12/08/2021 09:38 GMT+7

Những 'xóm kẹt' giữa đại dịch

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - "Ông bạn ơi! Tôi mới mua được hai thùng mì, tôi gửi ông một thùng, cố gắng qua dịch nhé!" - một người lạ nói. Nửa tiếng sau, anh Dũng nhận được thùng mì, chưa kịp hỏi họ tên thì người lạ phóng xe đi.

Những xóm kẹt giữa đại dịch - Ảnh 1.

Gia đình chị Lê Hồng Gấm có 4 người không thể về quê vì giãn cách - Ảnh: V.TUẤN

Chiếc xe máy cà tàng dính đầy vôi vữa, anh Dũng đoán cũng là một người thợ bị kẹt lại vì dịch.

Anh Dũng, quê Nam Định, chỉ là một trong nhiều người lao động đang bị kẹt lại giữa Hà Nội. Đi không được, ở không xong, họ ráng đùm bọc nhau, đợi ngày hết dịch.

"Quà cho mẹ con em phải ăn một tuần mới hết. Em hỏi tên mà chị ấy không nói. Ở đây nhiều người tốt thật đấy.

Chị HẠNH

Quà của người lạ

Đã gần trưa, nắng rát bỏng, nhóm thợ xây thất nghiệp giật mình vì tiếng gọi ngoài rào tôn. Hơn chục người thợ chỉ mặc quần cộc, mồ hôi nhễ nhại ngơ ngác không biết ai tìm.

Chị Gấm, phụ trách nấu ăn cho nhóm, ra mở cổng. Hai người lạ đi xe máy, chở lỉnh kỉnh gạo, mì tôm, rau củ. "Của ít lòng nhiều, chị nhận hai túi này, cố gắng giữ sức khỏe qua dịch nhé" - một người khệ nệ xách cho chị Gấm túi quà.

Chị Gấm quá bất ngờ, lí nhí cảm ơn, chưa kịp hỏi tên thì hai người đã khuất dạng sau bức tường gạch xây dở. Nhóm 20 thợ xây bị kẹt lại ở khu BT10, khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) đã hơn nửa tháng nay. Họ ở trong ngôi nhà ba tầng xây dở, công trình ở sát bên. Chủ thầu quây tôn kín mít. Ngoài chị Gấm, hiếm ai ra khỏi cái rào tôn ấy từ khi đến nhận việc ở đây. Từ khi giãn cách, chiếc ổ khóa lấm tấm gỉ vì không ai tra chìa vào ổ.

Chị Lê Hồng Gấm quê ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, theo chồng ra Hà Nội hơn một tháng thì công trình phải dừng thi công do dịch COVID-19. Gia đình chị có bốn người là bố chồng, hai vợ chồng chị và cả đứa con gái mới 15 tháng tuổi của chị mắc kẹt lại đây.

Chị Gấm kể từ lúc giãn cách, tiền ăn mọi người góp đã gần hết, vì tháng vừa rồi làm được mươi ngày công thì phải dừng vì giãn cách. Ông cai tốt tính thỉnh thoảng mang cho ít gạo, ít rau nhưng cũng không đủ.

Mỗi túi quà chị Gấm vừa nhận có 5kg gạo, chục gói mì, một chai dầu ăn, chai nước mắm, gói bột ngọt và vài mớ rau. Bữa trưa hôm ấy, nồi cơm chan với mì gói hết veo. Lâu lắm rồi cả nhóm thợ mới ăn chung một bữa. Mỗi ngày chị Gấm nấu một nồi cơm to, cắm điện ủ cho nóng. Thức ăn chủ yếu là trứng rán và cá khô nhưng cũng rất dè sẻn.

Anh Phạm Đức Nguyên, một thợ trong nhóm, cho hay thất nghiệp, trò giết thời gian duy nhất là... đánh bài quỳ. Đánh mãi rồi cũng chán, đầu gối anh thợ nào cũng thêm vài vết chai, tím bầm vì quỳ chiếu nhựa. Anh Nguyên chia sẻ muốn về quê thì xe khách không chạy, có về được cũng phải cách ly mà tiền đã hết, về quê cũng không có việc làm. "Cố cầm cự mong qua dịch, anh em chúng tôi đi không được, ở cũng không xong" - anh Nguyên nói.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Mạnh quê ở Văn Chấn (Yên Bái) vừa chuyển đến xóm trọ mới ở Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm) thì giãn cách xã hội. Cả phòng trọ chỉ có cái bàn nhỏ kê một bếp gas du lịch. Phía dưới hộc bàn một cái chảo méo, bốn cái bát sứt và vài đôi đũa. Giữa phòng là mấy tấm giát giường đặt trên nền gạch làm chỗ ngủ. Anh hàng xóm của Mạnh cho mượn nồi cơm điện để cả nhóm nấu ăn. Năm người thợ tằn tiện sống chờ hết dịch, chủ gọi đi làm.

Xóm trọ tồi tàn trong ngõ nhỏ chỉ cách chợ chưa đầy trăm mét. Mấy ngày đầu giãn cách, cả xóm chia nhau mấy cái phiếu đi chợ, một người đi mua cho cả xóm. Càng ngày người đi chợ càng ít vì xóm thất nghiệp đang dần hết tiền.

Mạnh cho hay nhóm anh mới đi làm, lĩnh được hơn hai triệu tiền công. Ông chủ tốt tính hỗ trợ tiền trọ, tiền điện nước, riêng ăn uống cả nhóm phải tự lo. Tiền công gần hết, cả phòng ăn mì gói gần mười ngày nay để cầm cự qua dịch. "Ngày trước, lĩnh được lương là bọn em gửi xe khách về cho bố mẹ, chỉ giữ lại ít tiền tiêu. Bây giờ thất nghiệp, bố mẹ em cũng nghèo, ở miền núi chẳng có gì bán để gửi tiền cho con. Xe khách cấm rồi, cũng không gửi được gạo nên bọn em phải tự lo" - Mạnh tâm sự.

Những xóm kẹt giữa đại dịch - Ảnh 3.

Mẹ con bà Bùi Thị Hậu mỗi bữa chỉ nấu một chén gạo - Ảnh: V.TUẤN

Chia nhau từng bơ gạo

Con ngõ nhỏ bên cạnh Bệnh viện Phụ sản trung ương có gần trăm nhà trọ của những người lao động nghèo, những bệnh nhân phải ở lại Hà Nội để chữa bệnh. Những chiếc quang gánh treo cẩn thận dưới mái hiên. Hàng chợ cóc, hàng cơm đóng cửa. "Nhà bà còn gạo không? Cho tôi vay một ít đi" - bà Bùi Thị Hậu cầm chiếc hộp nhựa sang cầu cứu hàng xóm.

Bà Hậu quê ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, đưa con dâu về Hà Nội thuê trọ để chuẩn bị sinh nở. Con dâu bà hiếm muộn, chạy chữa mãi mới có bầu, gần đến ngày sinh, bác sĩ dặn phải ở gần Hà Nội để khi trở dạ phải vào viện ngay.

Hai mẹ con bà Hậu, một già còng lưng, một bụng chửa vượt mặt chuyển đến xóm trọ này được vài hôm thì giãn cách vì dịch. Không đi được chợ, người nhà cũng không gửi được đồ tiếp tế vì không còn xe chạy. Chị Hạnh, con dâu bà Hậu, đặt mua gạo trên mạng từ tuần trước. Cửa hàng đã gọi điện xác nhận đơn hàng nhưng từ đó đến nay không thấy nhân viên nào đến giao hàng.

Chiếc hộp đựng gạo của bà Hậu là chiếc hộp nhựa các quán cháo hay dùng. Đổ đầy hộp cũng chỉ được một tô gạo. Bà giấu con dâu, lúc nấu cơm chỉ xẻ ra lưng cái bát đựng nước chấm. Mỗi bữa mỗi người chỉ đủ một bát cơm, bà cố tình xới cho con dâu bát đầy, còn bà chỉ sêu sêu vài đũa.

Bà hàng xóm tốt bụng mua được túi gạo về xẻ ra cho hàng xóm mỗi người vay một tô. Chờ đến khi nào đến lượt chủ nhà đi chợ nhờ mua tiếp. Cô con dâu thương mẹ rơm rớm nước mắt lên mạng xã hội tìm người giúp đỡ. Chị bất ngờ khi có một người gọi điện hỏi thăm. Sáng hôm sau, người ấy gọi chị Hạnh ra đầu ngõ nhận quà. Chị Hạnh quá bất ngờ vì ở giữa thủ đô, không quen biết lại có người giúp trong lúc khốn khó.

Chị ôm bụng bầu ra đầu ngõ. Chiếc ôtô nhỏ đậu ven đường bỏ xuống 30 bịch nilông. Trong bịch có 5kg gạo, mì gói, trứng, dầu ăn, nước mắm và cả ít rau. "Em chia cho hàng xóm giúp chị nhé!" - người phụ nữ bịt khẩu trang, đeo tấm chắn kín mít, ánh mắt cười hiền rồi lên xe đi mất.

Cả xóm ngỡ ngàng chia nhau mỗi người một túi. "Quà cho mẹ con em phải ăn một tuần mới hết - chị Hạnh nói - Em hỏi tên mà chị ấy không nói. Ở đây nhiều người tốt thật đấy!".

Căn nhà trọ nhỏ nằm sâu trong con ngõ ở cụm dân cư số 5 phường Ngọc Khánh của bà Đỗ Thị Vinh có căn bếp được chuyển ra phía gần cửa. Bà Vinh nhường bếp cho khách trọ nấu ăn, không lấy tiền gas. Trong con ngõ này có gần trăm phòng trọ chủ yếu là người lao động nghèo và người bệnh đang điều trị ở Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Từ ngày đợt dịch thứ 4 bùng phát, không phòng trọ nào vắng khách. Họ bị kẹt lại giữa thủ đô. Có người đến đây làm nghề "mua thúng bán sọt" (bán rau, hoa quả) phục vụ người bệnh quanh bệnh viện. Có người đi buôn ve chai, người làm nghề kéo xe, bốc vác cho các chủ hàng trên Đê La Thành... Dịch ập đến, họ mất việc. Đi về quê không được, đành ở lại cố sống qua mùa dịch mà mong hết dịch.

Những xóm kẹt giữa đại dịch - Ảnh 4.

Xóm trọ nghèo trong ngõ gần Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) - Ảnh: V.TUẤN

Xóm trọ của Mạnh gần chục phòng quây quần bên nhau trong đại dịch. Mùi mì gói bốc ra từ khe cửa phòng gần chục ngày qua khiến hàng xóm chỉ ngửi cũng có cảm giác... ngán và nóng cổ. Người mang sang chục trứng, người cho mớ rau. Có người lại xách cho túi gạo: "Mấy thằng mày nấu cơm mà ăn, anh em thợ với nhau, đừng ngại" - anh hàng xóm đặt bịch gạo bên cạnh bếp gas rồi đi về...

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia

TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên