"Những tiếng động đều và rời rạc nhất là tiếng động từ thiết bị điện tử, kim loại đều khiến tôi rơi vào cơn rối loạn lo âu. Đôi khi tình trạng ấy tăng nặng mà tôi phải tự tìm cách vượt qua. Và tôi vượt chướng ngại vật bằng cách chọn học đàn guitar", chị Hiên chia sẻ.
Chọn "chướng ngại vật"
Chị Đỗ Thu Hiên bị trầm cảm từ thời trẻ dù đã được trị liệu nhưng những cơn rối loạn lo âu vẫn tiềm ẩn. Mỗi khi gặp chuyện không vui, công việc căng thẳng, triệu chứng tâm lý này lại trỗi dậy.
Chị kể: "Nhiều năm tôi cũng có kinh nghiệm để chế ngự những cơn rối loạn lo âu bùng phát và cũng vì thế, tôi rất quan tâm đến những cách để tìm lại sự cân bằng, thư giãn.
Nhưng có một thứ tôi không thể tự chữa trị cho mình, đó là hội chứng sợ tiếng động, những tiếng rời rạc đều đều hay tiếng chuông điện thoại, chuông cửa, tiếng tập đàn.
Mỗi khi cơn bấn loạn đến do tiếng động, tôi phải cố trốn tránh. Nhưng có khi không trốn được, tôi xây xẩm mặt mày, thậm chí nôn thốc tháo, đau dạ dày và lại phải dùng thuốc chống trầm cảm.
Những lúc bị nặng, tôi chỉ ước gì có thể tắt mọi âm thanh cuộc sống, thậm chí tiêu cực, tôi nghĩ giá như mình bị điếc thì đỡ. Nhưng tôi không thể tách khỏi cuộc sống thường nhật và không còn cách nào khác, tôi cần phải tìm giải pháp để chung sống.
Chị Hiên đã học yoga, tập thiền, chạy bộ rồi đến một ngày khi đọc thông tin giới thiệu lớp học guitar cho người lớn, chị bần thần suy nghĩ và quyết định gọi đến số điện thoại ghi trên bản thông tin.
"Ngày nhỏ tôi rất thích chơi đàn guitar và từng có ý định học đàn. Nhưng khi bị bệnh, tôi không thể gắng gượng được. Không hiểu sao tiếng tập đàn khiến tôi sợ hãi như thể đang có tai họa nào đó lừ lừ tiến đến. Vì thế tôi bỏ ngang.
Việc bắt đầu lại khi ngoài 50 tuổi không hề dễ dàng, nhất là với người sợ tiếng động như tôi nên tôi cũng rất dè dặt.
Khi tôi điện thoại, người phụ trách lớp guitar mời tôi đến trải nghiệm một buổi. Tôi nghĩ cứ thử xem sao, không được thì cũng chỉ là một buổi trải nghiệm thôi, và tôi đã đến", chị Hiên nhớ lại.
Trong buổi trải nghiệm đó, thầy Trần Ngọc Thanh - người dạy đàn cho chị Hiên - đã hỏi vì sao chị muốn học? Có lẽ đó là câu hỏi chung cho mọi học viên là người đã trưởng thành.
"Khi tôi kể về vấn đề của mình, thầy Thanh cũng nói nhờ có đàn mà thầy từng vượt qua những vấn đề bất ổn của mình. Thầy còn kể trường hợp một người bạn cũng bất ổn về tâm lý và may mắn là tìm đến guitar nên đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Tôi không biết có phải thầy nói thế để khích lệ không, nhưng tôi thấy vững tin để đối diện với chướng ngại vật".
Chật vật với tiếng tập đàn
Chị Hiên kể lại thời gian đầu chị chỉ có thể tập tại phòng tập mà không dám mở hộp đàn khi ở nhà. Ở phòng tập có không gian để vượt qua được "chướng ngại vật", dù cách dạy là 1-1 nhưng đôi khi chị gặp những học viên khác cùng ca học.
Có người cũng lớn tuổi chật vật với "bài học vỡ lòng" về guitar khiến chị cảm thấy có sự đồng điệu.
Ở lớp dạy đàn cho người lớn, mục đích đơn giản nhất là để học viên có thể biết cách tự đệm đàn hát, rồi từ đó phát triển thêm. Nhưng mục đích của chị Hiên là để chữa lành.
Chị là học viên chậm tiến bộ, dù cảm âm của chị tốt. Học guitar cần chăm chỉ luyện tập nhưng hầu như chị không tập được ở nhà.
Mỗi tuần chỉ có 90 phút đến tập với thầy. Tuy vậy, mỗi buổi học về, đi trên đường mà chị như bay lên. Niềm vui của chị không chỉ vì mỗi ngày chị thấy mình thích đàn hơn một chút mà vì chị đã vừa vượt qua 90 phút "đối đầu với nỗi sợ".
Khóa học dự kiến trong hai tháng nhưng chị Hiên phải kéo dài đến tám tháng. Một phần do công việc bận rộn, không thu xếp đến lớp được. Một phần vì song song với học đàn chị phải đối diện để vượt qua nỗi sợ.
Khi đã bắt đầu thích đàn, chị bắt đầu tập ở nhà. Nhưng không phải lúc nào cũng tập được, chị phải chọn lúc tinh thần thoải mái nhất. Còn khi đang căng thẳng, lo âu thì tuyệt đối không chạm vào đàn. Mỗi lần 15-20 phút, rồi tăng lên 20-30 phút.
Có thời gian tối nào chị cũng tập, thậm chí đi làm mong đến giờ về để tập. Các ngón tay chị Hiên lúc đầu đỏ tía, đau vì tì vào dây đàn rồi bắt đầu chai lại. Chị vẫn sợ tiếng động nhưng đã giảm bớt trạng thái lo âu, bấn loạn.
"Tôi biết sẽ tiếp tục phải chung sống với nỗi sợ, nhưng hành trình học đàn cho tôi niềm tin tôi có thể vượt chướng ngại vật, có thể đối đầu với nó. Giờ tôi vẫn đang phải cố gắng để sau này thay vì sợ, tôi có thể yêu thích và dùng đàn để giải tỏa mỗi khi buồn bã, mệt mỏi", chị Hiên nói.
Mỗi người một lý do
Anh Trần Ngọc Thanh kể lớp dạy guitar người lớn có khá nhiều người ở lứa tuổi trung niên và mỗi người đến lớp học với một câu chuyện. Đa số họ đều từng có ước muốn học đàn từ khi còn trẻ, nhưng vì các lý do khác nhau không học được hoặc không đủ tự tin.
Theo anh Thanh, có không ít người đã đăng ký học nhưng lại bỏ dở vì nhận ra học đàn ở tuổi trung niên không dễ như hình dung. Nhưng những người theo đuổi đến cùng thì thường là họ có lý do đặc biệt, hoặc là đam mê đủ sức nặng để họ kiên trì.
"Có học viên mãi không chơi được nhưng thay vì nản chí họ lại động viên thầy rằng thầy đừng phải áy náy gì vì đi học ở tuổi này với họ là một điều thú vị, thư giãn rồi. Còn được đến đâu cũng tốt", anh Thanh kể lại.
Trang, một học viên ở lớp guitar người lớn đang làm việc ở một công ty dược phẩm. Cô phải sắp xếp để đi học vào giờ nghỉ trưa. Cứ khi các nhân viên ngủ trưa đi mua sắm hay cà phê tán gẫu thì cô đi học. Vì thời gian khác trong ngày cô phải dành cho công việc ở công ty và gia đình.
"Chồng tôi không ngăn cản nhưng anh rất ngạc nhiên vì sao có nhiều thứ học để thu nạp kiến thức, để có thêm bằng cấp tôi không chọn mà lại học đàn guitar.
Tôi học cho ước mơ thời trẻ. Ngày ấy tôi rất thích mình biết chơi một nhạc cụ nào đó nhưng gia đình khó khăn nên tôi không dám đề đạt.
Ước mơ đó vẫn nằm sâu trong tôi, trong một thời gian dài tôi đã có lúc lãng quên. Nhưng khi điều kiện sống ổn hơn, có thời gian rảnh rỗi và cả điều kiện tài chính thì ước mơ đó vụt trở lại.
Bây giờ các lớp học khác nhau cũng nhiều hơn và thời gian, cách thức học linh hoạt. Chỉ có môt trở ngại là có dám theo đuổi hay không. Tôi nghĩ đến lúc để mình có thể làm điều mình từng mong muốn rồi", chị Trang tâm sự.
Trần Anh, một học viên khác ở lớp guitar người lớn, cũng cho biết anh thích nghe đàn guitar từ nhỏ. Hễ đi đâu nghe ai đàn là anh ngồi nghe say sưa không muốn về. Nhưng thời trẻ anh phải lăn lộn với việc kiếm tiền, lo ổn định cuộc sống nên với anh học đàn là thứ xa xỉ không dám thử.
Có những điều chỉ cần bắt đầu là sẽ làm được nhưng lại mất rất nhiều thời gian quyết định, đó là trường hợp của anh Trần Anh.
Theo thầy Thanh, anh là học viên gây bất ngờ nhất cho thầy vì học nhanh và có thể đệm đàn cho mình hát khi khóa học còn chưa kết thúc. Nhìn lại cuộc trải nghiệm muộn màng để chạm tay vào ước mơ, anh Trần Anh cho biết những cảm xúc tích cực khiến anh thấy cuộc sống ý nghĩa hơn hẳn.
Chị Hiên, chị Trang và anh Trần Anh đều có điểm chung là quá nhiều sự do dự, ngần ngại và sợ hãi để ước mơ của mình trôi đi trong một quãng đời rất dài.
Xét cho cùng những mơ ước ấy không hề xung đột với mục đích khác của cuộc đời mà ngược lại, niềm vui, những cảm xúc lành mạnh có thể giúp cho mỗi chúng ta có thêm năng lượng tích cực để giải tỏa áp lực, mệt mỏi và cả bất ổn về tinh thần.
***********
45 tuổi, chị mới khăn gói đi Canada du học và từ bỏ công việc ổn định có thu nhập khá ở TP.HCM. Nhiều người đã cản chị, còn chị chỉ nhẹ nhàng trả lời: "Tôi muốn thử xem giới hạn mình tới đâu".
>> Kỳ tới: Thử xem giới hạn mình tới đâu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận