Vợ chồng ông Lê Văn Thông, người hiến tặng bức tượng nữ thần - Ảnh: THÁI LỘC
Trong hai bức tượng cổ này, một đang thuộc về một nhà sưu tầm tư nhân ở TP.HCM, một thuộc Bảo tàng Vĩnh Long.
Bức tượng xứng đáng đặt ở bảo tàng để thu hút mọi người cùng đến chiêm ngưỡng, và biết đâu nó đặt tiền đề cho việc nghiên cứu văn hóa trong vùng Cổ Chiên này. Do đó, tặng bảo tàng là việc nên làm!
Đại đức Thích Đức Hiền
Chuyện của "hoàng tử voi"
Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Anh Tuấn tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở phường 18, quận 4, TP.HCM, nơi có hàng loạt tượng Phật thuộc văn hóa Phù Nam, Óc Eo. Nổi lên trong số đó là tượng Ganesha, còn gọi là "hoàng tử voi", một vị phúc thần con của thần Shiva với màu nâu sáng bóng, khác biệt hẳn so những tượng đá xung quanh.
"Hoàng tử voi" ở tư thế ngồi, cao 38cm, rộng 34cm, dày 21cm, ngoài vết lõm nhỏ trên trán nhiều khả năng tạo bởi thớ đá, còn lại nguyên vẹn với kỹ thuật tạc khắc có hồn.
Ông Tuấn kể vào năm 2002, ông nhận cuộc điện thoại từ người quen ở miền Tây khoe rằng có người nông dân ở huyện Càng Long (Trà Vinh) vớt được bức tượng "hình người nhưng đầu voi thế ngồi" rất lạ từ sông Cổ Chiên.
Kinh nghiệm làm bảo tàng khá nhiều năm và gần như chuyên về tượng đá cổ, qua diễn tả ông biết ngay là tượng Ganesha nên tức tốc tìm về. Bức tượng "hớp hồn" ông bởi sự vẹn nguyên, đẹp và quý.
Dẫn ông ra bờ sông Cổ Chiên cạnh nhà, chủ nhân cho biết tình cờ nhìn thấy một phần nhỏ tượng nổi chìm giữa đám đất bị sạt lở trước đó. Ông lội ra, sờ và thấy vết chạm khắc, biết là bức tượng cổ nên kêu người phụ khiêng về nhà. Ngay trong lần gặp đầu tiên, ông Tuấn đặt vấn đề mua, chủ sở hữu gật đầu.
Ông Tuấn cho biết: "Ban đầu tôi chưa thực sự tin bức tượng nằm dưới đáy sông. Nhưng khi tìm hiểu có một số trường hợp hiện vật bằng đá do nằm lâu ngày dưới nước đã hình thành nên một lớp "patin" sáng bóng và màu trông giống như sắt".
Từ một số đặc điểm, phong cách điêu khắc và tư thế ngồi, ông Tuấn xác định tượng có niên đại thế kỷ 5-7, thuộc văn hóa Phù Nam.
Nhà sưu tầm Nguyễn Anh Tuấn và tượng “hoàng tử voi” - Ảnh: THÁI LỘC
Nữ thần 7 tỉ đồng
Bước vào gian trưng bày "Vĩnh Long - dấu ấn xưa" của Bảo tàng Vĩnh Long nằm bên bờ sông Cổ Chiên, tôi tìm thấy ngay bức tượng mà ông Tuấn đã mách nước.
Tượng cao gần 1,4m, nhân dạng nữ thần, vận dohti chạy dài xuống dưới rồi xòe hai bên như đuôi cá phủ lên hai bàn chân; tay phải bị gãy mất, còn tay trái cầm bình nước, tóc búi cao, thắt lọn, thân trên vận "y ướt" để lộ bộ ngực căng tròn tuyệt mỹ...
Ông Phạm Hùng Cường, trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Vĩnh Long, cho biết hội đồng giám định cổ vật lần đầu do GS Lê Xuân Diệm và lần hai do PGS.TS Đặng Văn Thắng chủ trì đều thống nhất đây là tượng Saraswati, và là tượng duy nhất không chỉ của VN mà còn của cả Đông Nam Á.
Nhà sưu tầm Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng: "Nhìn phong cách tạc, hình thể, búi tóc cho đến kiểu bình cầm tay, theo tôi, đây là tượng nữ thần Ganga, tức nữ thần sông Hằng, có niên đại sớm, trong khoảng thế kỷ thứ 7".
Theo ông Cường, hội đồng định giá bức tượng nữ thần này hơn 7 tỉ đồng, và theo quy định hiện hành, người có công phát hiện sẽ được thưởng 1% giá trị bức tượng.
Ông nói: "UBND tỉnh đã đồng ý thưởng cho người phát hiện và hiến tặng 73 triệu đồng. Biết là số tiền ít so với giá trị bức tượng, nhưng cả hai người phát hiện lẫn hiến tặng hào hiệp lắm, tặng mà không đòi hỏi gì cả".
Tặng bảo tàng là việc nên làm!
Bức tượng quý trục vớt từ lòng sông Cổ Chiên trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long - Ảnh: THÁI LỘC
Chúng tôi tìm về "người tặng hào hiệp" là đại đức Thích Đức Hiền, trụ trì chùa Phước An ở xã Xuân Hiệp, Trà Ôn, Vĩnh Long.
"Vậy là sắp có thêm tiền góp phần làm từ thiện, mua gạo, mì tặng cho người nghèo hoặc đồng phục cho học sinh nghèo, công việc mà nhà chùa làm 3-4 đợt mỗi năm!" - ông nói ngay khi đón nhận thông tin sắp được thưởng tiền.
Ông bày tỏ: "Bức tượng quý như vậy, nghe đâu duy nhất hiện nay, lại không phải tượng Phật để có thể thờ ở chùa. Bức tượng xứng đáng đặt ở bảo tàng để thu hút mọi người cùng đến chiêm ngưỡng, và biết đâu nó đặt tiền đề cho việc nghiên cứu văn hóa trong vùng. Do đó, tặng cho bảo tàng là việc nên làm!".
Thầy Đức Hiền kể tượng do ông Lê Văn Thông, làm nghề xáng cạp cát bất ngờ phát hiện từ lòng sông Cổ Chiên rồi mang lên hiến cho chùa. Thấy bức tượng không hợp với nhà chùa, ông đã liên hệ với cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận với mong muốn trả tượng về chủ cũ vì ông nghi ngờ đây là tượng của họ.
Sau nhiều lần tìm hiểu kỹ hơn, ông biết rằng trong lịch sử vùng bờ sông Cổ Chiên không có cộng đồng Chăm mà chỉ có cộng đồng Phù Nam, Óc Eo sinh sống. Sau đó, ngành văn hóa Vĩnh Long đến xem tượng và đặt vấn đề nên ông quyết định hiến tặng cho bảo tàng tỉnh.
Ông Lê Văn Thông (xã Tân An Luông, Vũng Liêm, Vĩnh Long) cho chúng tôi biết trong tháng 11-2016, khi hút cát san lấp mặt bằng làm con lộ ở ấp Cầu Ván cùng thì ông bất ngờ phát hiện bức tượng nằm giữa sà lan. Thì ra bức tượng nằm gọn trong xáng cạp múc cát từ lòng sông Cổ Chiên đổ vào sà lan mà người lái xáng hoàn toàn không hay biết.
Ban đầu, vợ chồng ông cứ nghĩ là tượng Quan Âm và có ý lập am để thờ trong sân nhà. Nhưng vợ ông "lý luận": "Nếu tượng Phật thì sao lại quấn xà rông?". Thầy Đức Hiền sau đó tìm đến xác định không phải tượng Phật, và cho rằng tượng Chăm.
Lúc ấy vợ chồng ông Thông ngỏ ý hiến cho chùa với lý do: "Phật thì mình còn thắp hương cúng kiếng được, chứ tượng tôn giáo mình đâu có biết cách cúng thế nào đâu mà thờ".
"50 triệu cũng không bán"
Thời gian ấy, nhiều người bàn ra tán vào, bảo vợ chồng ông dại, có được tượng quý sao lại đi cho. Có người khuyên nên trả bức tượng về lại đáy sông, chỗ xáng cạp phát hiện để làm ăn đỡ xui xẻo. Một người khác bảo nếu ông đồng ý bán họ sẽ đưa ông 5 triệu đồng, ông Thông liền bảo: "Dù mày có đưa 50 triệu tao cũng không bán. Phải Phật thì tao thờ, còn không phải thì tao tặng thôi!".
Kỳ tới: Châu báu bạc vàng dưới sông Cửu Long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận