Phóng to |
Trích 4 triệu đồng từ tiền tiết kiệm, bác Nguyễn Điền Thạnh (62 tuổi) mang đến báo Tuổi Trẻ ủng hộ chương trình. “Đọc bài viết về nỗ lực vươn lên của các em, tôi thật sự thán phục. Khó khăn trăm bề nhưng sức học của các em vẫn tốt, có em còn vừa đi học vừa đi làm trang trải cuộc sống. Tôi thấy mình nên làm điều gì đó để giúp đỡ các em tùy theo sức của mình”. Với bác Thạnh, đó cũng là cách động viên các tân sinh viên rằng xã hội vẫn luôn đồng hành với các bạn trẻ giàu ý chí.
“Gia đình tôi mong muốn với số tiền nhỏ đóng góp vào quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” sẽ đỡ đần phần nào chi phí ăn học, giúp các bạn sinh viên nghèo học giỏi không phải ngừng học” - anh Lê Ninh Giang, 37 tuổi, đường Nguyễn Phi Khanh (Q.1, TP.HCM) chia sẻ. Các trang báo viết về hoạt động từ thiện vì cộng đồng, những tấm gương hiếu học vượt khó của học sinh, sinh viên nghèo trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn là những vấn đề cả gia đình anh theo dõi.
Mẹ anh Giang mất đã lâu, cha anh - ông Lê Quang Trương - cũng vừa qua đời. Gia đình anh không nhận phúng điếu nhưng với những người bạn thân thiết của người quá cố thì anh Giang thật khó để từ chối. Sau ngày lo ma chay cho cha, gia đình anh Giang quyết định sử dụng toàn bộ số tiền đó để ủng hộ vào quỹ học bổng và giúp đỡ người nghèo khó. “Đây là mong muốn của gia đình và cũng là nguyện vọng của cha mẹ tôi khi còn sống” - anh Giang nói
Gắn bó từ những ngày đầu của chương trình, giáo sư Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói mình muốn “đóng góp một chút để giúp các em như con cháu mình”. Ngày còn là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, giáo sư Cầm có lần bắt gặp hình ảnh một nữ sinh viên gục đầu xuống bàn trong suốt buổi học. Hỏi thì sinh viên này chỉ trả lời rằng do đau dạ dày. Giáo sư Cầm tìm hiểu thêm mới biết em là con nhà nghèo và không bao giờ ăn sáng vì không có tiền, nhiều tháng trôi qua khiến em bị đau dạ dày. Về sau, bà dành nhiều thời gian và cả tiền bạc để hỗ trợ học bổng, tài trợ tiền học hằng tháng cho những em có hoàn cảnh quá khó khăn.
“Số tiền nhỏ chẳng đáng là bao nhưng tôi vui vì có thể đỡ đần chút ít cho nỗi lo cơm áo gạo tiền của các bạn sinh viên nghèo giàu khát vọng học hành. Tôi rất mong được nhìn thấy sự cố gắng và tiến bộ từng ngày ở mỗi bạn. Mong rằng khi các bạn ổn định cuộc sống sẽ có nhiều người khác lại được nhận sự giúp đỡ từ chính các bạn” - anh Đoàn Quốc Long - phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, một người đóng góp cho chương trình - nhắn nhủ.
Tối 12-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 302 của báo Tuổi Trẻ (phối hợp với các tỉnh, thành đoàn và Sở GD-ĐT khu vực miền Đông Nam bộ) sẽ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 125 tân sinh viên các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.HCM. Toàn bộ học bổng lần này là 625 triệu đồng (5 triệu đồng/suất) do Công ty Duy Lợi, Saigon Co.op, nhãn hàng Brand’s, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ. Trong năm học 2011-2012 với sự tài trợ của nhiều tổ chức, công ty và bạn đọc, báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường cho trên 1.300 tân sinh viên trên cả nước với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. |
* Ông Lâm Tấn Lợi (giám đốc Công ty Duy Lợi): Tài trợ học bổng “Tiếp sức đến trường” tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là việc cần làm. Các em đã nỗ lực hết mình để học thật giỏi, để bước vào ngưỡng cửa đại học với hi vọng sau này sẽ có công ăn việc làm ổn định và sống có ích cho xã hội. Tài trợ cho các em chính là tiếp sức để các em có cơ hội học đến nơi đến chốn, sau này ra trường sẽ tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. * Ông Thanyachat Auttanukune (giám đốc phát triển kinh doanh nhãn hàng Brand’s): Trách nhiệm cao với xã hội là một nguyên tắc kinh doanh cơ bản của Công ty Cerebos (nhãn hàng Brand’s) chúng tôi. Do đó, việc tài trợ cho học bổng ý nghĩa này là một trong những cách chúng tôi hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của mình. Chúng tôi cho rằng học bổng này sẽ giúp mang đến cho các bạn sinh viên kém may mắn trong cuộc sống một cơ hội để các em được tiếp tục đến trường. * Bà Lương Thị Liễu (giám đốc nhân sự Saigon Co.op): Việc các em có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng phấn đấu trong học tập, đậu đại học là một điều đáng quý và trân trọng. Việc giúp các em thêm một bước bằng học bổng là cách tốt để các tân sinh viên yên tâm trong việc học tập. Saigon Co.op cũng sẵn sàng tiếp nhận các em sau này nếu các em có nhu cầu vào làm việc tại công ty chúng tôi, với những vị trí phù hợp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận