07/08/2021 12:19 GMT+7

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia - Ảnh 1.

Thất nghiệp, vợ chồng anh Bảo gia công gốm sứ tại nhà để xoay xở trong mùa dịch - Ảnh: CÔNG TRIỆU

7h30 sáng. Dãy hành lang khu lưu trú số 26 (Q.12) im ắng, nhiều phòng vẫn đang khóa cửa. Những ai từng ở trọ, đặc biệt là trong các khu trọ công nhân, đều bất ngờ với cảnh "ngủ nướng" này.

Dãy trọ 152 phòng, thất nghiệp 96%

Ông Lê Thành Tâm, chủ khu lưu trú, nói rằng nhiều người trong dãy trọ đang thất nghiệp và ở nhà suốt hơn 3 tháng nay. Ai cũng thất nghiệp, giờ giấc sinh hoạt cả khu cũng thay đổi. Mọi người không còn dậy sớm bắt đầu ngày làm việc như trước dịch. 

"Dãy trọ tôi có 152 phòng nhưng thất nghiệp phải 96%, số người mất việc suốt 3 tháng liền không hề ít. Nhiều người ở miền Tây đã chạy xe về quê, còn lại thì cố bám trụ" - ông Tâm chùng giọng.

Cảnh ngày mới ở khu trọ nằm sâu trên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) cũng chẳng khác mấy. Cả khu có 61 phòng với hàng trăm công nhân, người lao động đang thuê ở. Mỗi người một số phận nhưng đều chọn tha phương để lo toan mưu sinh cho gia đình, từ làm công nhân giày da, dệt may đến thợ hồ, lái xe... 

Ông Huy, quản lý khu trọ, bảo rằng: "Khu tôi toàn dân lao động, công nhân khổ cực mới phải bỏ quê vào đây ở trọ kiếm đôi ba đồng lương tháng, nhưng dịch bệnh khiến ai nấy đều thất nghiệp điêu đứng cả".

Chúng tôi cảm nhận được sự túng thiếu của mọi người. Hễ thấy người lạ đến khu trọ cùng sổ sách là họ lại mở cửa, ngóng đợi tin hỗ trợ. Cựu chiến binh Trần Đăng Chức (67 tuổi) còn ôm cả balô gồm hai bộ đồ đã mục thủng nhiều lỗ, cái võng lưới là hành trang ông chuẩn bị cho chuyến hồi hương từ TP.HCM về quê nhà Đô Lương (tỉnh Nghệ An) để chứng minh hoàn cảnh éo le của mình. Vốn làm bảo vệ cho một công ty ở Long An nhưng tháng trước công ty đóng cửa buộc ông Chức phải lên TP.HCM ở cùng con trai trong gian phòng trọ chật hẹp chưa tới 10m2.

Ngặt nỗi anh Trần Đăng Trọng (42 tuổi, tài xế, con ông Chức) và vợ làm công nhân cũng đang thất nghiệp. Chưa kể hai đứa con mới 11 tuổi và 5 tuổi vào thăm cha mẹ cũng mắc kẹt ở đây. Vợ chồng anh Trọng chưa từng than van, nhưng ông Chức hiểu được cảnh thiếu thốn, ngặt nghèo lúc này. 

Thương con cháu, nhiều lần ông tìm cách đăng ký xin được về quê mà bất thành. "Nói thiệt với chú chứ con cái không cản là tui đi bộ về quê rồi, trước tui cũng hành quân đi bộ từ Thanh Hóa vô tới tận Sông Bé đấy chứ" - ông Chức nói.

Xoay xở đủ đường

Làm việc cật lực, tiêu xài tằn tiện, ăn uống kham khổ là những gì thường thấy ở "đời công nhân", nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua hoàn cảnh dịch bệnh ngặt nghèo hiện nay.

Dãy trọ công nhân tại số 116 đường Cống Lở (Q.Tân Bình) có đến 27 phòng nhưng chỉ mỗi phòng của anh Nguyễn Văn Bảo (41 tuổi) và vợ Huỳnh Thị Bích Thủy (40 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình) là mở cửa. Anh Bảo kể mình quê Nam Định nên dù thất nghiệp gần cả tháng nay cũng không thể về. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, họ vẫn phải đóng tiền trọ, rồi tiền ăn học của con, tiền thuốc men của mẹ ở quê nên cuộc sống đầy áp lực.

Để có thêm thu nhập, vợ chồng anh nhận gia công gốm sứ tại nhà. Mỗi sản phẩm gốm sau khi được tỉa tót các phần dư thừa, tô sơn màu hoàn chỉnh, họ nhận được 700 đồng. Chị Thủy nói nếu cặm cụi từ 7h sáng tới chiều muộn cũng kiếm được 300.000 đồng mỗi người. "Nhưng đâu phải đợt nào cũng có hàng để làm, hai tuần nay mới được ba bữa, kiếm được triệu bạc, có còn hơn không" - anh Bảo nói.

Còn hành trình lập nghiệp với đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Mạnh (27 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hương (31 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen) chưa bao giờ là suôn sẻ. Cách đây hơn 3 tháng, Mạnh được nhận vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Sau mỗi buổi tan ca, Mạnh thường chạy thêm giao hàng để tăng thu nhập. Thế nhưng cái khổ vẫn không buông tha họ. Một lần đi giao thức ăn, anh không may bị ngã xe, gãy ống xương chân trái.

Đã qua tháng thứ 3 sau cuộc phẫu thuật, chân trái Mạnh vẫn không thể đi lại bình thường. Chị Hương đã trải qua gần hết tháng thứ hai thất nghiệp. "Giờ chỉ mong sao các anh chị ở tỉnh xét duyệt cho suất để tôi về quê sống, chứ đăng ký mấy tuần rồi mà đợi điện thoại mãi chẳng thấy ai gọi, nghe thông báo là diện ốm đau sẽ được ưu tiên mà" - anh Mạnh trĩu giọng nói.

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia - Ảnh 2.

Ông Chức (bìa trái) và vợ chồng anh Trọng cùng hai con trên chiếc giường là chỗ sinh hoạt, ăn, ngủ của cả gia đình lúc thất nghiệp - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Giúp đỡ nhau vượt khó

Đa phần người lao động, công nhân ở thuê trong dãy trọ của cô Thanh Tuyền (Q.Tân Bình) đều đang không có việc làm. Một số người vẫn đang cố trụ lại đợi ngày có thể đi làm lại, còn số nhiều đã về quê tránh dịch. Cô Tuyền chỉ phòng 101, 107, 108, 109 rồi nói đều là những phòng nợ đến 3 tháng tiền trọ. "Nhưng không sao, bà con ở đây lâu rồi, dịch bệnh nên người thì về quê người không đi làm kẹt quá lấy đâu trả".

Suốt nhiều năm liền cô Tuyền không hề tăng tiền nhà (chỉ giữ ở mức 1,1 triệu đồng/phòng/tháng). Hai tháng nay cô Tuyền đều giảm tiền trọ, có khi đến 40% cho mọi người. Tháng trước, cô còn ra chợ mua hàng trăm ký gạo, trứng và rau củ rồi đi từng phòng phát cho mọi người thay cho lời động viên cùng cố gắng. "Kệ, giàu nghèo thì đã rồi, giờ đâu phải lúc để mình tính toán tiền bạc" - cô Tuyền trải lòng.

Giảm tiền nhà trọ, hỗ trợ thực phẩm cũng là cách mà ông Lê Thành Tâm (ngụ Q.12) đã làm nhiều tháng nay để hỗ trợ người lao động đang trọ trong nhà mình. Ông Tâm còn bỏ ra gần 9 triệu đồng/tháng để thuê ông Phạm Viết Nghĩa trực chốt "bảo vệ vùng xanh" cho khu trọ mình. Ông Nghĩa tâm sự dịch bệnh đang thất nghiệp, có việc làm thêm nên cũng mừng vì có thêm tiền hỗ trợ con cháu.

Cuộc sống còn đang khó khăn nhưng việc được đón nhận nghĩa tình sẻ chia cũng phần nào động viên những phận đời công nhân, lao động nghèo những ngày dịch giã này.

Tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng là dự án do Thành đoàn TP.HCM, Hội LHTN Việt Nam TP.HCM phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Công ty cổ phần Be Group, Công ty TNHH Công nghệ XTEK, Nhóm Người Việt thương nhau cùng thực hiện.

Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận, phản ánh thông tin của người dân khó khăn, cùng với các kênh khác để kịp thời tiếp nhận và phối hợp hỗ trợ bà con. Thông tin nhận được sẽ chuyển cho các bộ phận liên quan (cơ sở Đoàn, chính quyền địa phương) để cùng phối hợp xác minh hoàn cảnh cần hỗ trợ. Tổ hỗ trợ sẽ lên phương án cụ thể, phù hợp từng đối tượng.

Báo Tuổi Trẻ cũng sẽ là một kênh tiếp nhận đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các đơn vị để có thể đồng hành cùng với các đơn vị hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp hộ dân khó khăn.

Mọi đóng góp xin vui lòng chuyển khoản đến tài khoản: Báo Tuổi Trẻ, số tài khoản: 113000006100, tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM (chuyển Việt Nam đồng). Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản: Báo Tuổi Trẻ, số tài khoản: USD: 0071370195845, EUR: 0071140373054, ngân hàng Vietcombank - CN TP.HCM, TP.HCM, swift Code: BFTVVNVX007. (Ghi rõ nội dung chuyển khoản: Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19 - Ủng hộ nhu yếu phẩm)

Người dân gặp khó khăn tại TP.HCM có thể gọi đến các số máy sau:

1. Đường dây nóng 1022, bấm phím 2 để gửi thông tin cần được hỗ trợ;

2. Đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ: 0918.033.133

3. Dự án "Chợ nghĩa tình": 0963.870.058

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch

TTO - Chiều 6-8, trong cái nắng của ngày Hà Nội 38 độ C, bà Trần Thị Thắm (quê Hải Dương) lụi cụi nhóm bếp lửa giữa trời để nấu ăn. Bà bảo: "Kiếm 20.000 đồng mỗi ngày giờ cũng không có".

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên