23/09/2020 08:23 GMT+7

Những việc cần làm khi mở lại đường bay

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Trong thông báo kết luận phiên họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề nghị mở lại đường bay thương mại với Thái Lan.

Những việc cần làm khi mở lại đường bay - Ảnh 1.

Hành khách từ Canada quá cảnh Nhật Bản đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được đưa lên xe buýt về khu cách ly - Ảnh: NGUYÊN METALCORE

Như vậy, sau Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Campuchia, Trung Quốc và Lào, đường bay Thái Lan sắp được mở. Vậy các cơ quan chuyên môn và người nhập cảnh vào Việt Nam cần làm những gì để vừa phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo thông thương và đáp ứng nhu cầu đi lại?

Xét nghiệm ngay tại cửa khẩu

So với lịch trình dự kiến trước đây là mở lại đường bay thương mại quốc tế đầu tiên từ ngày 15-9, chuyến bay thương mại đầu tiên được mở lại sau dịch COVID-19 (đi Nhật Bản) đã chậm hơn vài ngày. 

Một trong những lý do dẫn đến việc chậm trễ ấy là các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn về giám sát người nhập cảnh.

Theo dự báo trước đây khi mở đường bay với sáu quốc gia/vùng lãnh thổ (chưa tính Thái Lan), mỗi tuần sẽ có khoảng 5.000 người nhập cảnh vào Việt Nam. 

So với năng lực xét nghiệm hiện có (riêng khu vực Đà Nẵng làm được trên 10.000 mẫu/ngày), cả nước thực hiện được xấp xỉ 40.000 mẫu. 

Do đó với số lượng người nhập cảnh như trên, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc xét nghiệm Realtime PCR (loại xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất hiện nay và có thể xét nghiệm được khi bệnh còn ở giai đoạn ủ bệnh).

Thời gian qua, khi bàn thảo việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại sân bay, cửa khẩu, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cũng đã mời ba doanh nghiệp cung cấp test xét nghiệm để bàn về khả năng cung ứng dịch vụ. 

Một doanh nghiệp trong số này cho biết họ có thể cung ứng dịch vụ tại sân bay, cửa khẩu và trả 5.000 kết quả xét nghiệm/giờ trong giai đoạn đầu tiên, sau đó có thể trả tối đa 250.000 kết quả xét nghiệm/ngày. 

Phí xét nghiệm (người nhập cảnh phải chi trả) tương đương mức bảo hiểm y tế đang chi trả hiện nay là 734.000 đồng/mẫu, thời gian chờ đợi tối đa là 6 giờ với trường hợp phải làm lại xét nghiệm.

Tuy nhiên, phương án này có vẻ không được chọn. Khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-9, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết việc xét nghiệm sẽ thực hiện theo hướng giao cho sở y tế các tỉnh thành tổ chức triển khai. 

Tỉnh thành nào thực hiện được xét nghiệm tại sân bay, cửa khẩu sẽ làm ngay khi khách nhập cảnh. 

Cụ thể, khi hành khách xuống sân bay, cửa khẩu sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm ngay. Tỉnh thành nào không thực hiện được, Bộ Y tế cho phép đưa khách về khu cách ly và lấy mẫu tại khu cách ly.

Không thể để lọt ca bệnh ra cộng đồng

Theo hướng dẫn về giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam vừa được Bộ Y tế ban hành, việc xét nghiệm tại cửa khẩu (nếu có) sẽ thực hiện bằng hai kỹ thuật Realtime PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên. 

Khách nhập cảnh nếu chưa được xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm không rõ ràng sẽ được xét nghiệm tại khu cách ly.

Về giá xét nghiệm, Chính phủ giao Bộ Tài chính tính toán trên cơ sở tính đúng tính đủ. Hiện giá này chưa được công bố nhưng các chuyên gia cũng đề nghị xem xét nhiều phương án, bởi có rất nhiều loại xét nghiệm với nhiều mức giá khác nhau. 

Ví dụ như việc xét nghiệm nhanh và phương pháp xét nghiệm bằng hình thức trộn mẫu có giá rẻ hơn nhiều so với Realtime PCR, tức là rẻ hơn 734.000 đồng/mẫu (là mức giá bảo hiểm y tế đang chi trả hiện nay cho xét nghiệm Realtime PCR).

Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia lo lắng hơn cả và đây cũng là lý do khiến hướng dẫn giám sát người nhập cảnh chậm ban hành so với dự kiến là việc để lọt ca bệnh và gây các ổ dịch mới. 

Lo lắng là có cơ sở bởi cách đây một tuần, CDC Đà Nẵng có báo cáo cho biết đã nhận lô sinh phẩm hỗ trợ gồm hơn 15.000 test và qua ba lần chạy thử nghiệm cho thấy kết quả không ổn định. 

Đặc biệt, những mẫu dương tính hoặc mẫu đối chứng dương tính lại cho kết quả âm tính hoặc không xác định, không kết luận được. 

Thậm chí hai xét nghiệm lặp lại trên cùng một mẫu, sử dụng sinh phẩm cùng một lô lại cho kết quả khác nhau.

Một chuyên gia trong ngành nhận định nếu căn cứ theo nội dung mà CDC Đà Nẵng báo cáo thì việc chọn sinh phẩm hoặc phương pháp xét nghiệm không ổn định có thể cho ra kết quả xét nghiệm sai. 

Như trong tháng 8 vừa qua, Bệnh viện E đã phải đóng cửa một ngày do phát hiện bệnh nhân dương tính với COVID-19. Thế nhưng sau đó xét nghiệm lại đã xác định đây là trường hợp dương tính giả.

"Trong một ngày đóng cửa bệnh viện, hàng ngàn bệnh nhân, nhân viên y tế và hoạt động khám chữa bệnh trở nên khó khăn, ngưng trệ, thậm chí bị "cách ly xã hội". 

Thế nhưng nếu xét nghiệm sai, mẫu xét nghiệm thật sự dương tính mà khi xét nghiệm lại cho kết quả âm tính thì còn nguy hiểm hơn nhiều lần", vị chuyên gia lo lắng và đặt vấn đề thêm: Việt Nam đang mở cửa bầu trời một cách thận trọng, mở từng bước và mở trước với các quốc gia, vùng lãnh thổ an toàn. 

Đã sang tháng thứ 10 có dịch COVID-19, những ảnh hưởng của dịch đã rõ, nhu cầu mở cửa để giao thương và đi lại cũng đang rất cấp bách. 

Do đó cần giám sát dịch thế nào để không lọt ca bệnh trong thời gian tới là vấn đề phải được quan tâm, đặt lên hàng đầu. Chúng ta kiên quyết không thể để lọt ca bệnh ra cộng đồng!

Những việc cần làm khi mở lại đường bay - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: VĂN BÌNH

Không phải cách ly tập trung nếu hai lần xét nghiệm âm tính

Theo hướng dẫn về giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam vừa được Bộ Y tế ban hành, người nhập cảnh Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 từ 3-5 ngày tính đến thời điểm nhập cảnh.

Khi nhập cảnh, hành khách sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra y tế và lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu, sân bay có tổ chức xét nghiệm tại chỗ.

Ngoài lần lấy mẫu đầu tiên này, tất cả những người nhập cảnh đều được lấy mẫu lần hai vào ngày thứ 6 tính từ thời điểm nhập cảnh (lấy tại khu cách ly).

Và nếu mẫu xét nghiệm lần hai âm tính sẽ được về nơi lưu trú và tự cách ly đến ngày thứ 14, thay vì cách ly tập trung 14 ngày như trước đây.

Ngoài ra, trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam.

Người nhập cảnh cần chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với virus corona của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3-5 ngày.

Phí cách ly do người nhập cảnh tự chi trả, tối thiểu là 120.000 đồng/ngày (khu cách ly của quân đội). Nếu cách ly tại khách sạn, mức phí sẽ tùy theo mức thu của khách sạn.

Ví dụ như một đoàn du học sinh từ Úc về Việt Nam trong thời gian cuối tháng 8 đầu tháng 9 này đã cách ly tự nguyện tại một khách sạn 4 sao ở Quảng Ninh, với mức phí dao động từ 2-6 triệu đồng/người tùy loại phòng.

Thời gian cách ly tập trung đã giảm so với trước, nhưng người nhập cảnh (thời gian vào Việt Nam trên 14 ngày) vẫn phải cách ly bắt buộc 6 ngày. Như vậy đối tượng nhập cảnh chưa mở ra cho khách du lịch, mà hướng đến nhóm nhập cảnh vào làm việc, học tập, người Việt Nam về nước.

Về phí xét nghiệm, trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia gần đây, 1 trong 3 doanh nghiệp được mời dự cho biết nếu thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu, chi phí chỉ trên 4 USD/mẫu. Hiện Bộ Tài chính đang tính toán mức phí xét nghiệm theo hướng tính đúng, tính đủ.

Thế nhưng nhóm nhập cảnh là đối tượng nguy cơ thấp, do đã có kết quả xét nghiệm âm tính 3-5 ngày trước khi đến Việt Nam, tức là đã được sàng lọc đợt một, nên các chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu để phí xét nghiệm rẻ hơn.

Xét nghiệm COVID-19 ra sao khi Xét nghiệm COVID-19 ra sao khi 'mở cửa lại bầu trời'?

TTO - Theo Bộ Y tế, hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm thông báo mức phí 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm tại sân bay, tương đương mức phí bảo hiểm đang chi trả.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên