18/09/2021 12:02 GMT+7

Những nữ anh hùng thầm lặng trong đại dịch

D.KIM THOA (theo Gates Notes, Guardian, NBC)
D.KIM THOA (theo Gates Notes, Guardian, NBC)

TTO - Trong những cuộc khủng hoảng lớn của nhân loại luôn có sự hiện diện của những cá nhân đặc biệt. Họ đến từ mọi lĩnh vực trong đời sống, nhưng điểm chung là việc họ làm không chỉ tạo ra khác biệt, mà còn truyền cảm hứng tích cực tới nhiều người.

Những nữ anh hùng thầm lặng trong đại dịch - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bà Ethel Branch cùng cậu con trai 6 tháng tuổi của bà. Tổ chức thiện nguyện của bà Ethel Branch mang nước sạch tới cho nhiều gia đình trong cộng đồng - Ảnh: Gates Notes

Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 này, có nhiều anh hùng thầm lặng như thế. Họ đến từ nhiều nước khác nhau, không xuất hiện nhiều trên truyền thông song đóng góp của họ với cộng đồng hết sức lớn lao. Bốn phụ nữ đặc biệt này được tỉ phú Bill Gates biểu dương trên trang blog của ông.

Hãy gọi cho sơ Banda

Ở Zambia, khi người dân có bất cứ câu hỏi nào liên quan tới COVID-19, họ sẽ bật đài lên ở tần số FM 99,1 để nghe chương trình của Đài phát thanh Yatsani Community Radio. Khi đó, thông qua các chương trình tương tác với thính giả, người dân sẽ được chia sẻ những lời khuyên bổ ích về phòng ngừa dịch bệnh từ một nữ tu theo đạo Thiên chúa và cũng là nhân viên công tác xã hội - sơ Astridah Banda.

Sơ Banda không phải là bác sĩ, nhưng bà có niềm đam mê đặc biệt về sức khỏe cộng đồng. Khi dịch COVID-19 bùng lên tại Zambia, bà nhận thấy hầu hết các bản tin y tế cộng đồng nói về giãn cách, đeo khẩu trang và hướng dẫn rửa tay phòng bệnh đều bằng tiếng Anh.

Dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại Zambia, song nhiều người dân ở đây vẫn nói một trong 7 thứ tiếng địa phương khác, vì thế họ không thể tiếp cận những thông tin y tế cần thiết để biết tự bảo vệ mình.

Sơ Banda muốn mọi người đều nắm được những thông tin này và tìm cách giải quyết. Tháng 3-2020, bà tới Đài phát thanh Yatsani Community Radio đề xuất ý tưởng mở chương trình phát thanh để bà có thể dịch các thông tin y tế cần thiết cũng như các thông tin quan trọng về dịch bệnh sang các ngôn ngữ địa phương của Zambia.

Chương trình của sơ Banda sau đó đã phát thanh nhiều buổi mỗi tuần và được thực hiện theo hình thức talk show với sự tham gia của nhiều khách mời khác. Bên cạnh nội dung trao đổi về các chủ đề sức khỏe, chương trình cũng tiếp nhận và trả lời mọi thắc mắc liên quan tới dịch bệnh của thính giả nghe đài. 

Giải pháp đơn giản, nhanh chóng và mang lại hiệu quả thiết thực của sơ Banda đã góp phần không nhỏ giúp người dân Zambia có thêm kiến thức tự bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Những nữ anh hùng thầm lặng trong đại dịch - Ảnh 2.

Sơ Astridah Banda (phải) chuẩn bị ghi âm chương trình nâng cao nhận thức về COVID-19 tại phòng thu Đài phát thanh Yatsani Community Radio ở Lusaka, Zambia

Cô ấy yêu công việc khó chịu

Là nhân viên xét nghiệm COVID-19 tại Bangalore (Ấn Độ), chị Shilpashree A.S. thường xuyên phải khoác lên người mỗi ngày đủ loại dụng cụ bảo hộ y tế như quần áo, găng tay, khẩu trang. Mặc chừng ấy thứ đã đủ nóng nhưng chị còn phải chui vào một chiếc hộp kín bao quanh bốn phía, chỉ hở ra hai lỗ cho cánh tay thò qua để lấy mẫu xét nghiệm cho từng người trong hàng dài xếp chờ mỗi ngày.

Công việc thực sự rất vất vả. "Trời nóng và rất khó chịu", chị Shilpashree A.S. nói về nhiều giờ liên tục đứng làm việc bên trong cái hộp kín với bộ đồ bảo hộ bức bí.

Nhưng thách thức không chỉ là những giờ làm việc đằng đẵng như vậy. Để ngăn ngừa lây nhiễm, sau giờ làm, chị Shilpashree A.S. cũng không được về nhà với gia đình. Trong suốt 5 tháng năm rồi, chị chỉ có thể liên hệ với người thân qua các cuộc gọi video.

"Tôi vẫn chưa được gặp và ôm các con", chị kể. Dù vất vả, cực nhọc song người phụ nữ này chia sẻ nếu được chọn lại chị cũng sẽ không làm việc khác. 

"Mặc dù việc này đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng tôi yêu nó. Nó khiến tôi hạnh phúc", chị chia sẻ. Nhìn gương mặt tươi tắn của chị bên chiếc máy tính nhập liệu kết quả xét nghiệm mỗi ngày khi đã được thoát khỏi những đồ bảo hộ nóng nực, ai cũng tin đó là những chia sẻ thực tâm của người phụ nữ đôn hậu này.

Những nữ anh hùng thầm lặng trong đại dịch - Ảnh 3.

Chị Shilpashree A.S. đứng trong chiếc hộp kín, chỉ hở ra hai lỗ để thò tay ra lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm y tế Jigani Primary ở Bengaluru, Ấn Độ - Ảnh: Gates Notes

Câu trả lời nằm trong mỗi chúng ta

Khi những ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại xứ Navajo và khu bảo tồn Hopi (nơi sinh sống của những tộc người Mỹ bản địa Navajo và Hopi ở đông bắc bang Arizona, Mỹ), bà Ethel Branch, một cựu luật sư, đã rất lo lắng khi nhận thấy cộng đồng của bà đang không có đủ những công cụ cần thiết để chống dịch.

Ở đây có nhiều người lớn tuổi đang sống trong các khu vực không điện, nước và rất cần sự giúp đỡ. Cùng với 11 phụ nữ người Navajo khác, bà Ethel Branch khởi động trang kêu gọi hỗ trợ trên GoFundMe và thành lập tổ chức có tên Navajo Hopi Solidarity để giúp những người lớn tuổi, các gia đình có cha/mẹ đơn thân nuôi con, những hộ gia đình nghèo khó trong cộng đồng hơn 350.000 dân.

Ban đầu bà chỉ hy vọng kêu gọi được khoảng 5.000 USD để giúp vài chục người lớn tuổi có lương thực, nước sạch và đồ bảo hộ y tế cá nhân, nhưng thật bất ngờ khi sáng kiến hỗ trợ của bà đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà hảo tâm và kêu gọi được gần 18 triệu USD, trong đó có 10 triệu USD từ bà MacKenzie Scott - vợ cũ của tỉ phú Jeff Bezos.

"Những câu trả lời nằm trong mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta đều có thể đưa ra những lựa chọn và hành động để có thể tạo nên tác động tích cực cho cộng đồng của mình", người phụ nữ này chia sẻ về công việc thiện nguyện của mình. Chiến dịch vận động của bà Ethel Branch đã gây ấn tượng rất lớn vì mức độ lan tỏa cũng như hiệu quả của nó.

Người phụ nữ của một triệu bánh xà phòng

Gần đây, nhiều tờ báo nước ngoài đưa tin Taliban đã sát hại ba nhân viên của chương trình tiêm chủng vắc xin phòng bại liệt ở Afghanistan. Dù Taliban đã bác bỏ tin này, nhưng đúng là đã xảy ra chuyện ba người bị giết trong hai cuộc tấn công tại thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar. Trong ba người xấu số đó có chị Basira Popul, một trong những phụ nữ từng được tỉ phú Bill Gates nhắc đến trên blog của ông.

Trong suốt 4 năm trước khi dịch COVID-19 bùng lên, chị Basira Popul là một nhân viên tận tụy trong công tác phòng ngừa bại liệt ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Mỗi ngày chị tới từng nhà để tiêm vắc xin ngừa bại liệt cho mấy đứa nhỏ và giúp xóa bỏ dần căn bệnh tai nghiệt này trong cộng đồng.

Khi dịch COVID-19 xảy đến, các quy định giãn cách xã hội phòng dịch buộc các nhân viên như chị Basira phải tạm dừng chiến dịch tiêm chủng, nhưng họ không chỉ ngồi đó chờ dịch qua đi. Chị Basira Popul và các cộng sự lại tìm ra các cách khác để giúp cộng đồng trong đại dịch.

Cùng với mọi người, chị Basira Popul tới tận nhà phân phát xà phòng, hướng dẫn mọi người cách giữ vệ sinh, khử khuẩn để phòng COVID-19. Nhóm công tác cộng đồng của chị Basira Popul đã phát được hơn một triệu bánh xà phòng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhiều gia đình ở Afghanistan trong đại dịch. Cái chết của 3 nhân viên nói trên đã khiến Afghanistan phải tạm dừng chương trình tiêm chủng phòng bại liệt một thời gian sau khi vừa khởi động lại được một ngày.

Những phụ nữ dốc lòng mùa dịch Những phụ nữ dốc lòng mùa dịch

TTO - Tại các phường, xã của TP.HCM, những ngày này chị em phụ nữ dốc lòng dốc sức giúp tuyến đầu an tâm chống dịch, từ bữa ăn đến ly nước và nhiều việc không tên khác…

D.KIM THOA (theo Gates Notes, Guardian, NBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên