26/11/2017 17:09 GMT+7

Những trò 'phá cưới' thô bỉ và bạo lực ở Trung Quốc

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Bị tấn công, quấy rối tình dục, dính thương tích... nhiều cô dâu chú rể ở Trung Quốc có lẽ chỉ cầu mong ngày vui... sớm qua mau mà không có tai nạn nào xảy ra.

Những trò phá cưới thô bỉ và bạo lực ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Không ai đoán trước trò nghịch tai quái nào sẽ xuất hiện trong đám cưới - Ảnh chụp từ SCMP

Cuối tuần trước, dân mạng Trung Quốc được một phen xôn xao khi xem video quay cảnh một đám cưới tổ chức ở thành phố Thâm Quyến. 

Trong video, chú rể phụ cầm một cây búa to đập vào cửa chính nhà cô dâu. Mục đích của hành động này là để chú rể có thể đi vào nhà và "bắt" cô dâu - một nghi thức đám cưới phổ biến ở Trung Quốc.

Chuyện không có để nói nếu như cánh cửa không vỡ toang, mảnh kính bay tứ tung và cứa vào mặt của ba cô gái phù dâu cùng một anh thợ quay phim. Họ ôm gương mặt đầy máu trong sự sững sờ của đám đông dự đám cưới, không ai còn hò reo tiếng nào sau giây phút đó.

Khi phong tục trở nên quá lố

"Trò đùa" đổ máu ở Thâm Quyến là một cách thể hiện của tục "phá cưới" truyền thống của người Trung Quốc. Ý nghĩa ban đầu của tục lệ là xua đuổi tà ma, nhưng ngày nay nó đã biến tướng thành những hành động dị hợm, không hiếm khi làm hỏng ngày vui.

Cuối tháng trước, một chú rể ở thành phố Thiên Tân "lâm nạn" do một vài vị khách tinh quái xịt bình chữa cháy vào người trong lúc nhà trai đi rước dâu. Người đàn ông ngất đi trong vòng tay họ hàng do hít phải quá nhiều bột chữa cháy. Trong đoạn video lan truyền trên mạng, người qua đường sợ chú rể "ngỏm" luôn, nhưng cuối cùng anh này bật dậy và tiếp tục... đi rước dâu.

Rồi trong một đám cưới ở Tây An hồi tháng 6, hai người đàn ông đẩy một cô phù dâu vào xe rước dâu và bắt đầu... bóp ngực cô gái, mặc cho nạn nhân van xin. Cảnh tượng bị một chiếc camera quay lại đã khiến dư luận Trung Quốc nổi giận, kết cuộc hai gã đàn ông bị cảnh sát tóm vì tội tấn công tình dục.

Chú rể và phù dâu không phải là những nạn nhân duy nhất. Trò đùa phổ biến nhất là cô dâu bị ép phải diễn những tư thế tình dục với chú rể; trong một số trường hợp khác, bố mẹ chú rể bị bắt phải mặc trang phục kỳ quặc, mang tính hạ nhục...

Bà Hou Hongbin, một nhà văn gốc Quảng Châu, mô tả tục phá cưới là "trò vui bị tình dục hóa". "Từ cô dâu, chú rể cho đến phù dâu, phù rể, không ai dám kháng cự vì người ta hay nói không có luật lệ nào trong 3 ngày đầu sau một đám cưới. Mọi người thường có thái độ khoan dung đối với hành động phá cưới" - bà Hou giải thích.

Theo nhà văn Trung Quốc, "phá cưới" còn là một biểu hiện bất thường của ham muốn tình dục bị dồn nén. Ở Trung Quốc ngày xưa, người trẻ thường không được giáo dục về tình dục, do đó tục "phá cưới" cho họ một số "gợi ý" về những gì chờ đợi trong đêm tân hôn.

Ngày nay, trò phá cưới được bạn bè chuyền nhau từ đám cưới này sang đám cưới khác - một biểu hiện của sự trả lễ.

"Ví dụ, một người đàn ông có thể yêu cầu bạn mình (chú rể) cho phép sàm sỡ các cô phù dâu, trên cơ sở là khi anh này cưới, anh cũng từng tạo cơ hội cho bạn mình làm điều tương tự" - bà Hou diễn giải.

Những trò phá cưới thô bỉ và bạo lực ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Các cô phù dâu bị mảnh kính cứa vào mặt trong đám cưới ở Thâm Quyến - Ảnh: Weibo

Nhân danh truyền thống

Hậu quả của những trò phá cưới quá quắt cũng dễ đoán.

Bà Meng Jun, nhà tổ chức đám cưới chuyên nghiệp ở thành phố Truy Bác thuộc tỉnh Sơn Đông - nơi tục phá cưới khá phổ biến, cho biết ngày càng khó tìm cô gái nào chịu làm phù dâu do họ sợ những hành động quấy rối trong đám cưới.

"Cách đây vài năm, mục tiêu của tục phá cưới ở Truy Bác chủ yếu là các cô phù dâu, vốn còn độc thân và e thẹn. Nhưng nhiều người bị xúc phạm, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Nên bây giờ chúng tôi chuyển sang nghịch với chú rể" - bà Meng kể.

Tại địa phương này, đám đông thường trói chú rể vào một cái cây và ép anh chàng phải hát hoặc mặc trang phục kỳ dị. "Là nhà tổ chức, chúng tôi tin điều này mang lại một chút vui vẻ cho ngày cưới. Nếu nó trở nên quá đà, chúng tôi sẽ ngăn họ lại. Quan trọng là không được làm ai tổn thương" - bà Meng kết luận.

Những trò phá cưới thô bỉ và bạo lực ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Dù hứng nhiều chỉ trích, tục phá cưới vẫn phổ biến ở Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình SCMP

Tục phá cưới đã có ít nhất từ triều đại Bắc Tống ở Trung Quốc (năm 960-1127).

Nhà nhân chủng học Pan Tianshu thuộc Đại học Phục Đán giải thích các nghi thức đám cưới truyền thống ở Trung Quốc đã được giản lược bớt sau ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Nhưng bắt đầu từ cuối thập niên 1970, các phong tục cưới cũ được phục hồi và một số yếu tố mới được thêm vào.

Học giả Pan cho biết trò đùa mang hơi hướng tình dục và bạo lực là yếu tố phổ biến trong các đám cưới ở Trung Quốc, tuy nhiên mức độ "phá cưới" khác nhau tùy mỗi nơi.

"Nhiều phong tục truyền thống được tái sinh sau ngày Trung Quốc mở cửa ra với phương Tây. Nhưng người ta thường bóp méo các hoạt động lễ lạc, chẳng hạn trò đùa mua vui trong đám cưới, nhân danh truyền thống, từ đó một số chúng trở thành phong tục mới".

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên