11/08/2023 10:27 GMT+7

Những người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 3: Trận sạt lở chết người và nỗ lực chàng trai trẻ

Ngôi nhà của họ đột ngột biến mất. Thân xác họ cũng không ở bệnh viện hay nhà xác.

Bah đang phát biểu tại Đại học Kinh tế Harvard - Ảnh: CNN

Bah đang phát biểu tại Đại học Kinh tế Harvard - Ảnh: CNN

Cho đến khi tìm kiếm chút dấu vết của họ trên tin tức, chàng trai trẻ lúc này đã biết gia đình nhận nuôi mình - những người đã cho anh nơi nương tựa khi anh khốn cùng nhất - không còn ai sống sót sau trận lở đất kinh hoàng.

Từ cú sốc mất người thân

Ba ngày mưa như trút nước ở Sierra Leone, đất nước ở Tây Phi đã nhường chỗ cho lớp bùn màu nâu đỏ chảy xuống sườn núi Sugarloaf. Hố sụt mở toang hoác. Người dân ở nơi đây cho biết đã nghe thấy tiếng nứt vỡ như tiếng sấm hoặc tiếng bom, trước khi mặt đất sụp đổ.

Alhaji Siraj Bah, chàng trai trẻ ngày ấy nay đã 24 tuổi, có thể đã ở nơi thảm họa đó vào buổi sáng tháng 8-2017 nếu ông chủ anh không gọi đi trực ca đêm.

Anh có thể đã ở chung phòng ngủ với người bạn thân nhất của mình, Abdul, người mà anh vẫn thường gọi là anh trai. Vào thời điểm sạt lở, anh đang quét sàn nhà máy cung cấp nước uống khi 1.141 người chết và mất tích, bao gồm cả gia đình Abdul.

Anh nhớ lại: "Trong tôi lúc đó hoàn toàn sụp đổ. Vì thế tôi biết mình cần phải hành động ngay". Bốn năm sau, Bah điều hành công việc kinh doanh của riêng mình với gần 30 nhân viên hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: giảm bớt việc chặt cây ở Sierra Leone - việc thiếu hụt cây xanh là nguyên nhân mà các nhà khoa học cho rằng sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở đất.

Thế nên, anh đã khuyến khích người dân chuyển từ sử dụng than củi sang than làm từ dừa vụn. Điều này phù hợp nhất với thực tế của Sierra Leone.

Bah chia sẻ rằng: "Phần khó nhất là phải thuyết phục được người dân về tính khả thi của giải pháp này, vì họ đã quen sử dụng than củi". Sierra Leone đã mất 30% diện tích rừng che phủ trong hai thập niên qua, theo Global Forest Watch, một chương trình theo dõi nạn phá rừng quốc tế.

Bah nhận thấy những người đàn ông trong khu phố của mình khai thác gỗ hầu như hằng ngày, mục đích để làm nhà ở và làm than củi, nhiên liệu chính cho việc nấu ăn.

Công nhân của Bah đang dập bánh than từ vỏ dừa - Ảnh: Washington Post

Công nhân của Bah đang dập bánh than từ vỏ dừa - Ảnh: Washington Post

Thần tượng Mark Zuckerberg

Ngược trở lại thời niên thiếu, Bah đã học hỏi rất nhiều từ Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Facebook. Theo lời mẹ anh chia sẻ, vì được truyền cảm hứng từ thần tượng của mình, Bah càng có quyết tâm sẽ làm nên điều lớn lao.

Không may cha anh qua đời hai năm sau đó, gia đình mất đi người trụ cột chính để chăm sóc cho anh và em gái. Vì vậy, năm 12 tuổi, anh trốn ra khỏi nhà và đến Freetown, thủ đô Sierra Leone.

"Tôi coi đó là miền đất hứa. Tôi nghĩ nếu tôi đến đây, tôi có thể nuôi sống cả gia đình mình", anh nói. Bah sống trên đường phố trong bốn năm, rửa xe để kiếm ăn. Sau đó, anh gặp Abdul trên một sân bóng và cả hai trở nên thân thiết. Anh chuyển đến sống cùng gia đình cậu ấy trong chín tháng trước khi trận lở đất kinh hoàng xảy ra.

Foday Conteh, 23 tuổi, người đã gặp Bah khi cả hai sống trên đường phố, cho biết: "Sau trận lở đất kinh hoàng đó, anh ấy luôn đắm chìm vào YouTube. Bah luôn bị ám ảnh bởi việc tìm cách ngăn chặn nạn phá rừng".

Bah đã say mê xem đoạn phim ngắn về một người đàn ông ở Indonesia chế tạo than thay thế từ vỏ dừa. Không chỉ thế, có rất nhiều người khác đang làm điều tương tự ở Ghana và Kenya: thu gom dừa vụn, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, nghiền nhỏ và sau đó là đốt chúng trong thùng thép.

Anh quan sát những người thợ trộn bột đen với chất kết dính như bột sắn. Sau đó họ cho hỗn hợp vào một chiếc máy để tạo ra những ổ bánh và cắt chúng thành khối vuông. "Nó là một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời", Bah nói.

Anh tiếp tục nghiên cứu chủ đề này trên máy tính của sếp mình. Chiếc máy tạo ra những ổ bánh đó có giá khoảng 3.000 USD, vì vậy Bah đã bày tỏ nguyện vọng được làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Vợ của ông chủ Bah, Ejatu Sesay, nhớ lại: "Anh ấy còn quá trẻ, nhưng quyết tâm trong Bah thật khiến người ta phải khâm phục".

Chỉ riêng tiền lương thôi chưa đủ, anh quyết định làm theo kế hoạch của một doanh nhân trẻ khác mà anh đọc được ở Uganda, người đã bắt đầu kinh doanh túi tái chế với 18 đô la. Bah đến các cửa hàng quanh thị trấn, mong muốn được ứng trước một nửa số tiền để mua lại những chiếc túi thời trang làm từ giấy bỏ đi.

Một người quản lý đồng ý, và Bah đã có vốn để làm ra 1.000 chiếc túi. Đơn đặt hàng mất năm ngày để hoàn thành và thu về cho anh 100 đô la. Từ đó, ngày càng có nhiều khách hàng hơn xuất hiện. Chỉ trong vòng vài tháng, chàng trai trẻ đã mua được chiếc máy cần thiết để sản xuất than bánh từ vỏ dừa.

Làm than từ vỏ dừa vất đi để cứu cây xanh

Chứng kiến cây xanh bị tàn phá dẫn đến sạt lở đất làm chết người, Bah luôn đau đáu việc bảo vệ và trồng thêm thảm cây xanh - Ảnh CNN

Chứng kiến cây xanh bị tàn phá dẫn đến sạt lở đất làm chết người, Bah luôn đau đáu việc bảo vệ và trồng thêm thảm cây xanh - Ảnh CNN

Đầu tiên Bah cần rất nhiều vỏ dừa, và anh đã kiếm được nguồn cung từ những người bán nước trái cây vứt xung quanh thành phố. Sau đó anh tìm hiểu thêm về loại than này trên mạng.

Nghiên cứu ở Ghana đã chỉ ra rằng than bánh làm bằng vỏ dừa sẽ cháy âm ỉ lâu hơn gấp đôi so với than củi. Đó là điểm mấu chốt để hút khách của Bah: Khách hàng chắc hẳn sẽ muốn tiết kiệm tiền nhiều nhất có thể, bên cạnh đó, lợi ích cho môi trường sẽ là yếu tố bổ sung để thuyết phục được họ.

Theo báo Washington Post, anh đã liên hệ với Sulley Amin Abubakar - một doanh nhân ở Ghana, người thành lập một đế chế than bánh dừa.

"Bah có vẻ rất đam mê, giống như anh ấy thực sự muốn tạo ra sự khác biệt vậy", Abubakar kể thêm đã chia sẻ các bí quyết cho quy trình của Bah, nhờ đó nỗ lực thứ hai của Bah gặt hái được thành công.

Danh sách khách hàng đã tăng lên, bao gồm cả các cửa hàng tạp hóa xung quanh Freetown. Anh rời xưởng và dựng tạm một chỗ ở nhỏ ngoại ô thủ đô.

Anh đặt tên cho công ty mình là Rugsal Trading theo tên mẹ anh (Rugiatu) và cha anh (Salieu). Anh cũng nộp đơn xin tài trợ trên khắp châu Phi và Hoa Kỳ.

Liên Hiệp Quốc đã vinh danh anh là người lọt vào vòng chung kết "Nhà vô địch trẻ tuổi của Trái đất" năm 2019. Anh được mời để thuyết trình tại một hội nghị khởi nghiệp ở Trường Kinh doanh Harvard, nơi Bah giành được giải thưởng trị giá 5.000 đô la.

Công ty Rugsal đã phát triển từ miếng đất nhỏ chỉ đủ xây một căn phòng lên đến hơn 3 hecta đất bao la bên ngoài thành phố.

Vào một buổi sáng đẹp trời, Bah đi dạo quanh khu đất của mình, qua những thửa ruộng trồng cà chua và ớt chuông, đến một khoảng đất trống nơi hai công nhân đang chuyển vỏ dừa vào thùng thép.

Gần đó, bốn công nhân khác điều khiển ba chiếc máy đóng bánh, nghiền trấu vào máy xay. Một người khác ngồi xổm trên mặt đất, cắt những ổ bánh thành những miếng vuông.

Sau khi chúng đã khô rang dưới cái nóng tháng 10, Bah sẽ kiểm tra từng chiếc bằng một cái giậm chân. Bất cứ thứ gì vỡ vụn dưới ủng của anh đều có nghĩa đã không qua được bài kiểm tra. Doanh nghiệp của anh đã sản xuất được 9 tấn trong tháng đó.

"Tôi từng là một cậu bé vô gia cư - Bah nói - Và bây giờ, vào tháng khi tình hình thuận lợi, chúng tôi có thể kiếm được 11.000 đô la doanh thu". Nhưng quan trọng nhất là những bánh than vỏ dừa anh bán ra đã cứu được nhiều cây xanh.

Nhưng nạn phá rừng vẫn khiến Alhaji Siraj Bah lo lắng. Than củi vẫn là vua ở châu Phi - lục địa này chiếm 65% sản lượng than củi toàn cầu và mọi người vẫn không ngừng chặt cây trên núi Sugarloaf.

Tổng thống Sierra Leone đã thề sẽ ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030 tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 ở Glasgow, và Bah hy vọng ông sẽ giữ lời.

Chàng trai người Tây Phi vừa đặt hàng một dây chuyền lắp ráp từ Trung Quốc để công ty có thể sản xuất 8 tấn bánh than một giờ. Bah cũng ấp ủ kế hoạch mở rộng công việc này sang Guinea và Liberia, bởi những cánh rừng ở đó đang bị đe dọa.

----------------

"Cả thế giới đang trở nên ý thức hơn về mối liên hệ của chúng ta, tức con người với động vật và thiên nhiên"...

Kỳ tới: Người bạn của sư tử hoang dã

Những người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 2: Tôi và bạn cùng có trách nhiệmNhững người góp phần bảo vệ hành tinh - Kỳ 2: Tôi và bạn cùng có trách nhiệm

Trong một buổi nói chuyện trên mạng truyền thông TED, nhà phát minh gốc Úc Saul Griffith muốn khán giả thấy lựa chọn của một cá nhân có thể tác động đến hành tinh chúng ta như thế nào. Và người mà nhà phát minh muốn đề cập đến chính là bản thân ông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên