03/10/2018 12:00 GMT+7

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 3: Giải mã cảng xưa Biên Hòa

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Trong một lần khảo sát thực địa ven sông, những người làm bảo tàng Đồng Nai bất ngờ phát hiện một hũ gốm cổ để bên hiên nhà của một người làm nghề lặn tôm.

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 3: Giải mã cảng xưa Biên Hòa - Ảnh 1.

Kho sưu tập cổ vật trục vớt lòng sông của Bảo tàng Đồng Nai - Ảnh: THÁI LỘC

Đoạn sông (Đồng Nai) tìm thấy nhiều hiện vật nhất vẫn là khu vực đồng bằng hạ nguồn, mà nhiều và tập trung nhất vẫn là từ cù lao Rùa đến cù lao Ba Xe.

Ông LƯU VĂN DU

Hiện vật tức thì được đưa về bảo tàng, khởi đầu cho việc sưu tập hiện vật từ lòng sông Đồng Nai với hàng ngàn món cổ vật, phản ánh đầy đủ các giai đoạn văn hóa từ tiền sử, sơ sử cho đến hiện đại…

Dưới sông thứ gì cũng có!

Ông Lưu Văn Du, giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, kể câu chuyện từ năm 1993: "Hồi đó, tôi cùng anh Đỗ Bá Nghiệp, lúc đó là giám đốc, đi khảo sát ven bờ sông Đồng Nai, đi ngang ngôi nhà nhỏ của một người làm nghề lặn tôm thì thấy bên hiên có cái bình gốm đầy hà dính xung quanh.

Chúng tôi ghé vào, hỏi chuyện ông chủ nhà, ổng nói lấy lên từ đáy sông trong một lần đi lặn tôm. "Ở dưới sông nhiều đồ lắm, không chỉ loại gốm sứ như thế này đâu, mà thứ gì cũng có dưới đó cả!".

Thông tin ấy đối với người làm bảo tàng quý như vàng, chúng tôi bảo ông thấy có cái gì thì cứ vớt lên, bảo tàng sẽ mua lại. Về sau, chúng tôi đặt vấn đề với một người chuyên thu gom đồ trong dân, mua lại đồ vớt dưới sông rồi đem về bảo tàng. Kể từ đó, kho cổ vật đáy sông Đồng Nai của bảo tàng cứ dần đầy lên!".

Dẫn chúng tôi tham quan phòng trưng bày hiện vật ở Đồng Nai từ giai đoạn đầu Công nguyên đến thế kỷ 15, một nữ cán bộ bảo tàng diễn giải về tủ hiện vật gốm trục vớt từ đáy sông ngay bên phải lối vào.

Trong 20 hiện vật trưng bày, hầu hết đều rất điển hình cho văn hóa phương Nam giai đoạn sơ sử và những buổi đầu lịch sử.

Đáng chú ý là nhóm hiện vật giai đoạn thế kỷ 10-13 tuyệt đẹp, từ mấy chiếc "bình con tiện" bằng sành có men, trên thân có hai vành hoa văn khắc nối tiếp; những chiếc ấm (kendy) có vòi, không quai bằng gốm mộc; chiếc chóe gốm hoa văn "chải" dọc nửa thân trên khá đặc biệt cho đến cái "nắp" gốm men được xác định thuộc nền văn hóa Ăngkor…

Sự ngạc nhiên hơn cả đối với chúng tôi khi được bà Lâm Thị Vân Thoa, trưởng phòng kiểm kê - bảo quản, dẫn đi xem kho hiện vật trục vớt nằm ở tầng 4.

Trong kho 100m2 này chứa gần 1.200 hiện vật đặt trên hàng chục tủ kính và giá kệ xếp theo từng chủng loại. Ấn tượng hơn cả là những nồi gốm thuộc hàng niên đại sớm. Có rất nhiều giá đựng bình gốm đủ loại, đủ kiểu; từ loại cổ nhỏ, miệng bé xíu (có thể đựng thủy ngân để khai thác vàng) cho đến loại lớn hơn có miệng hình "con tiện" với nhiều tầng hoa văn trông rất bắt mắt.

Có rất nhiều loại hũ, chum, chóe, âu, ấm chén, bình vôi, ống nhổ, đèn thắp, lư hương… bằng gốm hoặc sành cho đến những hiện vật bán sứ và đồ sứ. Đáng chú ý hơn cả là nhóm hiện vật bằng đá với hàng chục bộ bàn nghiền, ngạch cửa chạm khắc, các chi tiết đền tháp và hàng loạt tượng hoặc thành phần tượng cổ…

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 3: Giải mã cảng xưa Biên Hòa - Ảnh 3.

Các hiện vật thời kỳ đầu lịch sử từ đáy sông Đồng Nai trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai - Ảnh: THÁI LỘC

Phản ánh đời sống sôi động

Theo ông Lưu Văn Du, hiện vật đáy sông Đồng Nai phản ánh đời sống sôi động diễn ra cả ngàn năm trên lưu vực sông Đồng Nai, từ thượng nguồn đến vùng hạ du và cho tới tận ven biển. Ông cho biết khu vực thượng nguồn tìm thấy rất nhiều đồ đồng, đá và đất nung của người tiền sử giai đoạn sớm. Cùng với đó là nhóm hiện vật khác ở giai đoạn muộn hơn, cách 500-700 năm trở về trước, có cả đồ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan…

Nhiều hiện vật trong đó tương đồng với kết quả nhiều cuộc khai quật khảo cổ các di tích thời tiền sử ven sông Đồng Nai như Phú Lộc, Bến Nôm, Suối Chồn, Gò Me, Rạch Lá… và di tích thời sơ sử như Đồng Bơ, Bàu Sen, Gò Chiêu Liêu, Gò Bường…

Đoạn sông tìm thấy nhiều hiện vật nhất vẫn là khu vực đồng bằng hạ nguồn, mà nhiều và tập trung nhất vẫn là từ cù lao Rùa đến cù lao Ba Xe. Hiện vật tìm thấy đoạn này hầu hết có niên đại muộn hơn, trong khoảng 300-400 năm, cả đồ Việt lẫn đồ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan…

"Sông Đồng Nai phát sinh nội địa, là nguồn sống chính của cư dân từ thời tiền sử đến sau này, cho nên hai bờ sông có loại hình di tích nào là dưới sông người ta vớt có hiện vật giai đoạn ấy. Có lẽ khi sông biến đổi dòng chảy làm sạt lở di tích trên bờ xuống, hoặc do giao thương, sự cố rơi rớt xuống sông!" - ông Du nhận định.

"Giải mã" cảng xưa Biên Hòa

Nhận định bước đầu của nhóm chuyên gia do GS Lê Xuân Diệm chủ trì, cho rằng: "Sưu tập cổ vật thu thập từ lòng sông Đồng Nai đã đưa đến cho khảo cổ học những tư liệu khá quan trọng để mở ra các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu vết tích một "cảng sông" có quy mô khá lớn trong lịch sử các cộng đồng dân cư sinh sống quanh vùng châu thổ ven sông Đồng Nai".

Cảng này có thể đã trải qua hai thời kỳ quan trọng và có sự khác nhau rất rõ: "Buổi đầu chủ yếu gắn với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Về sau, chủ yếu lại gắn liền với sinh hoạt dân gian, hoạt động thương mãi".

Theo đó, thời kỳ đầu trong khoảng thế kỷ 6-7 cho đến thế kỷ 12-13, minh chứng bởi nhóm vật dụng sinh hoạt tôn giáo chất lượng cao, chế tác cẩn thận. Đó là những chum lớn, những bình có vòi, những bình lớn chân đế cao và những bộ chày - bàn nghiền, vật dụng có nắp đậy…

kỳ thứ hai trong khoảng thế kỷ 16-18 với số lượng hiện vật rất lớn và đa dạng, chủ yếu đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như: hũ, chum, nồi, niêu, chén, bát, bếp, ống nhổ…

Điều đáng nói, các hiện vật lòng sông Đồng Nai có sự tương đồng với hiện vật xuất lộ trong những cảng xưa ở khắp miền Nam, từ Bến Nghé (TP.HCM), Gò Công (Tiền Giang), An Thành (Bến Tre), Óc Eo-Ba Thê (An Giang), thậm chí trong chiếc thuyền đắm ven bờ vịnh Thái Lan…

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 3: Giải mã cảng xưa Biên Hòa - Ảnh 4.

Những tượng đá hơn nghìn năm tuổi trục vớt từ lòng sông Đồng Nai - Ảnh: THÁI LỘC

Cảng sông Biên Hòa có trước thế kỷ 17

Bộ cổ vật sưu tập từ lòng sông Đồng Nai cho thấy hình ảnh về một cảng sông cổ xưa của đất Biên Hòa, dù đến thế kỷ 17-18 nó mới thực sự trở thành một cảng sông lớn cho cả vùng Gia Định, cửa ngõ giao thương lớn giữa Bắc và Nam.

Điều này là chứng cứ quan trọng bổ khuyết cho các thư tịch cổ viết về khu Đại Phố - Trấn Biên đã "quên" không nhắc đến cảng sông hoạt động nhộn nhịp nơi đây.

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2:  Sông Hương êm đềm Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2: Sông Hương êm đềm

TTO - Tại cố đô Huế, có hằng hà sa số hiện vật phản chiếu lịch sử vùng đất ngàn năm văn vật được trục vớt lên từ lòng sông Hương...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên