19/05/2023 10:10 GMT+7

Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ cuối: Khi đời 'tát' cho tỉnh

Những đứa con mãi không chịu 'lớn' như chạm vào thực tế, phụ huynh và cộng đồng đau đầu với chính những 'đứa trẻ' lớn xác trong nhà với nhiều biểu hiện như lệ thuộc, dựa dẫm, đòi hỏi.

Hiện nay, nhiều gia đình đã chú ý rèn con tính tự lập ngay từ thuở học sinh - Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Hiện nay, nhiều gia đình đã chú ý rèn con tính tự lập ngay từ thuở học sinh - Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Hãy mạnh mẽ sống tự lập

Đây là hậu quả của cưng chiều con thái quá? Phụ huynh cần làm gì để giáo dưỡng con đúng cách, để con trưởng thành cả thể chất lẫn tinh thần, nhân cách? Về phía người trẻ, họ sẽ phải nỗ lực ra sao để "lớn", để nhận ra tác hại với họ khi sống một cuộc đời làng nhàng, lệ thuộc...

Tuổi Trẻ đã đem những câu hỏi đầy trăn trở này chia sẻ với các giảng viên, chuyên gia tâm lý, phụ huynh và nhận được những phân tích, suy nghĩ đáng suy ngẫm:

- ThS LÊ HOÀI VIỆT (nghiên cứu sinh, giảng viên khoa quản trị kinh doanh - Trường ĐH Mở TP.HCM): Là một người làm giáo dục, tôi có cơ hội quan sát và tiếp cận với rất nhiều bạn trẻ. Có một thực trạng tôi nhận ra là có không ít bạn mà tuổi đời và sự trưởng thành dường như là một phương trình không hề cân xứng. 

Có không ít các bạn sinh viên, hay thậm chí các bạn đã đi làm nhiều năm nhưng lại thiếu kiến thức xã hội, chưa hoàn thiện nhận thức quan, thiếu kỹ năng sống một cách trầm trọng.

Thực ra mỗi lần quan sát điều này, tôi thương các bạn hơn là trách giận. Đơn giản, tôi nghĩ đây là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục có nhiều thứ cần phải xem xét lại. 

Thứ nhất, thay vì tập trung vào người học, lấy người học làm tiêu chí đánh giá hiệu quả, Việt Nam chúng ta, cùng với không ít các nước trong khu vực nói chung, chọn giáo dục theo hướng cũ.

Theo đó, vai trò của người lớn, của người thầy, của cha mẹ, của các bậc cha chú, anh chị là vô cùng lớn, và người học - người nhỏ hơn phải có nghĩa vụ lắng nghe và làm theo một cách khá gượng ép và khuôn khổ.

Thứ hai, ông bà, cha mẹ chúng ta đã trải qua một quá khứ không đủ đầy, thiếu thốn, khi mà ăn no và mặc ấm còn là một thứ gì quá đỗi xa xỉ, cho nên họ có xu hướng bù đắp cho con cháu sau này để mong muốn cho con mình một tương lai tốt hơn. 

Xuất phát từ tình thương nhưng vô hình trung điều này làm nên một sự bảo bọc thái quá, dần làm con cái mất đi khả năng sống độc lập, hoàn toàn thiếu sức đề kháng trước những tình huống lạ, khó và trước những va vấp của cuộc đời.

Trong khi đó, lẽ ra từ nhà trường cho tới gia đình, điều quan trọng là nên giúp trẻ hình thành ý thức tự giác, từ việc tự học cho tới tự làm mọi thứ có thể cho chính bản thân mình, thay vì ngay lập tức nhờ cậy sự giúp đỡ của người thân. 

Không cách nào khác, các bậc thầy cô, phụ huynh hãy tôn trọng và trao quyền cho con em mình có cơ hội được thử, có thể là sẽ sai những lần đầu tiên nhưng sau đó chính các bạn sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình, tự ý thức được các bạn cần thay đổi chỗ nào, cải tiến ra làm sao để lần tới, nếu đối diện một sự việc tương tự, các bạn sẽ làm tốt hơn.

Rất may mắn là tôi thấy giáo dục Việt Nam đang dần chuyển mình sang những hình thức mở, từ phương pháp Montessori thân thiện, cởi mở cho các bé mầm non đến hình thức giáo dục hệ tín chỉ, giáo dục khai phóng ở bậc đại học, tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tự do lựa chọn môn học, thử sức với ngành học phù hợp với bản thân.

Bản thân tôi luôn xem khoảng thời gian xa nhà, từ Đà Nẵng vào TP.HCM học đại học, và sau này đi du học bậc thạc sĩ, chính là khoảng thời gian vàng để tôi trưởng thành và hoàn thiện mình, từ kỹ năng tự sắp xếp thời gian, tự kỷ luật với bản thân, kỹ năng nấu ăn, kỹ năng độc lập, kỹ năng sống trong một tập thể... 

Do đó, tôi đặc biệt mong các bạn sinh viên của tôi hãy đủ mạnh mẽ và tự tin để sống một cuộc sống tự lập và xem như đây là một cơ hội thay vì thách thức khó có thể vượt qua.

Những người trẻ ở nông thôn tự lập sớm bằng cách lên thành phố làm công nhân để kiếm sống lương thiện - Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Những người trẻ ở nông thôn tự lập sớm bằng cách lên thành phố làm công nhân để kiếm sống lương thiện - Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Hãy để con mình chịu khổ một chút

- ThS tâm lý VÕ HỒNG TÂM (sáng lập dự án Khóa học 0 đồng "I believe in me" - Tôi tin vào tôi): Chắc chắn đây là hậu quả của cưng chiều con thái quá. Mặc dù có câu cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhưng giáo dục ảnh hưởng rất nhiều đến sự thay đổi của tính cách này. 

Một đứa trẻ không thích nấu ăn, nấu ăn không ngon nhưng nếu được dạy dỗ nhiều, vào bếp thực hành nhiều thì vẫn sẽ biết nấu ăn, chỉ là không nấu ngon như những bạn có tố chất và yêu thích mà thôi.

Ví dụ thứ hai: đứa trẻ lười biếng, không thích dọn dẹp nhưng nếu được dạy phải dọn dẹp ngay từ nhỏ trở thành một thói quen thì khi lớn lên dù có thể dọn không sạch bằng những bạn có tố chất tổ chức và thích sạch sẽ nhưng vẫn sẽ dọn dẹp được.

Còn điều quan trọng là khả năng nuôi sống bản thân, người đói nhất khi cần cũng biết đi xin củ khoai từ hàng xóm để ăn, nghĩa là việc tự nuôi sống bản thân mình là một bản năng. 

Dù có lười cách mấy, người ta cũng không bao giờ nằm đó để đói đến chết. Vậy thì chính cha mẹ đã luôn có sẵn một củ khoai ở đó cho các bạn này, nên các bạn không còn khả năng đó nữa.

Phụ huynh cần làm gì để giáo dưỡng con đúng cách? Đây là một câu chuyện quá dài. Nó đòi hỏi trước tiên cha mẹ phải thay đổi về mặt nhận thức. Ý thức rất rõ mình đang "hại dần" cuộc đời của con mình như thế nào. Ý thức rất rõ tính vô thường khi cha mẹ ra đi là như thế nào.

Cái tư tưởng mình khổ nên không muốn con mình khổ là một tư duy thiếu sót. Nhờ mình khổ nên mình mới được như thế, thì con mình cũng cần phải trải qua ít nhất 50% cái khổ nó mới trưởng thành được.

Sau khi thay đổi về mặt nhận thức thì thay đổi về phương pháp giáo dục. Dạy con làm việc nhà, dạy con tiết kiệm chi tiêu... Kế đến nữa, quan trọng nhất là phải dứt khoát với con. Phải tự tôn trọng quyết định của mình. 

Con đủ trưởng thành không cho tiền nữa là không cho tiền. Nói chung, nói rất dễ mà làm rất khó, vì cha mẹ thương con vô bờ và thương con đến thiếu đi trí tuệ, nhận thức đúng đắn. Nên bước đầu thay đổi nhận thức là như vậy.

Về phía người trẻ, họ sẽ phải nỗ lực ra sao để "lớn", để nhận ra tác hại với họ khi sống một cuộc đời làng nhàng, lệ thuộc? 

Có những đứa trẻ mặc dù cha mẹ như vậy nhưng ý thức sinh tồn, tính tự tôn rất cao nên vẫn không muốn phụ thuộc vào cha mẹ, thành ra không cần phải nỗ lực để "lớn". Có nỗ lực chăng là sẽ sinh ra cãi nhau khi cha mẹ nói con nghỉ đi, mà con vẫn cố làm.

Còn những đứa trẻ sẵn lười biếng, không biết suy nghĩ, lại chẳng có lòng tự trọng, thêm cách dạy dỗ sai của cha mẹ từ nhỏ như vậy thì rất khó thay đổi từ chính họ. Chỉ khi cuộc đời "tát" cho tỉnh thì mới tỉnh nổi thôi.

Dạy con trân quý lao động

Tôi dạy con trân quý sự lao động. Ngay từ khi con còn nhỏ, tôi đã tuân thủ nguyên tắc "tuổi nhỏ làm việc nhỏ".

Thói quen làm việc đó phải tập dần, như có thể nhờ con lấy giúp một vật gì đó, phụ mẹ quét nhà, rửa chén, nấu cơm...

Nhớ lại tuổi thơ của mình, chứng kiến cha mẹ lam lũ với đồng áng, đứa trẻ quê nào cũng tự giác giúp gia đình, đỡ đần khó khăn.

Ý thức cha mẹ cực khổ cũng khiến mình nỗ lực vươn lên. Do vậy, nếu lúc nào ta cũng dễ dàng đáp ứng yêu cầu hay cung cấp quá đầy đủ cho con, trẻ sẽ khó có nhu cầu phải cố gắng.

Tôi nghĩ một con người muốn trưởng thành phải trải qua rèn luyện, có môi trường tốt, động lực và được tiếp sức bằng tình thương, sự giáo dục một cách tử tế. Gieo vào trong con những hạt giống tốt bằng chính lối sống của cha mẹ thì con mình sẽ được nảy những hạt mầm tích cực, lương thiện.

Ca sĩ SA HUỲNH (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Những đứa con mãi không chịu "lớn" - Kỳ 5: Sống bám đến đồng lương hưu của cha mẹNhững đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 5: Sống bám đến đồng lương hưu của cha mẹ

Trong khu dân cư nhỏ ở đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân, TP.HCM), nhiều người biết gia đình ông Trần Văn Thắng, nhưng điều làm họ "biết" hơn cả là sự chiều con đến kỳ lạ của gia đình này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên