30/04/2005 08:42 GMT+7

20 năm nương cửa Phật chờ chồng

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TT - Cả ông bà (ông Nguyễn Sinh Anh và bà Cáp Thị Hồng Hoa) vẫn nhớ như in cái hôm chia tay cách đây tròn nửa thế kỷ. Ông vừa ôm đứa con gái chưa đầy hai tuổi vừa khẽ lau nước mắt cho bà với lời động viên: “Hai năm thôi mà em, chờ anh về”. Lúc ấy bà đang còn là một cô gái trẻ ngoài 20...

YGCz34Hj.jpgPhóng to
Vợ chồng ông bà Nguyễn Sinh Anh và Cáp Thị Hồng Hoa - Ảnh: B.T.
TT - Cả ông bà (ông Nguyễn Sinh Anh và bà Cáp Thị Hồng Hoa) vẫn nhớ như in cái hôm chia tay cách đây tròn nửa thế kỷ. Ông vừa ôm đứa con gái chưa đầy hai tuổi vừa khẽ lau nước mắt cho bà với lời động viên: “Hai năm thôi mà em, chờ anh về”. Lúc ấy bà đang còn là một cô gái trẻ ngoài 20...

Họ gặp nhau từ năm 1952 khi đơn vị ông đóng quân ở quê bà (xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, Bình Định). Đầu năm 1953 họ cưới nhau và cuối năm ấy sinh đứa con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Sen.

Suốt 20 năm chiến tranh, vợ chồng xa cách, ông không nhớ đã gửi bao nhiêu lá thư về quê vợ nhưng không đến tay người nhận. Năm 1965, ông làm chính ủy của Bệnh viện Đoàn 559 rồi sau đó ông xin về tham gia chiến đấu tại sư đoàn 571 với hi vọng có thể có mặt ở chiến trường Trung bộ để dò tìm thông tin gia đình, nhưng mùa hè đỏ lửa năm 1972 ông bị thương nặng phải đưa ra Hà Nội điều trị.

Mấy tháng sau, ông theo đơn vị trở lại chiến trường liên khu V, phụ trách công tác hậu cần, chuẩn bị cho công tác tiếp quản vùng giải phóng. Ông viết sẵn hàng chục lá thư gửi vợ con cất trong balô, cứ trên đường hành quân gặp đơn vị nào vào chiến trường ngang qua Bình Định ông đều gửi...

Hồi ấy ở miền Trung, phụ nữ có chồng tập kết cực nhục trăm bề. Đêm ngày hàng trăm cặp mắt rình mò, xoi mói và đe dọa. Hết bị đấu tố, ép ly khai rồi bị các hình thức cám dỗ của kẻ thù. Nhiều nơi chính quyền xã cho gọi những phụ nữ có chồng tập kết lên, bắt bước qua cờ đỏ và buộc phải hứa ly khai.

Chị em không ai chịu nghe theo, bọn chúng sai lính đánh túi bụi... Nhiều gia đình có người tập kết, chúng cho sơn lên nhà hai câu “Con gà mổ cọng rau răm/Chồng đi tập kết trăm năm không về”, ý nói có chồng tập kết phải chịu cay đắng như con gà ăn rau răm vậy.

Hai năm đầu, bà Hoa ở quê lặng lẽ làm ruộng nuôi con và tiếp tế cho du kích. Không thấy tổng tuyển cử, cũng không thấy mảy may hi vọng sớm gặp lại chồng, thư từ cũng bặt vô âm tín mà đêm nào lính đi tuần cũng rình rập, đe dọa. Thế là một buổi sáng, giả vờ đi chợ, bà Hoa bồng con đón xe đi Phú Bổn (Gia Lai), ở đó có một người bà con đi tu đang trụ trì một ngôi chùa nhỏ.

Từ đấy, bà xuống tóc xin nương nhờ cửa Phật cưu mang hai mẹ con. Bà khai lại một cái tên mới, giấu mọi tung tích, lai lịch, xin làm công quả cho nhà chùa. Gần 20 năm bà sống như vậy. Bà kể hồi năm 1968, cách mạng đánh lớn, đêm nào bà cũng nấu cơm thật nhiều để tiếp tế cho bộ đội, du kích.

“Bộ đội miền Bắc hồi ấy vào nhiều lắm, hầu hết họ còn quá trẻ nên nghe tui hỏi thăm ổng, họ đều không biết. Tui gửi một lá thư và ảnh hai mẹ con, dặn các chú bộ đội trên đường đi đánh giặc cứ thấy ai là người miền Nam, người Thừa Thiên thì gửi cho họ, may ra đến tay nhà tôi, nhưng chiến tranh mà, hàng triệu người như ổng ai mà biết...”.

Thế rồi, trưa 25-3-1975, đơn vị ông đặt chân đến Đà Nẵng thì ngay tối hôm ấy ông gửi thư về quê vợ. May mắn là một người bà con đã nhận được bức thư ấy và đem ngay lên Phú Bổn trao tận tay cho bà. Cầm thư, bà nghẹn ngào. Sen, năm đó đã 22 tuổi, nghe có thư ba, khóc nức nở. “Mẹ con tui đã chờ ổng đúng 20 năm…”.

Ngay ngày hôm sau hai mẹ con bà vừa đi bộ vừa xin đi nhờ xe bộ đội ngược lên Pleiku tìm xe về Đà Nẵng. Con đường số 7 ở Phú Bổn mới được giải phóng một tuần, bộ đội và đồng bào trong vùng giải phóng vừa dọn xác chết, xác xe pháo nhưng vẫn còn nguyên là một con đường chết chóc, sặc mùi tử khí. Vẫn còn tiếng súng nổ lẻ tẻ giữa rừng, mẹ con bà vẫn còn mặc áo nhà chùa, đeo tay nải gạo đi bộ từng cây số. Mất hai ngày đêm, hai mẹ con mới đến được Đà Nẵng.

Đà Nẵng những ngày ấy có hàng ngàn bộ đội từ Bắc vào, từ rừng xuống, ai cũng quân phục, mũ tai bèo, mẹ con bà chẳng biết ông ở đâu. Cuối cùng có mấy anh lính trẻ đọc thư, dò được địa chỉ, mượn được chiếc xe máy chở mẹ con bà đến tận nơi... Một ông bộ đội tóc đã ngả bạc nhưng còn rắn rỏi bước vào, bà nhận ra ngay. Bà nhào tới ôm chầm lấy ông, chân quị xuống, nấc nghẹn. Sen cũng ngỡ ngàng. “Sen hả con, ba đây!” - nghe tiếng ông, Sen chỉ kịp ôm cổ ba, giụi vào ngực ông khóc như đứa trẻ.

Mới đây, trong một cuộc họp mặt Hội Cựu chiến binh của thành phố Qui Nhơn, tôi gặp lại ông bà. Ông rạng rỡ cười trong bộ quân phục ngả màu, ngực lấp lánh đầy huy chương, bà theo ông để đến thăm những người bạn chiến đấu cũ của chồng. Nhìn đôi vợ chồng người chiến binh già ấy, không ai biết họ đã từng son sắt chờ đợi nhau suốt chiều dài cuộc chiến tranh đã lùi xa 30 năm…

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên