27/02/2014 10:15 GMT+7

Những thiên thần áo trắng - Kỳ 1: Khoa "đầu sóng ngọn gió"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Bước vào khoa hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài: những đứa bé nhỏ xíu đang nằm thở máy, xung quanh là những hệ thống máy móc dây nhợ nhằng nhịt. Rất ít khi có tiếng khóc vì đa số bệnh nhi đều đang hôn mê. Những tiếng tít tít của mấy chục máy monitor (khi mạch của bé tăng hoặc giảm) và máy thở (khi bé tỉnh, nhúc nhích) cứ kêu dồn dập, gấp gáp và ồn ào.

RK38cQUh.jpgPhóng to
Một điều dưỡng trẻ đang vệ sinh, thay tã cho một bệnh nhi - Ảnh: My Lăng

Chuyện về Nguyễn Minh Nhất

“Ở đây toàn bệnh nặng hoặc thập tử nhất sinh nên đa số bị hôn mê. Ngay cả cha mẹ bệnh nhi cũng không được phép ra vào tùy tiện, tới giờ mới được vào thăm, mỗi lần chỉ nửa giờ. Toàn bộ việc chăm sóc, nuôi dưỡng các bé đều do các cô điều dưỡng làm. Khi bé qua giai đoạn nguy hiểm mới chuyển lên các chuyên khoa. Ban giám đốc lúc nào cũng gọi khoa hồi sức là nơi đầu sóng ngọn gió là vì vậy” - điều dưỡng trưởng Lê Thị Uyên Ly (khoa hồi sức tích cực và chống độc) cho biết.

Chỉ vì bệnh quá nặng, nhiều bé đã bị gia đình bỏ rơi. Như câu chuyện của cậu bé ở Long An được các cô điều dưỡng đặt tên là Nguyễn Minh Nhất (từ tên của bác sĩ trưởng khoa Nguyễn Minh Tiến - PV). Chị Uyên Ly kể: “Lúc vô thằng bé mới 3 tháng tuổi, bị viêm phổi nặng, người tím tái, phải thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi). Người nhà tưởng chết bỏ lại cho khoa. Vậy mà chúng tôi đã cứu được. Thằng bé bú rất đúng giờ, cứ mỗi ba giờ là dậy, khóc đòi bú sữa. Bé bú nhanh lắm, bú no là ngủ ngay. Bé đẹp trai lắm. Sau một thời gian bé ổn định. Chúng tôi gọi cho người nhà bé nhưng không được. Lúc đó bệnh nặng chuyển vào nhiều, chúng tôi không thể giữ bé lại, phải chuyển lên khoa hô hấp. Lúc chuyển đi mấy cô điều dưỡng khóc vì thương bé quá. Lúc bé còn ở đây các cô cứ làm ổn ổn lại tới bồng, nói chuyện với bé như con mình. Khi chuyển bé lên hô hấp rồi mà có thời gian là mấy cô lại chạy lên thăm, giỡn với bé”.

“Hồi mới về khoa tôi rất sợ. Máy móc nhiều. Bệnh nhân nặng. Hồi đầu chỉ dám cho bệnh nhi ăn, hút đàm, không dám chích. Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, cái gì cũng khó. Chích cũng khó. Tìm đường tĩnh mạch khó do bé nhỏ quá, lại bị sốc, các tĩnh mạch bị xẹp, lặn mất. Bệnh nặng càng khó nữa mà bé thì nhỏ quá, không nói được. Cái gì điều dưỡng cũng phải đoán xem bé đang muốn gì, cần gì. Muốn đoán được phải theo dõi kỹ” - chị Ly nói. Làm ở khoa đã lâu nhưng đôi lúc cái chết của một đứa trẻ vô tội đến quá nhanh và đột ngột làm bác sĩ, điều dưỡng sốc. Nhất là những người có gia đình, có con cũng đang ở lứa tuổi đó.

Nhà chị Ly ở tận Củ Chi. Sáu đồng nghiệp khác cũng vậy. Có người còn ở Cần Giờ, Bình Chánh. 7g vô ca làm nhưng 6g45 đã có mặt nên từ 4g - mặt trời chưa mọc - đã phải dậy. “Chúng tôi ít có giờ ăn trưa lắm. Rảnh, buông ra là ăn. Mà phải chia ra ăn chứ không phải đi cùng một lúc. Lần nào ăn sáng cũng thành ăn trưa. Có khi ăn xong là về nhà luôn. Ngày trước ca ba nhận bàn giao tua lúc 21g30 nhưng những người ở Củ Chi về xa quá, 11g đêm mới về tới nhà rất nguy hiểm nên đổi lại bàn giao tua lúc 20g. Ngày nào tôi cũng đi từ 5g sáng tới tối mịt mới về. Hàng xóm nói cô làm gì mà sáng chiều không thấy đâu” - chị Ly cho hay.

EjEnSbFC.jpgPhóng to
Điều dưỡng trưởng Phương Thảo - một trong những “bà mẹ” đặc biệt của bé Phi Long - Ảnh: My Lăng

24 ông cha, bà mẹ của Long - Phụng

“Các cô quan tâm hai bé lắm. Hôm nào bé cười, nói, đạp chân... các cô đều nói cho tôi biết. Có lúc mình vô thăm thấy các cô đang ẵm bé đi vòng vòng. Có lần vào thăm nghe con gọi “ba” tôi sướng quá, cứ đứng đờ ra. Xúc động quá, cứ muốn chảy nước mắt... Vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ được 5-10 phút gặp con nên chắc các cô điều dưỡng dạy tập nói, bé mới nói được như vậy” - anh Nguyễn Thanh Phiên (27 tuổi, Ninh Thuận) kể về lần đầu tiên nghe Phi Long gọi “ba”. Phi Long là anh của Phi Phụng. Đây là cặp song sinh dính nhau được nuôi dưỡng đặc biệt tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Mang chuyện này hỏi chị Huỳnh Thị Phương Thảo, điều dưỡng trưởng, chị mỉm cười bảo: “Thấy hai đứa nhỏ tội nghiệp quá. Ở tuổi đó lẽ ra như nhiều đứa trẻ khác là quãng thời gian gần gũi với ba mẹ nhất thì chúng lại không được ở bên ba mẹ. Chúng tôi dạy bọn trẻ tập nói, gọi ba và mẹ vì đó là hai tiếng quan trọng nhất đầu đời”.

Nuôi Long - Phụng ngay từ khi hai đứa nhỏ mới một ngày tuổi cho đến lúc hai bé 14 tháng tuổi và nặng 13kg là một hành trình gian nan không thể nói hết bằng lời. 24 điều dưỡng là 24 bố, mẹ đã ngày đêm tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng Long - Phụng. “Một ngày cho ăn tám cữ. Cứ ba giờ lại cho uống sữa. Y như có con nhỏ” - chị Thảo cười bảo. Cực nhất là tắm thay tã. Do hai bé dính nhau và Phi Phụng phải thở máy nên mỗi khi tắm phải có 3-4 điều dưỡng. Trong lúc hai cô ẵm hai bé từ giường xuống hai cái chậu để sẵn thì có một cô di chuyển máy thở đi theo. Rồi phải có hai cô giữ hai đứa để một cô nữa tắm cho từng đứa một.

Chị Thảo bảo chính những bệnh nhi trong sáng, đầy nghị lực sống lại là động lực cho những người điều dưỡng cố gắng, nỗ lực hơn. “Tôi từng chăm sóc một cậu bé mới 3 tháng rưỡi bị teo thực quản. Bé nằm ở đây 18 tháng. Mỗi lần lấy ven truyền dịch, đau, bé chỉ nhăn mặt ráng chịu đựng chứ không bao giờ khóc. Có lần chích xong, cô điều dưỡng giả bộ nói: con để yên tay chớ nhúc nhích mà nó hư là cô chích lại đó. Đi ra chỗ bàn rồi len lén ngó xem ảnh có nhúc nhích không, ảnh cứ nằm yên nhìn cái tay thấy thương lắm. Có rất nhiều trẻ còn rất nhỏ bị bệnh nặng, đứa nào cũng mổ tới mổ lui nhưng chúng tôi phải nói với nhau rằng: nghị lực sống của tụi nhỏ rất mãnh liệt. Không nói ra nhưng tôi tin chúng tôi ai cũng hiểu rằng: không được phép vì sự vô tâm của mình mà tước đi quyền sống của đứa trẻ... Chúng đáng yêu và tội nghiệp lắm”.

Thương tụi nhỏ nên nhiều lúc phải nhín lại những riêng tư một chút. Điều dưỡng trẻ chưa lập gia đình thì rất khó có bạn trai vì giờ giấc làm việc không giống ai. Người có gia đình lại vất vả kiểu khác. Có hôm chuẩn bị về đón con nhưng phải ở lại vì có một ca nặng mới vô. Có người thì nội ngoại đều ở xa, phải nhờ xe ôm quen hoặc hàng xóm đón giùm. Chị Thảo kể khi con chị gần 3 tuổi, mỗi lần chị đi trực, cháu khóc không cho đi. Chị trốn được đâu hai lần thì phải “làm công tác tư tưởng” với con: mai mẹ đi trực, con ngoan không khóc nha”. Khi cháu lên 5 tuổi, thấy mẹ đi trực cháu lại nhăn: “Mẹ đi trực hoài”. Bây giờ bé đã 12 tuổi. Có lần cháu than với ngoại: “Mấy chị họ sướng lắm ngoại, lúc nào cũng có mẹ ở nhà”.

Chị Thảo mỉm cười bảo: “Cực vậy chớ khi luân chuyển qua khoa nhẹ nhàng hơn lại không chịu đi, khóc lóc, năn nỉ xin ở lại. Giống như làm riết rồi lại có tình cảm với khoa, với bọn trẻ và muốn gắn bó vì muốn được có... trách nhiệm”.

______________

Kỳ tới: Bỏ tham quan để cứu mạng người

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên