07/10/2018 15:23 GMT+7

Những dòng sông cổ vật - kỳ cuối: Những trầm tích văn hóa

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Các nhà chuyên môn cho rằng việc người dân trục vớt tự do hiện vật dưới đáy các con sông, trong khi các cơ quan hữu quan gần như đứng ngoài cuộc là một sự tổn thất lớn di sản văn hóa nước nhà.

Những dòng sông cổ vật - kỳ cuối: Những trầm tích văn hóa - Ảnh 1.

Cổ vật từ lòng sông Hương bày bán tại vỉa hè Trần Hưng Đạo, TP Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Lịch sử được cất giấu dưới lòng sông là hiện tượng quá độc đáo.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN VĂN HOA

Bất ngờ với thuyền thời Đông Sơn

Trong số 10 chiếc thuyền cổ trục vớt được ở Bảo tàng Phạm Huy Thông tại thị xã Quảng Yên có một chiếc được nhận định thuộc nền văn hóa Đông Sơn vào khoảng 2.100 năm trước còn gần như nguyên vẹn.

Hiện vật được các thợ lặn trục vớt trên sông Bình Giang, đoạn giữa thị trấn Nam Sách và thị trấn Sao Đỏ của tỉnh Hải Dương vào tháng 8-2017.

Thuyền dài 6,8m, sau phục dựng dài 7,2m, rộng 70cm, cao 55cm, hai mạn thuyền có ngấn, kiểu có thể lót những thanh đà ngang để ngồi. Trên thuyền có nhiều lỗ mộng hình chữ nhật có chốt ngang và phần đuôi thuyền được đẽo tạo hình như kiểu "đầu thú" có gờ nhô cao ở giữa, có mũi khoan lỗ buộc...

Bằng phương pháp so sánh đối chiếu, TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, xác định kiểu thuyền Đông Sơn đó giống với thuyền Động Xá khai quật năm 2004.

Xác định niên đại cho thấy thuyền này ở thế kỷ 1 trước Công nguyên, thuộc nền văn minh Đông Sơn và đó là chiếc thuyền Đông Sơn nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện nay!

So trong lịch sử tàu thuyền của cả khu vực Đông Á, kể cả những nước có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, việc tồn tại một chiếc thuyền thời tiền sử còn nguyên vẹn như thế là vô cùng hiếm.

Đó là lý do gây bất ngờ và ngạc nhiên cho nhiều nhà khảo cổ và nghiên cứu văn hóa lịch sử, khi đại diện Bảo tàng Phạm Huy Thông thông báo kết quả nghiên cứu bước đầu về chiếc thuyền tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc tổ chức ở TP Thanh Hóa cuối năm 2017.

Thông tin tiếp tục được đăng tải trên một tạp chí chuyên ngành về lịch sử tàu thuyền tại Ba Lan đã gây tiếng vang quốc tế và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tàu thuyền cổ đã tìm về tiếp cận tận nơi...

Sự bất ngờ phát hiện ấy chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện cổ vật trục vớt được ở các dòng sông trên cả ba miền của đất nước. Khó có thể thống kê hết cổ vật lòng sông với số lượng hàng ngàn hiện vật trục vớt được.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa (Huế) nhận định: "Lịch sử được cất giấu dưới lòng sông là hiện tượng quá độc đáo". GS.TS triết học Thái Kim Lan nhận xét: "Đây là hiện tượng văn hóa đầy bất ngờ và rất đặc biệt!".

Những dòng sông cổ vật - kỳ cuối: Những trầm tích văn hóa - Ảnh 3.

Thuyền độc mộc Đông Sơn hơn 2.000 năm trước - Ảnh: THÁI LỘC

Phản ánh "văn minh sông nước"

Theo TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: "Cổ vật lòng sông liên quan đến những di chỉ cư trú ở vùng thượng nguồn và hiện tượng chuyển dòng làm đổ sụp xuống sông; hoặc liên quan đến cuộc sống của con người trên sông, ven sông trong việc trao đổi, đi lại, chìm đắm tàu thuyền...".

TS Trần Quý Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước - Viện Khảo cổ học Việt Nam, còn cho rằng hiện tượng trên phần nào phản ánh rõ ràng việc giao thương của một nền "văn minh sông nước": "Là quốc gia sông nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thương mại phát triển thì chuyên chở, rủi ro tàu đắm, rồi chiến tranh... khiến cổ vật ở lòng sông rất nhiều. Và đó chính là các lớp trầm tích văn hóa của quốc gia".

Bằng thông tin thực địa và phương pháp thực nghiệm, TS Nguyễn Việt cho hay những đoạn sông có cổ vật thường có nền trũng, có thể do nứt gãy địa chất hoặc các eo tự nhiên trở thành nơi tích tụ, nơi chứa cổ vật cho dù dòng nước vận động bên trên.

Kế đến là những đoạn sông có thủy triều cân bằng với lượng nước đổ từ thượng nguồn xuống cũng trở thành nơi chứa cổ vật.

Ông lấy ví dụ ở ngay đoạn sông Bạch Đằng, nơi diễn ra nhiều trận thủy chiến trong lịch sử nhưng đến nay, cả dân lặn cổ vật lẫn nạo hút cát rất hiếm phát hiện được hiện vật chiến tranh, và hầu như chưa tìm thấy thuyền đắm trong khi cách đó không xa, sông Lục Đầu, nhất là đoạn Phả Lại, lại tìm thấy "hằng hà sa số" hiện vật, kể cả thuyền cổ.

Cứu lấy những trầm tích văn hóa

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, đối với vấn đề cổ vật đáy sông, hiện nay chưa có chủ trương đàng hoàng, khảo sát nghiêm túc, các vấn đề về pháp lý, khoa học lẫn đội ngũ (khảo cổ học dưới nước)...

Ông nói: "Điều cần thiết là có giải pháp ngăn chặn, nếu để như hiện nay thì di sản thất thoát hết cả!".

Trong khi đó, TS Trần Quý Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, cho rằng do hoạt động của những người săn tìm đồ cổ, rà tìm phế liệu với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại và hoạt động... tự do, đến nay những điểm lòng sông tập trung nhiều hiện vật cơ bản đã bị khai thác hết.

Ông cho rằng nếu còn, chỉ hi vọng vào các khu cảng thị bị bồi lấp sâu, cổ vật nằm sâu ở lớp đất cát chưa bị người dân đụng đến.

TS Thịnh cho biết trên thế giới, khảo cổ học dưới nước có từ rất lâu, ngay cả một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines... ngành khảo cổ này phát triển khá mạnh, được đầu tư lớn, kỹ thuật hiện đại, phục vụ tốt công cuộc phát triển.

Trong khi đó ở Việt Nam, khảo cổ học dưới nước nói chung, lòng sông nói riêng, cơ quan nhà nước có chức năng gần như đứng ngoài cuộc.

Theo TS Thịnh: "Ở Việt Nam cách đây mấy chục năm đã đặt vấn đề phải có ngành khảo cổ học dưới nước nhưng đến nay vẫn vậy, không có gì tiến triển thêm".

Ngay cả đối với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước do ông làm giám đốc, thành lập đã ba năm, nhưng đến nay "chưa được Nhà nước đầu tư một đồng nào, đến một cái thẻ bơi cũng không có, chưa được đào tạo một cái gì cơ bản về khảo cổ học dưới nước nên chưa làm được gì cho đến giờ phút này".

Những dòng sông cổ vật - kỳ cuối: Những trầm tích văn hóa - Ảnh 4.

Thuyền độc mộc cổ nguyên vẹn của Bảo tàng Vĩnh Long được phát hiện dưới lòng sông Cổ Chiên, huyện Long Hồ - Ảnh: THÁI LỘC

"Khu vực Lục Đầu thủy triều tác động đến tận đoạn Phả Lại. Đó cũng là chỗ nhận nước của các con sông từ thượng nguồn xuống như sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống tụ vào, đồng thời bị các dòng thủy triều theo sông Kinh Thầy và Thái Bình đẩy lên, nên cổ vật trong quá trình di chuyển đã dừng lại ở đoạn đấy!".

TS NGUYỄN VIỆT

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên