phạm phải sai lầm điển hình. Đó là không nhường đường cho người đi bộ, hoặc tưởng có nhường, song thực chất không phải", một độc giả chia sẻ.

Hình ảnh trước vụ tai nạn giao thông ở Mỹ Đức, Hà Nội được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh trước vụ tai nạn giao thông ở Mỹ Đức, Hà Nội được chia sẻ trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Giữa tháng 1, tin vụ tai nạn giao thông ở Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội khiến tôi bàng hoàng. Tình huống dẫn đến câu chuyện thương tâm diễn ra quá thường xuyên ở Việt Nam.

Một người đi bộ qua đường không đúng vạch. Một chiếc xe tải khi rẽ dường như hơi quá tốc độ và thiếu quan sát. Kết luận còn chờ cơ quan điều tra. Nhưng tranh cãi đã sớm nảy ra xung quanh tình huống giao thông này.

Trong đó, một chủ đề khá gây chú ý là việc có nhường đường cho người đi bộ không qua đường đúng vạch? 

Một số người cho rằng xe tải hoàn toàn không có lỗi, khi người đi bộ qua đường không đúng và đi vào điểm mù của tài xế. Một số đồng tình nói rằng chỉ nhường cho những người đi bộ đi đúng phần đường của mình.

Còn tôi không đồng tình với ý kiến trên, bởi hai lẽ.

Luật Giao thông nói gì về nhường đường cho người đi bộ?

Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định rất rõ ràng: "Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn".

Như vậy, bất kể người đi bộ đúng hay sai, tài xế điều khiển phương tiện luôn phải quan sát và nhường đường. 

Người đi bộ không được nhường?

Vấn đề thứ hai mà theo tôi ít người ngẫm đến, hoặc có nhưng chặc lưỡi cho qua. Ở Việt Nam, dường như không có khái niệm nhường đường cho người đi bộ đúng nghĩa, ngay cả khi họ đi đúng.

Một người dùng hoang mang đăng câu hỏi trên Reddit về cách sang đường khi đến Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Một người dùng hoang mang đăng câu hỏi trên Reddit về cách sang đường khi đến Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Là một người thường đi xe buýt và đi bộ, tôi có thể cảm nhận rõ điều này. Mỗi lần đi qua đường, ngay cả những nơi có vạch và đèn, tôi như đánh cược với mạng sống của mình. Tôi phải liếc ngang liếc dọc, giơ tay ra tín hiệu, thậm chí phải tự thích ứng theo tình hình xe qua lại, chứ không theo đèn! 

Điều gì khiến tôi phải hành động như vậy? Những tình huống mà người đi bộ dễ gặp phải là:

- Khi đèn đỏ, một số xe đỗ ngay trên vạch qua đường, buộc tôi phải đi trên phần đường không vạch. Bỗng dưng, tôi trở thành kẻ "đi sai".

- Chỉ hầu hết xe dừng, rất nhiều xe cố phóng qua, đặc biệt tại thời điểm đèn xanh nhảy sang đèn đỏ. Đôi khi, một số xe cố tình vượt đèn đỏ.

- Những xe (cùng chiều đèn xanh với người đi bộ) khi rẽ luôn coi mình như đang đi thẳng, gần như không nhường đường cho người đi bộ. Nếu tôi cứ ung dung qua đường theo tín hiệu đèn, có khả năng sẽ bị đâm phải. 

Thậm chí có khi phải dừng lại chờ dòng xe thưa bớt, đến khi tôi tiếp tục đi thì đèn (cho người đi bộ) chuyển đỏ, và những xe cắt ngang bắt đầu dịch chuyển. Một lần nữa, tôi lại trở thành người "đi sai".

Những người đi bộ như tôi đáng ra không nên trở thành những kẻ đi sai bất đắc dĩ như vậy, nếu ô tô, xe máy nhường đường đúng nghĩa. 

Thế nào là nhường đường cho người đi bộ? 

Đó là khi nhìn thấy vạch kẻ đường cho người đi bộ, bất kể có người qua đường hay không, các xe đều cần chủ động giảm tốc và quan sát. Hay nói cách khác, trách nhiệm của lái xe bắt đầu từ khi có thể quan sát thấy vạch kẻ, chứ không phải từ khi thấy người đi đường. 

Người đi bộ chuyển động, nhưng vạch kẻ đường thì không, chắc chắn quan sát được từ xa và không thể lấy cớ điểm mù. 

Đèn xanh, các xe vẫn phóng qua trước mặt người đi bộ - Ảnh: THANH LINH

Đèn xanh, các xe vẫn phóng qua trước mặt người đi bộ - Ảnh: THANH LINH

Khi thấy có người đi qua đường hoặc muốn qua đường, xe cần phải dừng lại, chứ không phải đánh lái vòng qua và nghiễm nhiên coi là mình đã "nhường đường". 

Ngay cả trên đoạn đường không có vạch thì vẫn phải quan sát xung quanh và chuẩn bị cho tình huống có người đi bộ qua đường. 

Lần đầu tiên đi du lịch nước ngoài, do thói quen, tôi đã chủ động nhường đường cho ô tô tiến đến (đoạn đó không có đèn cũng không có vạch, các xe có xu hướng rẽ phải). Nhưng không ngờ, họ đã dừng lại. Ban đầu, tôi không hiểu nên vẫn chờ ô tô đi qua. Ô tô vẫn đứng yên. Cả xe đó lẫn xe đi sau đều không hề bấm còi thúc giục. Chỉ khi tôi qua đường, họ mới bắt đầu lái xe đi. Khi đó, tôi mới nhận ra đây chính là văn hóa nhường đường cho người đi bộ.

Nếu các tài xế đều đi được như vậy, theo tôi, những tình huống thương tâm như vụ tai nạn ở Mỹ Đức sẽ giảm rất nhiều.

Độc giả Tuấn Lan

Có phanh khẩn cấp tự động, nhiều ô tô mới vẫn đâm người đi bộ trong đêmCó phanh khẩn cấp tự động, nhiều ô tô mới vẫn đâm người đi bộ trong đêm

Hơn một nửa số hệ thống phanh khẩn cấp tự động dành cho người đi bộ được Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS) thử nghiệm cho kết quả kém trong các bài kiểm tra ánh sáng yếu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên