03/07/2023 13:37 GMT+7

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 4: Gả chồng cho con dâu

Ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) từng rưng rưng câu chuyện bố chồng đi... gả chồng cho con dâu. Quá thương người góa phụ tần tảo thờ chồng nuôi con khôn lớn, gia đình bên chồng đã đứng ra làm lễ cưới cho con dâu.

Bãi biển ở Bình Hải, nơi ngư dân ra khơi đánh cá mỗi ngày - Ảnh: B.D.

Bãi biển ở Bình Hải, nơi ngư dân ra khơi đánh cá mỗi ngày - Ảnh: B.D.

Sống trọn đạo làm dâu

Cứ ngỡ câu chuyện đẹp và nghĩa cử cao thượng kia là hiếm hoi và trở thành biểu tượng của sự hàn vá những tâm hồn đầy vết sẹo mất mát sau thảm họa bão Chan Chu. Nhưng chúng tôi phát hiện ra một câu chuyện đẹp và xúc động không kém của một gia đình ngư dân tại xã Bình Hải - kế bên xã Bình Minh.

13h. Nắng rát rạt như đổ lửa ở vùng biển Bình Hải. Một người phụ nữ thấp nhỏ, đẩy chiếc xe máy cũ ra khỏi tiệm tạp hóa rồi chở cậu con trai tay chân co quắp tới trường học. Đó là bà Nguyễn Thị Lài (44 tuổi), ở thôn Phước An (xã Bình Hải).

Bà Lài có chồng và hai người anh em bên chồng cùng mất trong chuyến đi biển gặp bão Chan Chu năm 2006. Ngày nhận tin chồng gặp nạn trên biển, bà đang bầu tháng thứ ba đứa con đầu lòng của vợ chồng. Do bị sốc nặng, sức khỏe suy sụp nên con bà sinh ra bị teo hẳn chân tay.

Gần 20 năm qua, bà đón nhận đứa con vào cuộc đời mình và chăm bẵm như một đứa trẻ mãi không bao giờ lớn.

Người góa phụ này ngồi trước mặt chúng tôi chảy nhòa hai hàng lệ. Bà nói nỗi đau mất chồng đã nguôi ngoai, nhưng mỗi lần nhớ về chồng, về hành trình long đong phận mình, bà đều rất xúc động trước tấm lòng cao thượng của gia đình chồng.

Bà tâm sự ngày chồng mình mất thì dù rất suy sụp vì có thêm hai người thân khác cũng mãi không về, nhưng ba mẹ chồng bà luôn tìm cách động viên con dâu vượt qua đau đớn để gượng dậy. Mấy tháng sau, cả nhà đón nhận giọt máu từ vợ chồng bà Lài nhưng đứa trẻ không lành lặn như người bình thường.

"Ba mẹ chồng tôi nghĩ rằng tôi đã mất chồng, lại có con không lành lặn khi mới qua tuổi 27 thì sẽ chọn cách bỏ con để ra đi. Nếu điều đó xảy ra thì cũng không phải gì quá bất ngờ bởi cuộc đời tôi phía trước còn quá dài, người góa chồng như tôi phải sống đến mấy chục năm nữa mới hết đời người.

Nhưng tôi không làm như thế. Có lẽ vì vậy mà ba mẹ chồng thương tôi hơn tất cả" - bà Lài nhòa nước mắt, ngồi trong túp lều bán tạp hóa, tâm sự.

Xã Bình Hải, nơi bà Lài về làm dâu, không riêng mình bà là góa phụ mà có nhiều người cùng phận đời buồn như thế. Nhưng bà Lài mất chồng khi còn quá trẻ, cuộc đời phía trước còn quá dài và đứa con lại không lành lặn. Bà nói dù gia đình chồng lo lắng, tìm mọi cách để an ủi động viên con dâu nhưng thật sự chưa một ngày nào bà nghĩ sẽ bỏ tất cả để ra đi.

"Những năm đó, cuộc sống vô cùng khó khăn, lại ba cái tang cùng lúc nên thực sự buồn đau nặng nề. Tôi ôm đứa con tàn tật trên tay, từ lúc cháu 1 tuổi đến 3 tuổi là quãng thời gian vô cùng vất vả khi cháu không bình thường như những đứa trẻ khác.

Nhà chồng cũng nghèo, ban ngày tôi gửi con nhờ ông bà nội nuôi rồi chạy chiếc xe máy rách bươm, nổ lẹt bẹt đi buôn bán đủ thứ. Khi thì mua ốc gạo, khi thì cá khô, lọ mắm về bán kiếm tiền nuôi con. Lúc nào cũng lủi thủi một mình, tủi thân rớt nước mắt", quả phụ nghèn nghẹn nhớ lại.

Bà Lài nuôi hai con nhờ tiệm tạp hóa nhỏ bên vệ đường - Ảnh: B.D.

Bà Lài nuôi hai con nhờ tiệm tạp hóa nhỏ bên vệ đường - Ảnh: B.D.

"Nếu cháu không tự tìm chồng, thì mọi người sẽ tìm giúp"

Bà Lài kể từ ngày chồng mất đến năm 2017, bà sống trong gia đình chồng và thờ chồng, tần tảo nuôi con. Dù cuộc sống khó khăn nhưng gia đình chồng bà cũng hết mực thương yêu và tìm mọi cách để bù đắp cho con dâu.

Thời gian trôi đi, trong hành trình đơn chiếc của mình, bà Lài biết tới một người đàn ông cách làng không xa. Người này hiểu chuyện đứt gánh giữa đường của bà và ngỏ ý nối sợi duyên đã lỡ làng.

Hơn 10 năm sống trong cô độc, sự xuất hiện của một người đàn ông đã làm trái tim tưởng như đã chai lạnh của người góa phụ làng biển đập mạnh trở lại.

Nói yêu thì cũng không hẳn, nhưng lúc đó tôi thấy mình sống bao năm nữa cho già đi. Suốt ngày cứ thui thủi, tôi với chồng cũ được đứa con nhưng cháu lại bị tật nguyền, rồi khi già đi thì ai lo cho hai mẹ con. Nghĩ thế, tôi nhận lời anh ấy mà trong lòng muôn vàn giằng xé và những mớ câu hỏi hỗn độn không tự trả lời được", bà Lài trải lòng.

Rồi những biểu hiện bối rối, giằng xé của cô con dâu đã khiến gia đình chồng bà Lài nhận ra câu chuyện. Hôm ấy, sau bữa cơm đoàn tụ của anh em họ tộc trong nhà, ông Hà Phước Hoàng, người chú họ và nhận vai vế lớn nhất trong họ tộc bất ngờ nói trước mặt mọi người rằng đã đến lúc cháu Lài của ông phải sống cho riêng mình.

"Xuất giá tòng phu, xuất phu thì tòng tử, lẽ thường người xưa mình lâu nay đã dạy thế rồi nhưng con người sống muốn mọi người hạnh phúc thì trước tiên mình phải được hưởng hạnh phúc. Bao năm về làm dâu, dù chồng mất, con tật nguyền nhưng Lài đã làm trọn đạo hiếu.

Nay có mặt mọi người đây, tôi thay mặt cả họ động viên cháu đi bước nữa", câu nói của ông Hoàng làm bà Lài ngỡ ngàng.

Khi thấy bà bối rối, chú Hoàng còn nói to hơn: "Nếu cháu không tự tìm chồng, cả nhà không gả chồng cho cháu thì tôi sẽ đi tìm cho cháu". Ngỡ đó chỉ là lời thương cảm, nhưng nhiều ngày sau bà Lài nhận được sự động viên thêm từ những người khác.

"Ai bên nhà chồng cũng thương tôi vì thấy tôi lam lũ, lo thờ chồng, nuôi con, nhưng nghĩ quãng thời gian phía trước còn dài quá nên muốn tôi đi bước nữa. Cho tới giờ, tôi thực sự thấy mình may mắn vì được làm dâu của gia đình rộng lượng và thương yêu mình như vậy", bà Lài xúc động nói.

Tuy nhiên cũng phải nửa năm sau khi được gia đình chồng động viên, bà mới mạnh dạn nói đã quen một người đàn ông nhưng chưa dám quyết định.

"Tự đáy lòng con không muốn mình đi thêm bước nữa, nếu vì chuyện riêng tư của mình mà bỏ gia đình chồng, bỏ con đi thêm bước nữa thì con có tội với chồng. Con chỉ muốn tìm một người làm bạn, để tìm thêm một đứa con bù đắp phần đời sau này", bà Lài thuật lại lời thưa với gia đình chồng.

"Xin nhận con gái và gả về làm dâu tộc Trần"

Năm 2017, một đám cưới nhỏ trong cảnh đời đầy bùi ngùi của góa phụ Lài được gia đình chồng tổ chức. Bà Lài được sắm quần áo mới, trang điểm đẹp rồi ngồi lên xe máy trong đoàn nhiều người gồm chú họ, cô, bác... bên nhà chồng đến gả cưới cho một người đàn ông khác.

Trong lễ hợp hôn, cô dâu khóc nhòe nước mắt, nhưng không phải nước mắt của người lên xe bông lần đầu, mà đó là giọt nước mắt xúc động trước sự bao dung, cao thượng từ gia đình chồng.

"Cháu Lài từng là con dâu nhà tôi. Nhưng gia cảnh đứt gánh giữa đường nên cháu đơn chiếc mười mấy năm và lo trọn đạo hiếu. Nay cháu vẫn là con dâu, nhưng gia đình xin nhận cháu như con gái ruột và đưa cháu qua gửi về nhà chồng mới để xin làm dâu tộc Trần" - ông Hà Phước Hoàng, chú họ bên chồng cũ của bà Lài, thưa gửi.

Sau đó, bà Lài đã có thêm được một đứa con lành lặn để tìm hy vọng sống cho phần đời còn lại.

"Trong lòng tôi vẫn là con dâu của gia đình chồng cũ, bởi ở đó tôi cảm nhận được sự yêu thương, che chở", bà Lài xúc động.

************

Xã biển Bình Châu vốn nổi tiếng với những người đàn ông can trường sinh ra để đi biển Hoàng Sa, Trường Sa như cột mốc sống với ngọn cờ Tổ quốc. Và phụ nữ xóm biển này cũng mất chồng, mất con, trở thành hòn vọng phu rất nhiều.

>> Kỳ tới: Chuyến tàu định mệnh và hòn vọng phu mãi đợi chồng

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 3: Em hãy đi lấy chồng, đừng đợi anh nữaNhững hòn vọng phu trước biển - Kỳ 3: Em hãy đi lấy chồng, đừng đợi anh nữa

Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hằng năm, có một ngôi làng ở Quảng Nam mỗi tuần lại có một đám giỗ để tất cả chòm xóm, họ hàng có thể sắp xếp về dự. Đó là đám giỗ của 24 ngư dân tử nạn trên con tàu QNa 1699 chìm ở biển khơi ngày 16-4-2009.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên