29/12/2019 08:42 GMT+7

Những 'người nhện' xuyên Việt - Kỳ cuối: Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đèo Lò Xo của Tây Nguyên ngày ấy rất khắc nghiệt, thú dữ nhiều. Anh em nghe nói khu vực vị trí cột từ 1962-1972 có ông cọp điếc.

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ cuối: Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei - Ảnh 1.

Công nhân sửa chữa tuyến đường dây 500kV mạch 1 - Ảnh: PTC2

Ngày ngày đi làm về, ai cũng máu đỏ lòm người vì bị vắt rừng tấn công.

Một thời khó quên

Tháng 6-1994, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 - mạch máu truyền tải điện quốc gia - được đưa vào vận hành với 10 đội truyền tải điện quản lý.

25 năm trước, sinh viên mới ra trường Nguyễn Khánh Thành (hiện công tác tại Đội truyền tải điện Cẩm Lệ) là một trong những người đầu tiên tham gia quản lý, vận hành đường dây này. "Đúng ngày 29-3-1994, tổ chúng tôi nhận quyết định lên Giằng, giờ là thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam). Đến tháng 6-1994 thì đóng điện xung kích cho điện chạy trên dây chứ không có tải. Nói thị trấn nhưng chỉ có 3-4 mái nhà. Còn nhà cho cán bộ, công nhân viên ở chưa xây xong" - Thành nhớ lại.

Tổ có bốn người. Anh em toàn sinh viên mới ra trường, 20-21 tuổi, chia nhau vừa nấu cơm vừa kiểm tra tuyến. "Tụi mình là những người đầu tiên của đường dây 500kV của Việt Nam nên vừa làm vừa học. Ngày xưa vất vả kinh khủng. Thực sự nếu không yêu nghề, không trách nhiệm thì bỏ việc hết" - anh Thành tâm sự.

Cái vất vả đó từ khí hậu, nguồn nước. Khí hậu Nam Giang rất khó chịu. Xung quanh là núi đá vôi, trưa nắng kinh khủng, tối lại lạnh buốt xương. Đất thì bị nhiễm vôi rất nặng, không thể dùng làm nước sinh hoạt. Mỗi khi nấu cơm, muốn lấy nước phải đi xa 2km xuống sông lấy nước. 

Mấy năm sau, công ty khoan giếng sâu mấy chục mét vẫn bị đá vôi, không sử dụng được. Rừng thiêng nước độc, anh em bị sốt rét nhiều. Ăn cơm phải ngồi trong mùng ăn. "Ở đó nắng thì bụi, mưa thì bùn lầy. Mùa khô, lỗ mũi bụi đóng thành bùn, người ngợm vàng hoe hết. Mùa mưa thì ẩm ướt suốt ngày, đêm buốt thấu xương" - anh Thành kể.

Chỉ cách Đà Nẵng 60km nhưng hơn ba tháng anh em mới về thăm nhà được một lần. Hồi đó, một ngày chỉ có một chuyến xe chở thực phẩm lúc 2h sáng đi ngang qua Giằng. Những người ở Giằng xin đi ké về Đà Nẵng. Gian khổ là vậy, nhưng những công nhân truyền tải điện vẫn tự tạo niềm vui vượt thử thách. 

"Tối anh em lên bể nước ngồi chơi, đàn hát, vui lắm, lấy xoong nồi làm trống. Có cây đàn ghita ba dây cũng chơi được" - anh Thành mỉm cười nhớ lại thời thanh xuân không thể quên.

Với những công nhân truyền tải điện đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 thế hệ đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên, nỗi ám ảnh nhất là "ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei". Anh Nguyễn Lương Đông nhớ lại: "Cứ đi làm về, anh nào anh nấy máu me đầy người vì vắt rừng cắn. Tay chân rướm máu. Còn ruồi vàng thì cắn ngứa kinh khủng, ngứa chảy nước cả tuần. Có lần xe đi trong rừng bị xịt lốp, tôi nhảy xuống sửa thì ruồi vàng bu tới. Tới mùa gió thì kinh lắm! Gió mạnh liên tục suốt ngày suốt đêm. Anh em leo trụ rất nguy hiểm. Ai cũng phải bịt kín người. Nhà cửa đóng kín".

Anh Nguyễn Văn Sinh, hồi ấy là đội trưởng đội quản lý vận hành đường dây 500kV Kon Tum kiêm phó Truyền tải điện Kon Tum - Gia Lai (hiện là phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 2 thuộc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện), kể khi đi kiểm tra tuyến khu đèo Lò Xo, họ còn gặp nhiều thùng chất độc dioxin lăn lóc bên bờ suối. "Khi thấy rồi, tôi không cho anh em uống nước suối nữa. Khát mấy cũng không được uống" - anh Sinh nói.

Nhớ lại thời kỳ gian khổ, anh Sinh tâm sự thêm: "Đường lên tuyến chỉ có đất với đá lại dốc, xấu đến nỗi không thể "cõng" nước lên được. Anh em đi kiểm tra tuyến mang một chai nước lít rưỡi mà có lúc mệt quá thà vất chai nước. Đi lên bằng đầu gối, đi xuống bằng mông. Leo lên không đã bị té, chứ đừng nói còn mang theo vật nặng. Cầm theo chai nước không đi được. Chân sưng phồng thì lấy lá rừng đắp cầm máu. Giày dép anh em rách bươm hết. Đang ở rừng mà xuống đồng bằng đi chân không trên đường nhựa cũng thấy sướng như đi trên thảm".

Những người nhện xuyên Việt - Kỳ cuối: Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei - Ảnh 2.

Đi trên dây cao chót vót là kỹ năng không phải người thợ truyền tải điện nào cũng có được - Ảnh: Quang Thắng

Gặp cọp giữa đèo đêm

"Ngày xưa đi kiểm tra đêm gian khổ kinh lắm - anh Nguyễn Văn Sinh chia sẻ - Mỗi lần kiểm tra đêm phải đợi cuối tháng trời tối mực mới đi kiểm tra. Từ lúc 14-16h đã chở quân đi rải để tối là kịp đến nơi. Mỗi tuyến dây gần 20km. Mỗi nhóm đi bộ 5km. Ban ngày đi 3 tiếng thì đêm đi 5-7 tiếng. Một tiếng chỉ đi được 2km là mệt há họng. 

Toàn đèo, leo trèo lên đá, lên dốc, cứ hết đồi này qua đồi khác. Mỗi một trụ nằm ở một quả đồi. Muốn qua được trụ kia phải xuống đồi, qua thung lũng, leo lên quả đồi khác. Về tới nhà gần 3-4h sáng. Sức khỏe yếu không đi nổi".

Anh Sinh bảo leo trụ điện cao chót vót vậy chứ anh em công nhân không sợ bằng leo đồi ban đêm. Ban đêm chỉ có đèn pin là ánh sáng duy nhất. Công nhân đường dây bị trượt xuống đồi như cơm bữa, bị lật sơmi chân, sây sát. Trong vườn, trong nhà bếp anh em truyền tải điện ngày ấy lúc nào cũng có sẵn gừng để giã, đắp vô chân.

"Có lần một nhóm hai công nhân đến 3-4h sáng vẫn không thấy ra vị trí tập kết để xe đón về. Gọi bộ đàm không nghe. Anh em mất hồn. Biết đoạn trụ mà hai bạn đó kiểm tra đi qua thác Đắk Chè, cả đội tập trung vòng ngược lại tìm" - anh Sinh kể. 

Không ngờ anh em bị trượt thác thật. Người bị trượt xuống thác là Trịnh Thanh Hội, nhưng may là bị đá thác móc giữ lại, không là trôi xuống vực. Anh em gọi tên, nghe thấy từ dưới thác có tiếng la vọng lên. 

"Anh em đu dây xuống, thấy hắn bị móc nằm giữa suối, máu chảy lai láng. Người đi cùng tìm cách giăng dây cứu nhưng đèn pin cũng bị trôi xuống thác, không nhìn thấy gì sao kéo lên được. Máy bộ đàm cũng trượt trôi theo nước nên không gọi được. Tối mịt mùng giữa rừng đêm, vừa thương vừa sợ vừa lạnh" - anh Sinh tâm sự.

Đèo Lò Xo của Tây Nguyên ngày ấy rất khắc nghiệt, thú dữ nhiều. Anh em nghe nói khu vực vị trí cột từ 1962-1972 có ông cọp điếc. "Sợ lắm nhưng vì công việc vẫn phải liều đi - anh Sinh bảo - Có lần lái xe chạy gần tới vị trí chở anh em về thì thấy ông cọp lù lù giữa đường! Hai công nhân ngồi cùng run khựng. Lái xe không dám bóp còi cũng không dám đi tiếp, ngồi im một chặp đợi ổng qua. Báo cho anh em các nhóm leo hết lên trụ điện, đợi một chập êm xuôi mới tụt xuống. Mỗi lần anh em đi là cứ trông tới sáng về kiểm tra xem có đủ không"...

"Mùa mưa, nước dâng lên giếng làm ngập máy bơm. Một anh công nhân trực ca sực nhớ chưa kéo máy bơm lên. Ảnh tụt dây xuống định buộc dây vô máy bơm để đội trưởng kéo lên. Không ngờ giếng có khí độc, ảnh rơi xuống. Đội trưởng chụp dây giữ lại, hô anh em tới rị dây lên, nhưng đưa ảnh lên gần tới nơi thì tụt dây mất! Ảnh rơi ở độ cao gần 30m! Đêm tối không biết làm sao đưa ảnh lên. Đưa đèn cầy xuống, mới xuống một đoạn là tắt! Anh em phải dùng móc sắt thả xuống móc vào quần áo kéo ảnh lên, chở về quê ngay trong đêm đó!" - anh Sinh xúc động nhớ lại những hi sinh thầm lặng của người lính truyền tải điện.

Mua nhà ở Hà Nội giờ có thể chỉ cần trả trước một phần, ngân hàng sẽ cho vay. Nhưng sự thật để có một tổ ấm không hề dễ dàng như những thước phim quảng cáo của công ty bất động sản. Và đó là 1.001 chuyện bi - hài đi tìm tổ ấm ở Hà thành.

Mời độc giả đón đọc hồ sơ: Đi tìm tổ ấm ở Hà Thành

Những Những 'người nhện' xuyên Việt

TTO - Để đảm bảo dòng điện thông suốt, những người thợ truyền tải điện khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm lặng lẽ làm việc gian nan, hiểm nguy, bất chấp vực sâu hay núi cao, trưa hè đổ lửa hay đêm đông rét buốt...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên