01/07/2023 10:27 GMT+7

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 2: Nắm đất Bàn Than hóa hình người đi biển

Người làng biển cho biết ngày trước những chuyến ra biển không chỉ là hành trình chinh phục biển khơi mà còn đánh đổi sự mong manh khi tàu cá, thông tin liên lạc còn sơ sài. Mỗi chuyến ra khơi luôn để lại âu lo, trĩu nặng cho người ở lại bờ.

Một góc làng biển xã đảo Tam Hải, nơi có nhiều ngư dân đi biển - Ảnh: B.D.

Một góc làng biển xã đảo Tam Hải, nơi có nhiều ngư dân đi biển - Ảnh: B.D.

"Nửa tâm trí tui nghĩ ổng chết, mà phần còn lại cứ nghĩ rằng chắc ổng giận vợ rồi đưa tàu vào dạo chơi ở đâu đó hoặc lạc qua Philippines, Malaysia rồi không tìm được đường về. Nếu ổng chưa chết mà tui đã lập bàn thờ thì tội nghiệp lắm.

Bà HỒ THỊ THU

4 năm vẫn ngóng chồng trở về

Ngư dân đi biển giờ đã trong một tâm thế khác: tàu to hơn, máy móc thông tin đầy đủ hơn, trang bị cứu sinh an toàn hơn. 

Vậy nhưng sự tử sinh đánh đổi tôm cá, nghĩa vụ kế tục nghề biển từ tiền nhân luôn có những nỗi nghiệt ngã tới lạnh lùng. Giữa thời hiện tại, thỉnh thoảng vẫn có những lễ vĩnh biệt trong tiếng khóc rấm rức của người ở lại dọc các làng biển.

Nằm bên trụ sở Trạm y tế xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là một căn nhà 3 tầng bề thế, được xây theo kiến trúc hiện đại. Người làng biển ở xã đảo này đều trầm trồ nhưng cũng phần nuối tiếc khi nhắc đến gia chủ này là bà Hồ Thị Thu (53 tuổi). 

Bà Thu có chồng đi biển và mất cùng hai ngư dân khác khi con tàu lật úp trong cơn lốc nổi lên bất ngờ ở vùng biển Hoàng Sa.

Bà Thu nét mặt hiền hậu nhưng ẩn chứa nỗi trĩu buồn. Từ ngày chồng bà qua đời, bạn bè, hàng xóm mà đa số là các góa phụ cùng cảnh ngộ luôn tìm tới trò chuyện, thăm nom giúp bà vơi bớt nỗi đau.

Bà Thu cùng chồng gốc ở xã Tam Hải, nhưng khi thấy cuộc sống làm biển bất trắc và khó khăn nên hai vợ chồng dắt díu nhau lên vùng đồn điền cũ ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) để làm ăn. 

Nhưng như bao cuộc trở về trong quy luật lặp đi lặp lại của dân miền biển, năm 2000 bà Thu cùng chồng lại dắt díu năm đứa con về Tam Hải. Ông Trần Quang Cảm - chồng bà Thu - nói ông luôn muốn trở về để theo bạn đi biển.

Khi về Tam Hải, bà Thu ở nhà nuôi con, còn chồng thì theo thuyền đi bạn. Cuộc sống đơn giản, nghèo khó mà lúc nào cũng vui, nhưng rồi bà Thu đã trở thành góa phụ, năm đứa con không còn người cha khi ông Cảm ra biển trong chuyến đi cuối tháng 7-2019.

Bà Thu lặng người, ngồi lần bấm ngón tay rồi chùng giọng kể chính xác ngày tháng bà nhận tin chồng mất trên biển. 

"Ổng đi biển thì tui ở nhà ra bến mua cá về đi bán kiếm thêm chút nuôi con. Sáng đó, khi ngồi ở ngoài chợ cũng có nghe râm ran bà con phao tin là có tàu cá gặp dông và chìm trên biển. Nhưng tui không nghĩ đó là tàu của chồng mình. Chỉ tới khi về nhà, thấy bà con tập trung tới đông thì tui mới sinh nghi" - bà Thu nghẹn giọng nhớ lại.

Người góa phụ mất chồng trên biển này kể rằng bà luôn có một niềm tin khó ai lay chuyển. Nhưng đôi khi niềm tin đó cũng trở thành thứ cứng cỏi khiến bà phải chịu đựng nỗi đau lớn hơn. 

Dù đã được bạn tàu về báo tin tìm kiếm thấy một số vật dụng trôi dạt trên biển từ con tàu chồng bà đi biển, nhưng phải hai ngày sau khi ra đứng trước biển, hướng về chân sóng mù khơi và trong lòng nỗi bất an ùa về, lúc đó linh cảm của một người vợ mới khiến bà chịu nghĩ rằng chồng mình đã gặp nạn thật rồi!

Bà Thu thắp nhang trên nấm mộ chiêu hồn của người chồng đi biển không về - Ảnh: B.D

Bà Thu thắp nhang trên nấm mộ chiêu hồn của người chồng đi biển không về - Ảnh: B.D

Nửa nghĩ chồng chết, nửa vẫn mong còn sống

Đứng ở Tam Hải cuối ngày là thời khắc chộn rộn và đặc quánh không khí của vùng biển. Tiếng xe máy vội vã của những ngư dân chở theo lưới và mái chèo từ bến trở về nhà, tiếng chào hỏi thăm nom nhau thắng hay trống rỗng cá của người đi biển, tiếng rao cá tươi của mấy người đẩy xe bán cá dạo, tiếng tàu thuyền lạch bạch nhả khói nặng nề trở về cảng... 

Tất cả tạo ra một thứ âm thanh hỗn độn mà đầy sức sống. Đó cũng là mạch nguồn của một làng biển chưa một ngày nào thiếu những con tàu, những ngư dân cuộn mình rẽ sóng hướng ra khơi.

Nhưng chìm khuất lặng lẽ sau những âm thanh náo nhiệt ấy, có những bước chân trĩu nặng của các góa phụ đi ngược hướng với biển để tìm đến nhau an ủi. 

Bà Thu bận khăn trùm kín mặt, tạt vào tiệm tạp hóa mua bó nhang, rồi rẽ theo lối nhỏ dẫn giữa hai bên chi chít bia mộ của người làng biển để tìm đến vị trí nấm mồ chiêu hồn của chồng mình. Gió thốc xô nghiêng ngả những hàng phi lao, gió đưa lung lay từng hàng hoa đồng nội bám vào khe hở từng mộ phần, xô xiêu vẹo ngọn lửa mà bà Thu đang cố nhóm lên để đốt nhang thắp cho chồng mình.

"Hồi còn sống, ổng quậy tui tưng bừng. Nhưng giờ muốn trở lại cũng không được nữa. Nhiều lúc tui đi qua nhà hàng xóm, thấy tối lại cả nhà đầy đủ chồng vợ, con cái ngồi nhau quanh mâm cơm mà tui thèm khát", bà Thu nói rồi nước mắt rơi lã chã.

Mất chồng, mất người thân khi đi biển đối với người miền biển ngàn năm qua có lẽ dần trở thành chuyện nghiệt ngã để giữ nghề, giữ biển cha ông để lại. 

Nhưng khi có người nằm lại biển, những nỗi đau đó vẫn luôn hằn sâu và gây buốt đau cho người trong cuộc lẫn cộng đồng. Xót xa hơn, phần lớn các vụ đắm tàu, bất trắc trên biển đều không thể tìm thấy thi hài.

Bà Thu bảo rằng khi nhận tin chồng mất, những người vợ khác đã tổ chức tang lễ, lập bàn thờ cho chồng, nhưng riêng bà thì bà ngóng đợi 3 tháng. 

Ngày nào bà Thu cũng ra biển đứng chết lặng cuối bình minh, nhìn mặt trời lặn dần rồi quay trở về khi không thấy hình ảnh chồng mình. Sự chờ đợi đó mòn mỏi, đều đặn rồi lịm dần khi vào tháng cuối cùng, trong lúc nằm ngủ thì bà thấy chồng mình chợt hiện về. Ông bước vào nhà, đưa đôi bàn tay ra phía trước.

"Nửa tâm trí tui nghĩ ổng chết, mà phần còn lại cứ nghĩ rằng chắc ổng giận vợ rồi đưa tàu vào dạo chơi ở đâu đó hoặc lạc qua Philippines, Malaysia rồi không tìm được đường về. Nếu ổng chưa chết mà tui đã lập bàn thờ thì tội nghiệp lắm", bà Thu tâm sự.

"Nhiều lúc nằm ngửi tấm áo còn vương mùi mồ hôi của ổng, tui nhớ quá nên lẩm nhẩm là nếu ông thật sự đã chết thì về một lần cho tui thỏa nhớ mong. 

Buổi trưa đó tui thấy ổng về thật, ổng đứng ngoài cửa sổ nhìn tôi rất hiền từ. Tui choàng tỉnh bật dậy thì không thấy đâu nữa. Rứa là biết chồng mất thật, mất trong linh thiêng, nên tui quyết lập bàn thờ, ra mũi Bàn Than bốc nắm đất về bết quanh hình nộm rồi sắm quan tài đưa tang chiêu hồn cho ổng", người vợ đã thành góa phụ trĩu giọng kể.

Gần nấm mồ chiêu hồn của chồng bà, còn có những nấm mồ ngư dân không hài cốt khác. Đó là câu chuyện ngàn đời của phận người can trường treo mình trên đầu sóng ngọn gió hiểm nguy và đã để lại những hòn vọng phu trước biển...

Nấm mộ chiêu hồn

Cùng mất với chồng bà Thu còn có hai ngư dân khác. Câu chuyện của tín ngưỡng dân biển tới nay vẫn được bà con kể cho nhau để nhắc nhở sự chu tất trong thờ cúng khi một người đi biển không tìm thấy xác.

Người dân ở Tam Hải cho biết khi một người mất trên biển không tìm thấy xác, người thân sẽ ra mũi Bàn Than hốt nắm đất rồi về bết quanh hình nộm người quấn bằng rơm đặt trong quan tài. Một tang lễ y như có người thật sẽ được tổ chức, phần mộ chiêu hồn dù không có hài cốt nhưng vẫn được hương khói không khác gì mộ thật.

*************

Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch hằng năm, có ngôi làng ở Quảng Nam mà mỗi tuần lại có một đám giỗ để chòm xóm, họ hàng có thể sắp xếp về dự. Đó là đám giỗ của 24 ngư dân tử nạn trên con tàu QNa 1699 chìm ở biển khơi vào ngày 16-4-2009.

 Kỳ tới: Em hãy đi lấy chồng, đừng đợi anh nữa

Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 1: Chờ chồng đi mãi không vềNhững hòn vọng phu trước biển - Kỳ 1: Chờ chồng đi mãi không về

"Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm", câu ca dao buồn của người vợ ngày xưa có chồng làm nghề trên đầu sóng ngọn gió hiểm nguy. Ngày nay, tàu bè đã tốt hơn cùng phương tiện truyền báo thiên tai nhưng vẫn còn đó những hòn vọng phu trước biển.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên