17/10/2024 09:16 GMT+7

Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 5: Sao lại nghĩ đã già, hãy thử giới hạn mình tới đâu

Tôi muốn đi du học, bạn bè bảo: Đã bước vào tuổi trung niên, đang một chồng, hai con yên ấm, nhất là công việc có lương ổn định gần 50 triệu đồng thì du học du diếc làm gì nữa.

Kỳ 5: Sao lại nghĩ đã già, hãy thử giới hạn mình tới đâu - Ảnh 1.

Ngọc Yến đã nỗ lực vượt qua được chướng ngại khó là tiếng Anh và học thêm cả tiếng Pháp để đi du học Canada - Ảnh: THÙY CHI

"40 tuổi, tôi nói ý định mình sẽ bỏ việc, đi du học mà bạn bè cứ tròn mắt. Bọn trẻ thì nói tiếng Anh một thời học lập dập cuốn sách cũ mèm Streamline English như tôi thì du học nổi cái nỗi gì.

Bạn cùng lứa thì khuyên tôi nên suy nghĩ. Đang một chồng, hai con yên ấm, nhất là công việc có lương ổn định gần 50 triệu đồng thì du học du diếc làm gì nữa", chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến kể lại câu chuyện tưởng như "dở hơi" của mình cách đây 5 năm trước.

Ước mơ trở thành công dân toàn cầu

Chị tâm sự thật ra những lời khuyên của bạn bè đều có lý. Điều đặc biệt là khi 40 tuổi chị mới có ý định chuẩn bị đi du học, chứ không phải đi được ở ngay thời điểm đó.

Trong khi hoàn cảnh của chị thì phải chuẩn bị thêm rất nhiều thứ mất thời gian: cái khó đầu tiên là chị phải được sự vui vẻ đồng ý của người chồng và thu xếp ổn thỏa được cho hai con; cái khó thứ hai là chuẩn bị đủ tài chính để yên tâm đi học cho bản thân mình mà không phải lo chồng con sẽ gặp khó khăn ở nhà; cái khó thứ ba là trau dồi thêm tiếng Anh; cái khó thứ tư nữa là chị phải chuẩn bị ít nhất vài năm, tức sớm lắm chị cũng phải 44, 45 tuổi mới khăn gói đi học được, vậy thì khi về nước cũng đã đứng tuổi rồi, liệu chị có xin lại công việc được không?…

Lúc mới nghe chúng tôi thuyết phục kể lại hành trình thực hiện ước mơ khi đã bước vào tuổi trung niên, chị Ngọc Yến chối ngay: "Biết bao người du học tứ xứ, lại có nền tảng học hành tài giỏi được tuyển vào trường danh tiếng, có học bổng lớn. Chuyện mò mẫm, lạch bạch đi học nước ngoài của người sắp thành bà cô già như tôi có gì đâu mà kể, không chừng bọn trẻ còn cười".

Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi tâm sự ý nghĩa lan truyền cảm hứng về tuổi trung niên vẫn chắp cánh ước mơ mà không chịu an phận, chị Ngọc Yến đã đồng ý. Chị vui vẻ nói: 

"Tôi cũng nghĩ như thế, mình chỉ già, hết thời, chỉ khi nào tự mình ám ảnh về mình như thế thôi. Đừng nghĩ sự trễ tràng tuổi tác, mà hãy nghĩ trung niên cũng có nhiều lợi thế hiểu biết, kinh nghiệm, chín chắn, và đặc biệt là đã có thời gian chuẩn bị một số điều kiện như tài chính mà người trẻ chưa kịp có".

Chị Ngọc Yến tâm sự từ thời trung học, cô gái ở TP.HCM, gốc Cần Thơ này đã cháy bỏng ước mơ du học. Cô xác định du học là hành trang không thể thiếu trong khát vọng cuộc đời được đi đây đi đó, sống và làm việc như một công dân toàn cầu. 

Nhưng hoàn cảnh lúc đó chưa thể cho phép cô đi du học. "Tôi tự nhận mình chỉ là đứa học sinh trung bình khá, đâu dễ săn được học bổng để đỡ gánh nặng tài chính, mà thật sự các ngành như kinh tế cũng không có nhiều học bổng", chị kể.

Thế rồi, Ngọc Yến vào đại học kinh tế ở Việt Nam. 26 tuổi, cô lập gia đình với tình yêu sinh viên rồi lần lượt có đủ nếp tẻ, một trai một gái trước khi cô sang tuổi 30. Người ngoài và gia đình đều nói cô có phận đời may mắn khi chỉ "nhảy việc" lần thứ hai đã thành công ở một tập đoàn kinh doanh thực phẩm lớn tại TP.HCM.

Từ mức lương khởi điểm 18 triệu, đến năm 2019 cô ở vị trí phó phòng, đã nhận được mức lương gần 50 triệu đồng, chưa tính các khoản thưởng và phụ cấp này nọ cũng rất cao. Sau đại dịch, nhiều công ty sa sút, nhưng công ty Ngọc Yến làm việc vẫn phát triển đều. Vị trí trưởng phòng đã rất sát tầm với của cô.

Kỳ 5: Sao lại nghĩ đã già, hãy thử giới hạn mình tới đâu - Ảnh 2.

Ngọc Yến ước mơ du học và sống, làm việc như một công dân toàn cầu - Ảnh: tư liệu

Hãy nỗ lực thực hiện ước mơ để về già khỏi nuối tiếc

Tuy nhiên, ước mơ du học, được đi đây đó, được sống và làm việc như một công dân toàn cầu vẫn le lói trong cô. Có lúc nó tạm chìm khuất khi cô bận bịu, nhưng rồi lại bùng lên. Năm 2018, trong chuyến đi du lịch Mỹ, cô tình cờ gặp thầy giáo của mình và nhớ mãi câu thầy nói: "Ai cũng chỉ có một đời, tại sao không nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình để về già khỏi nuối tiếc".

Thầy chỉ nói chung trước nhóm đông người trong một bữa tiệc, nhưng Ngọc Yến cứ cảm giác như thầy muốn nói chính mình. Và cô đã suy nghĩ rất nhiều. 

Đó là năm cô đã 38 tuổi… Về nhà, cô tâm sự với bạn bè và chồng về ước mơ du học từ tuổi thanh xuân của mình. Cô khát khao muốn thực hiện ước mơ này trước khi không kịp nữa, bởi đối với cô thì hành trình chuẩn bị để đến ngày lên đường vẫn còn rất dài.

Hầu hết bạn bè biết chuyện đều khuyên cô nên thực tế, nhìn vào hướng phát triển rất tốt ở công ty đang làm, cô ra đi coi chừng "xôi hỏng bỏng không". 

Riêng chồng cô lại khác, anh không hề tỏ vẻ bất ngờ mà chỉ khuyên vợ nên tâm sự hết những gì muốn nói về ước mơ của mình. Anh nói không hề cản vợ, thậm chí còn cố gắng giúp đỡ để vợ thực hiện ước mơ đời người. 

Nhưng anh chỉ yêu cầu một điều rằng 6 tháng sau, vợ chồng hãy bàn lại chuyện này. Anh muốn vợ suy nghĩ thật kỹ, nếu lúc đó cô vẫn quyết tâm du học thì anh cũng sẽ cố gắng để vợ mình được thỏa nguyện.

Ngọc Yến xúc động cảm ơn chồng, hứa mình sẽ suy nghĩ chín chắn thêm. Và đến năm 2019, tức 8 tháng sau, cô lại tâm sự vẹn nguyên ước mơ của mình với chồng. Anh ngồi yên, nghe vợ mình trải lòng hết lời, rồi mỉm cười: 

"Vậy thì chúng ta hãy cùng thực hiện để biến ước mơ của em thành sự thật. Dù sao em cũng đi khá trễ rồi, vậy thì hãy cùng nhau chuẩn bị thật kỹ cho ước mơ được thành sự thật đẹp. Bởi em còn nhiều thứ phải chuẩn bị đó".

Yến xúc động nhớ lại: "Cả đêm đó, tôi lâng lâng không ngủ được, vì vừa thương vừa phục chồng. Tôi đi học dù chỉ 3-4 năm, anh cũng sẽ rất vất vả, đặc biệt là vừa làm cha vừa làm mẹ của hai đứa con tới tuổi dậy thì. Anh đã hy sinh vì tôi".

Từ cuối năm 2019, Ngọc Yến bắt đầu nỗ lực chuẩn bị cho hành trình lên đường. Đầu tiên, cô và chồng phải tính toán chi tiêu tiết kiệm (mà chủ yếu là cô, vì chồng làm giáo viên chỉ có thu nhập vừa phải) để có tiền cho cô đi học, trong khi ở nhà lại mất nguồn thu nhập lớn. 

"May mắn là công ty tôi kinh doanh thực phẩm nên đợt đại dịch không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải tiết kiệm từng đồng. Tối về nhà, tôi còn nhận làm thêm từ xa cho một công ty của người bạn chuyên nhập khẩu các thiết bị điện tử" - Ngọc Yến kể thêm suốt 4 năm chuẩn bị đi du học, cô không hề dám mua thêm một đôi giày hay bộ quần áo mới nào cho mình, cô cũng xin lỗi vắng mặt tất cả các buổi tụ tập ăn uống bên ngoài với bạn bè.

Ngoài nỗ lực tiết kiệm và kiếm thêm tiền, một thử thách rất lớn của Ngọc Yến nữa là cô phải luyện tiếng Anh học thuật để đủ khả năng học tập ở nước ngoài. 

Cô kể: "Cái này thật sự là chướng ngại của tôi, khi đã gần 40 tuổi lại phải gắng học tiếng Anh. May là tôi có người chồng dạy tiếng Anh ở trường phổ thông nên có thể hỗ trợ vợ được phần nào".

Ngọc Yến kể vì cô vẫn phải đi làm, nên cô luyện tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Ngay cả khi ngồi xe ôm, cô cũng đeo tai nghe để luyện nghe tiếng Anh. Ở công ty, cô chủ động làm bạn thân với nhóm nhân viên trẻ, giỏi tiếng Anh, để cô tập nói chuyện với họ.

"Tết nhất, tôi chỉ dám xả hơi đúng hai ngày 30 và mùng 1, còn lại thì chồng dẫn con đi nội, ngoại chơi, để tôi được một mình ôm máy tính học tiếng Anh" - cô kể giai đoạn gần đi, cô còn bỏ ra 12 tháng học thêm tiếng Pháp online vào hai ngày cuối tuần, vì trường cô học ở Canada thuộc cộng đồng nói tiếng Pháp.

Nếu biết thêm ngoại ngữ này, dù chỉ là đàm thoại căn bản, cô cũng sẽ tự tin hơn...

"Ngày tôi lên đường, chồng dẫn con đi tiễn mẹ ở sân bay mà anh cười suốt. Tôi rất xúc động, hiểu anh gắng như thế để tôi yên tâm đi học". Khi kể câu chuyện này, Ngọc Yến vừa có 10 ngày về thăm chồng con sau gần một năm học. Tuần sau, cô sẽ lại bay đi để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình và cô đã tròn tuổi 45.

_________________________________________

Trung tâm dạy tiếng Anh ở Đà Nẵng đón nhận một học viên ở tuổi 53. Ông đi học để tìm lại chính mình sau biến cố cuộc đời...

Kỳ tới: Đi học ở tuổi 53 để tìm lại mình

Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 5: Sao lại nghĩ đã già, hãy thử giới hạn mình tới đâu - Ảnh 3.Những giấc mơ tuổi trung niên - Kỳ 4: Học đàn guitar để… chữa lành

Anh Trần Ngọc Thanh kể lớp dạy guitar người lớn có khá nhiều người ở lứa tuổi trung niên và mỗi người đến lớp học với một câu chuyện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên