Những người lính truyền tải điện phải vác từng can nước lên núi dập lửa, cứu các trụ điện siêu cao áp - Ảnh: TRẦN THANH PHONG
Thành bảo: "Anh em đi hơn 20km đường rừng xuyên đêm. Sợ thú dữ nhưng không đi không được. Tụi tôi có lần thấy con trăn to bằng cái đùi!".
Anh em truyền tải điện phải đi bộ 1,5km mới có suối để xách từng can nước lên núi dập lửa. Dốc đứng. Đi người không đã mệt, lại còn phải xách can nước 20 lít. Đến 15h30 thì xử lý xong, nhưng 18h thì cháy lại. Đêm đó, 23h anh em mới về nhưng ở lại đơn vị trực.
Lê Văn Cảnh
"Đội xuyên Việt"
Công ty Truyền tải điện 2 quản lý gần 1.400km đường dây 500kV và 700km đường dây 220kV trải dài từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến Quảng Ngãi, vào Kon Tum và huyện Chư Pả của Gia Lai. Riêng Đội truyền tải điện Cẩm Lệ (Truyền tải điện Đà Nẵng - Công ty Truyền tải điện 2) quản lý hơn 300km đường dây 500kV và 220kV địa bàn Đà Nẵng và một phần Quảng Nam.
Ở thành phố Đà Nẵng nhưng nơi làm việc của những kỹ sư, công nhân truyền tải điện lại trên con đèo hiểm trở Hải Vân. Và đa số trụ cao áp 500kV khu vực đều trên đỉnh núi đồi. Có những trụ thấy trước mặt nhưng đi bộ từ sáng đến trưa mới tới. Đồi thì dốc đến nỗi đi từ trên xuống người cứ bị chúi xuống, phải chạy. Mưa thì họ đi bằng mông như lết xuống.
"Như trụ 1648, dốc trượt kinh khủng lắm, một hai ba mà chạy chứ không đi được - anh Thành bảo - Hồi xưa lúc thi công, ximăng, đá, cát phải đưa lên bằng máng chứ xe không lên được. Trụ 1650 cũng dốc kinh. Dốc 45 độ. Hồi làm tường chống vị trí trụ 1650, toàn phải đi bộ đưa vật liệu lên. Mỗi lần xuống lấy được có hai xẻng cát, hai xẻng ximăng. Đường toàn cây, gốc cây, đi toàn leo đồi cao rồi xuống dốc, đầu gối nó run. Có cán bộ đi kiểm tra ngất giữa đường".
Ở đây vì đường dây có nhiều xuất tuyến (nhiều đường dây 220kV và 500kV nên nhiều mạch), kỹ sư, công nhân phải leo trụ rất nhiều: một tháng trèo lên trụ ba lần để sửa chữa lớn. Trời nắng leo trụ, anh em phải mang bao tay.
Trèo tay trần bị bỏng vì các trụ, thanh giằng hấp nhiệt lên đến 60 độ. "Anh em leo trụ nhiều nên cháy nắng đen thui, ngồi lâu là nám mông", Thành thiệt tình kể. Còn anh Nguyễn Trường Đức (đội trưởng Đội truyền tải điện Cẩm Lệ) thì bảo lên trụ cao có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn: "Dân truyền tải điện phải có sức khỏe cực tốt vì lên cao dễ bị choáng, chóng mặt, lại phải làm việc trong nhiều tiếng. Có khi làm 8 - 9 tiếng trên dây".
Anh cho biết thêm đường dây 500kV mạch 1 đã 25 năm với hàng ngàn trụ điện nên năm nào cũng phải thay sứ mới. Việc thay sứ rất nặng nhọc, vất vả. Mỗi đợt thay sứ, anh em kỹ sư, công nhân phải vận chuyển hàng tấn sứ lên trên trụ. "Một bát sứ nặng 9-10kg. Anh em muốn làm nhanh phải chịu khó vác nặng. Có người vác sáu bát sứ, khoảng 50-60kg. Tôi chỉ vác được ba bát thôi. Lên trên trụ phải tháo sứ cũ vận chuyển xuống rồi đưa sứ mới lên thay", đội trưởng Đức nói.
Trèo lên trụ cao đã chóng mặt, họ còn phải đi ra dây làm việc. Công nhân đeo dây an toàn, rồi một chân trước, một chân sau đi ra dây như diễn viên xiếc, dùng hai tay giữ thăng bằng.
Đội trưởng Đức cho biết đội có 20 người ra dây được, nhiều công nhân chuyên nghiệp lâu năm trong nghề cũng không ra dây được.
Ra đến giữa dây có độ võng, không giữ được thăng bằng là lật. Số người lật xuống mà lên được chỉ có 4-5 người, còn lại phải có người hoặc phương tiện hỗ trợ để lên lại dây. Công nhân truyền tải điện phải có kỹ năng làm việc trên cao: nhanh và chuẩn để sớm hoàn thành công việc mà đóng điện trở lại.
Hiện nay anh em truyền tải điện còn làm vệ sinh hotline (xịt nước vào đường dây điện áp 500kV để vệ sinh đường dây). Công việc này vất vả và không kém phần nguy hiểm.
"Nước để xịt rửa hotline là nước cách điện nhưng vẫn sợ có bất thường. Khi sửa chữa nóng, anh em đứng trên trụ xịt rửa sứ, cường độ điện trường rất cao. Người công nhân dù chỉ làm 1-2 tiếng vẫn ảnh hưởng sức khỏe. Dù đã đặt các sợi tiếp địa chống điện giật nhưng vẫn có nguy cơ rò điện. Kể cả khi cắt điện, đường dây này vẫn có điện cảm ứng. Có khi đang thao tác, sét đánh gần đường dây, nghe lẹt xẹt bên tai!", anh Thành kể.
Một công nhân dập cháy lan - Ảnh: TRẦN THANH PHONG
Cõng nước chữa cháy rừng
Lính truyền tải điện ở đèo Hải Vân không chỉ có núi cao, vực thẳm, rừng sâu, sương giá buốt lạnh, đá lăn... mà còn bão gió, cháy rừng, sạt lở. Như lần sạt lở vị trí trụ 1650 của mạch 1 và 0603 của mạch 2 trên đèo Hải Vân năm 2006. Hay như sự cố đứt dây trên đèo Hải Vân khi bão chuẩn bị đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2013.
"Gió trên đỉnh trụ ở đỉnh đèo Hải Vân lúc đó hơn cấp 6 - anh Thành kể - Nếu không thi công kịp, bão vào sẽ gây mất điện mà không đóng điện được luôn. Không làm chắc chắn không đóng điện được. Bắt buộc phải làm vì đây là trường hợp đặc biệt. Tôi trèo trên trụ phải đeo ba sợi dây an toàn, bình thường chỉ cần một dây thôi".
Không chỉ có bão gió, sạt lở, lính truyền tải điện ở đây còn chữa cả cháy rừng. Gần đây nhất, 11h25 ngày 30-6-2019, khi phát hiện đám cháy ở khu vực đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng (gần đỉnh đèo Hải Vân) thuộc địa phận huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), lính truyền tải điện phải vác từng can nước lên núi chữa cháy.
Anh Lê Văn Cảnh, một trong những người tham gia chữa cháy rừng đợt đó, nhớ lại: "Đám cháy từ dưới vực phía tây đèo Hải Vân cháy lên gần trụ 0501 của mình. Nếu để đám cháy lan rộng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam.
Hôm đó là chủ nhật, tổ mình đang đưa gia đình đi du lịch ở Hội An. Nghe điện báo có cháy là để mấy bà vợ ngồi đó, mấy ông chồng bắt xe về ngay. Có năm đơn vị tác chiến nhưng các xe phòng cháy chữa cháy không chạy lên được. Đường ống xe cứu hỏa chỉ dài 300m. Mà từ chỗ xe cứu hỏa đậu lên chỗ cháy cao 850m".
Ngọn lửa cao khoảng 10m. Đám cháy có nguy cơ lan lên tới trụ điện nằm trên đỉnh. Không có đường, mọi người phải vừa đi vừa phát mở đường rồi chặt những cây cao ngăn không cho đám cháy lan vào đường dây.
"Đi nửa con dốc thì đám cháy vượt qua. Gió. Nóng. Cháy rất nhanh. Mình nghe tiếng lá cây nổ tách tách, thở không được, bảo tất cả chạy ngược lên. Vừa tới, lửa ập qua! May trước đó mình đã xử lý những gì có nguy cơ bị ảnh hưởng nên không ảnh hưởng đến đường dây", anh Cảnh vẫn còn hồi hộp khi nhớ lại.
Trước đó chỉ hai ngày, một đám cháy rừng rất lớn xảy ra ở khu vực thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã gây sự cố đối với đường dây 500kV dẫn đến nguy cơ tách đôi hệ thống điện Bắc và Trung - Nam. Với quyết tâm bảo vệ "mạch máu truyền tải điện quốc gia", Công ty Truyền tải điện 2 đã huy động toàn bộ lực lượng đi chữa cháy, cứu hệ thống lưới điện.
Đến 20h, đám cháy được khống chế. Kiểm tra bốn khoảng trụ từ 1526 đến 1529 (dài hơn 1km đường dây 500kV), anh em nhẹ hẳn người khi thấy đường dây vẫn đủ điều kiện vận hành an toàn. 21h đêm đó, đường dây đã được đóng điện trở lại.
"Ở đó, nắng thì bụi, mưa thì bùn lầy. Mùa khô lỗ mũi bụi đóng thành bùn, người ngợm vàng hoe hết. Mùa mưa thì ẩm ướt suốt ngày, đêm buốt thấu xương"...
>> Kỳ cuối: Ruồi vàng, bọ chó, gió Đăk Glei
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận