02/10/2018 11:09 GMT+7

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2: Sông Hương êm đềm

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Tại cố đô Huế, có hằng hà sa số hiện vật phản chiếu lịch sử vùng đất ngàn năm văn vật được trục vớt lên từ lòng sông Hương...

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2:  Sông Hương êm đềm - Ảnh 1.

GS.TS Thái Kim Lan tại “Không gian gốm sông Hương” sắp thành hình - Ảnh: THÁI LỘC

Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng thợ lặn Nguyễn Văn Cân, ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế cũng đồng ý cho chúng tôi cùng đi theo ghe lặn đồ cổ dưới sông Hương. 

9h sáng, Cân nổ máy chạy đến cồn Sơn, một cù lao nổi giữa sông, bên này là phường Hương Vinh thuộc thị xã Hương Trà và bên kia là xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

Tôi muốn bày cho người ta thấy, kể cho người ta nghe một sông Hương thứ hai thẳm sâu với tầng tầng lớp lớp văn hóa suốt nghìn năm chất chứa trong lòng!

GS.TS triết học Thái Kim Lan

Bên dưới đáy sông

Theo ghe còn có Bảo, một thợ lặn đi cùng để thay phiên nhau người xuống nước, người kiểm soát trên ghe và điều chỉnh máy bơm hơi. 

Cân bận độc quần đùi, mắt đeo kiếng lặn, tay cầm một thanh sắt khá dài, miệng ngậm ống hơi nhảy ùm xuống nước. Tôi không quen ngậm ống nhưng cũng liều mình lặn xuống, đeo kiếng lặn quan sát. 

Cân cầm thanh sắt thọc xuống lớp bùn, trong làn nước đục, hết chỗ này sang chỗ khác, thỉnh thoảng anh phát hiện ra điều gì rồi thọc tay xuống chỗ thanh sắt vừa thọc. Một hũ gốm nhỏ và hai mảnh sành khá lớn được lấy lên, đưa lên ghe.

Trong hơn hai tiếng đồng hồ Cân và Bảo thay phiên nhau lặn, kết quả được mấy chục món đồ gốm sứ, đa phần bị vỡ, có những món vết vỡ tươi mới chứng tỏ do thanh sắt đâm trúng. Những mảnh vỡ đủ loại, từ đồ gốm Trung Quốc thời Hán, Đường cho đến chén bát sứ đời Minh, Thanh. 

Có mấy mảnh chén bát gốm Việt thời Trần, Lê và những bình vôi Chăm bằng đất nung sứt mẻ... Chỉ có hai chiếc hũ nhỏ còn nguyên vẹn và một nồi gốm nhỏ có hoa văn dưới đáy lẫn xung quanh. 

Chiếc nồi bằng đất pha cát rất quý giá, đối chiếu tài liệu khảo cổ, nhiều khả năng là hiện vật tùy táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh cách đây 2.000 năm.

Cân vốn là dân vạn đò nhiều đời lênh đênh trên sông Hương, được lên bờ định cư hơn 20 năm trước. Thợ lặn 46 tuổi này có đến 34 năm mưu sinh dưới nước với đủ thứ nghề, từ chài lưới, cào hến, cát sạn, lặn phế liệu và lặn cổ vật. 

Anh kể những năm sau 1975 đói kém, gia đình anh cũng như phần lớn dân vạn đò ngoài nghề ngư còn lặn thêm phế liệu dưới đáy sông để đắp đổi qua ngày. Hồi đó dưới sông đồ gốm sứ cổ rất nhiều nhưng không ai chú ý đến nên chẳng ai lấy lên làm gì. 

Đến những năm 1990, đồ gốm sứ cổ đáy sông lọt vào mắt người chơi, dân lặn mới tìm những đồ vật đẹp và nguyên vẹn để bán. 

Dần dần, nhiều nhóm dân vạn đò chuyển sang lặn cổ vật, đưa lên bờ tất cả mọi vật cứng dưới sông, kể cả mẻ sành, mẻ sứ hay đá san hô, vì hầu như bất cứ thứ gì cũng được các nhà sưu tầm đồ cổ trục vớt thu mua. 

Thế là suốt mấy chục năm, đội ngũ thợ lặn càn quét hằng ngày, hằng giờ dưới đáy sông Hương. 

Theo lời Cân: "Dòng sông thật lạ, nhiều người mò lặn trục vớt suốt mấy chục năm mà vẫn còn đồ như anh thấy đó. Có những chỗ lặn rất nhiều lần, tưởng chừng đã hết nhưng hễ lặn lại là vẫn có đồ!".

Các thợ lặn cũng "tổng kết" rằng trên sông Hương, đồ gốm sứ tìm thấy nhiều nhất vẫn là đoạn từ cầu Chợ Dinh trở về cách ngã ba Sình vài cây số về phía hạ lưu. Đặc biệt, những đồ gốm giai đoạn sớm, hơn 2.000 năm trở về trước, đều được tìm thấy ở đây. 

Đoạn từ kinh thành Huế trở lên phía thượng nguồn rất ít đồ, nhưng hễ gặp là toàn đồ đẹp, nhiều đao kiếm, súng đạn, gương, bàn ủi, ống nhổ đồng và một số đồ sứ; 

Thỉnh thoảng có người còn vớt được cả súng thần công đồng "hai người khiêng không nổi", bán rất được giá. Riêng đoạn hạ nguồn, chỗ hợp lưu phá Tam Giang thì dân lặn liên tục vớt được súng thần công cỡ lớn...

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2:  Sông Hương êm đềm - Ảnh 3.

Bộ sưu tập gốm sông Hương “Đi tìm thời gian đã mất” của cố nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan đang bị cỏ cây phủ đầy - Ảnh: THÁI LỘC

Không gian gốm sông Hương

Tôi gặp GS.TS triết học Thái Kim Lan, một trí thức người Đức gốc Huế, trong lần chị về quê lần này để trưng bày một "Không gian gốm sông Hương" tại khu nhà tổ tiên để lại. 

Đó là hàng nghìn cổ vật trục vớt đáy sông do người anh trai của chị, cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, dày công sưu tầm suốt mấy chục năm để lại. 

Tại khu từ đường họ Thái nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên gần chùa Thiên Mụ của Huế, hai căn nhà rường và một hành lang gỗ lợp ngói vừa được dựng lên. 

Khoảng sân rộng phía trước có hồ nước, mấy kệ bêtông chưng nhiều lu gốm nổi lên trên thảm cỏ dày, nằm dưới những tán cây hoa trái mượt xanh. Đó mới là phần sân trước của khu từ đường mà thôi.

Theo dự án của chị Lan, các loại gốm dưới đáy sông Hương sẽ được phân loại, sắp đặt, tự giới thiệu, tự kể những câu chuyện về chúng... 

Người thưởng lãm sẽ được kể câu chuyện về sông Hương lần thứ hai, đó là những lớp trầm tích văn hóa các thời kỳ lịch sử, về hàng hàng lớp lớp con người đến khai phá và cư ngụ ở vùng đất này; họ đã quá vãng nhưng kịp để lại những lớp trầm tích dưới lòng sông Hương... Nếu không có gì thay đổi, khu trưng bày này sẽ mở cửa đón khách khoảng giữa năm 2019.

Nhắc đến hiện vật dưới lòng sông Hương, không thể quên sưu tập "Đi tìm thời gian đã mất" của cố nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan ở phường Phú Hậu, Huế. 

Ông Phan bắt đầu sưu tầm hiện vật sông Hương vào thập niên 1980 với số lượng lên đến hàng vạn hiện vật, đủ cả các giai đoạn lịch sử của Đại Việt, Champa và cả Trung Quốc. 

Dưới đáy sông Hương có thứ gì thì sưu tập của ông có thứ nấy, kể cả hiện vật thời chống Mỹ, gồm quân trang, quân phục cả hai phía nằm dưới lòng sông. Tiếc cho công cuộc nghiên cứu bị dở dang khi ông qua đời vào năm 2016.

Những dòng sông cổ vật - Kỳ 2:  Sông Hương êm đềm - Ảnh 4.

Thợ lặn Nguyễn Văn Cân khai thác cổ vật từ lòng sông Hương - Ảnh: THÁI LỘC

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Việc tìm thấy rất nhiều hiện vật trên sông Hương trải dài từ thượng nguồn cho đến cửa biển chứng tỏ sông Hương là nơi tích hợp những dấu tích của cư dân vùng Huế từ thời cổ đại cho đến hiện đại.

Tiếc là hiện vật sông Hương chưa trở thành đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Văn hóa Huế. Nếu họ chịu khó sưu tầm, tôi cho rằng họ sẽ sở hữu bộ sưu tập độc đáo bậc nhất trong hệ thống bảo tàng hiện nay”.

_______________________

Kỳ tới: Giải mã cảng xưa Biên Hòa

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên