Xử lý thuyền cổ trục vớt từ lòng sông Lục Đầu tại Bảo tàng Phạm Huy Thông (Quảng Yên, Quảng Ninh) - Ảnh: NGUYỄN VIỆT
Những chiến thuyền thời Trần, nhiều đao kiếm, chén bát, chai lọ, hũ đựng thuốc... được trục vớt từ đáy sông Lục Đầu và những nhánh sông lân cận, khả năng là tàn tích chiến trận Bạch Đằng trong lịch sử.
Chỉ một thời gian ngắn trên đoạn sông Lục Đầu mà cổ vật thu được nhiều đến mức khó tưởng tượng. Chúng phản ánh bức tranh tổng thể khá rõ ràng của nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, nó góp phần bổ sung toàn diện hơn công cuộc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng diễn ra dưới thời Trần
TS NGUYỄN VIỆT
Cổ vật xen lẫn xương cốt
Cầu Phả Lại nằm trên quốc lộ 18 xây rất cao bắc qua sông Thái Bình, có khổ thông thuyền dễ đến cả trăm mét, bên này là địa phận tỉnh Bắc Ninh, bên kia là thị xã Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương với Nhà máy nhiệt điện Phả Lại đang nhả khói trắng xám.
Chúng tôi tìm đường vòng xuống chân cầu, nơi có khoảng chục chiếc thuyền đang neo đậu cạnh nhau.
Chúng tôi bước lên một chiếc thuyền và hỏi... mua đồ cổ. Một anh thanh niên nhanh nhẩu: "Tôi có cái này, đồ xưa lắm, men rạn xịn luôn, mới vớt ở Lục Đầu, đoạn mé sông Cầu hôm qua đấy!".
Anh ta đưa ra một cái chén gốm nhỏ màu trắng ngà cùng dăm xu đồng và mấy viên đạn súng. Đó là anh Nguyễn Văn Ban, 32 tuổi, dân Chí Linh (Hải Dương), chuyên làm nghề lặn hến.
Anh Ban cho biết dưới dòng sông có rất nhiều đồ cổ, cái gì cũng có, từ đồ chén bát sành sứ cho đến đồ đồng, đồ gỗ.
Ngoài lặn hến, anh còn lặn đồ cổ. "Tôi chỉ lấy những đồ còn nguyên, bán được!".
Anh Trần Quang Hùng, 35 tuổi, người Phả Lại, cũng là dân lặn hến, thò tay lấy dưới khoang thuyền của mình mấy món đồ gốm còn nguyên, hầu hết là chén bát kiểu Hán đầu Công nguyên. Anh hỏi có mua bình vôi không, tôi gật đầu.
Chiếc bình vôi thời Lê dòng Chu Đậu khá lớn, còn nguyên vẹn được anh gói cất kỹ lưỡng, hô giá 5 triệu đồng...
"Tất cả đều được vớt ở đoạn sông này cả đấy. Mà lòng sông thật lạ, rất nhiều đồ, vớt hết năm này sang năm khác mà vẫn có đồ, thứ gì cũng có!" - Hùng nói.
Tôi lên một chiếc ghe máy để đi ngược dòng sông hướng về phía đền Kiếp Bạc.
Chủ ghe tên Hòa, 45 tuổi, làm cát sạn ở Phả Lại, diễn giải với tôi rằng đoạn sông đang đi là sông Thái Bình, được gọi tên Lục Đầu vì hợp nước của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam đổ vào, hợp với sông Đuống rồi chuyển nước về rẽ vào hai con sông là Thái Bình và Kinh Thầy xuôi ra biển.
Đoạn sông này khá rộng, đôi bờ có đê phân cách với nội đồng, đi chừng 5-6km đến đền Kiếp Bạc.
Anh Hòa kể năm lên 14 tuổi anh đã nghỉ học theo cha mẹ làm cát sạn, lặn hến và lặn thêm... đồ cổ. Hồi đó lặn xuống sông bắt gặp được đủ thứ đồ, cả gốm sứ, sắt thép, thuyền gỗ, gạch đá...
Ban đầu mọi người chỉ vớt lên các loại đồ kim loại như gươm giáo, súng đạn, gương, rìu... Về sau đồ kim loại ít dần, trong khi dân buôn đang thu mua đồ gốm nên mọi người chọn lựa những thứ có thể bán được như chén bát, bình vôi, các loại hũ có men...
Những năm gần đây, một số mảnh gốm sứ người ta cũng mua, đặc biệt là có nhóm mua đồ gỗ, nhất là những chiếc thuyền đắm, nếu còn nguyên vẹn được mua với giá khá cao.
Anh cho biết cả đoạn Lục Đầu và những con sông vùng lân cận thường xuyên lặn được thuyền cổ, khi thì nguyên chiếc, khi thì một phần.
"Dưới dòng sông này, xen lẫn với cổ vật, mọi người bắt gặp nhiều hài cốt lắm, có khi là đầu lâu, khi thì các loại xương ống. Ai gặp thì đưa lên bờ chôn cất, nhang khói đàng hoàng!" - anh Hòa cho biết.
Ngư dân Nguyễn Văn Ban và những cổ vật lấy từ lòng sông Phả Lại - Ảnh: THÁI LỘC
Chứng tích trận chiến
Một trong những nơi thu gom hiện vật trục vớt ở Lục Đầu giang và các con sông lân cận là Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, nằm trên phố Vua Bà, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Bước vào bảo tàng này, ấn tượng đầu tiên của tôi là những con thuyền độc mộc cổ nguyên vẹn bày trước sân. Trong hồ bơi rộng ở sân sau tòa nhà, có đến 6-7 con thuyền độc mộc khác cùng rất nhiều đồ gốm sứ đang được ngâm trong nước.
TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, dẫn tôi đi khắp ba tầng tòa biệt thự cổ kiểu Pháp, tầng nào cũng đều trưng bày cổ vật. Những tủ bày đồ Đông Sơn, các giai đoạn lịch sử của nước Việt cùng với đồ cổ Trung Quốc đủ các giai đoạn thời Hán, Đường cho đến sau này.
Ông mở tủ binh khí và diễn giải về bộ sưu tập đao kiếm bằng đồng và sắt, có những thanh đao và kiếm chạm khắc tuyệt đẹp tuổi đời mấy ngàn năm. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến loạt binh khí khoảng thế kỷ 13-14.
Thông qua hình dáng, phong cách, nhất là kỹ thuật rèn và đường nét chạm khắc, TS Nguyễn Việt phân tích: một bên là vũ khí của nhà Trần, một bên là của quân Nguyên, bao gồm cả đồ thời Tống.
Ông còn đưa ra rất nhiều loại đồ gốm đồ Tống - Nguyên, những chén, lọ nhỏ bằng gốm rất cao cấp, tuyệt đẹp, hiếm thấy.
"Những đồ vật, có thể là lọ nước hoa như thế này, tôi cho rằng chỉ có thể dành cho những vị tướng tầm cỡ rất cao cấp, chứ cấp thấp hơn khó được dùng, nói gì đến quân lính thường dân!" - TS Việt nói.
TS Nguyễn Việt và những vũ khí trục vớt từ lòng sông ở Bảo tàng Phạm Huy Thông - Ảnh: THÁI LỘC
Tiếp tục trục vớt
Hầu hết hiện vật tại Bảo tàng Phạm Huy Thông chủ yếu vớt được từ sông Lục Đầu. Để thấy được toàn cảnh hiện vật trong lòng con sông này, TS Việt đã đề nghị các thợ lặn lấy lên bất cứ thứ gì là vật cứng đưa lên bờ.
Riêng tháng 12-2017, bảo tàng đã thu gom được hàng vạn hiện vật kim loại, gốm sứ...
Đặc biệt, nhóm thợ lặn tìm được đến 10 chiếc thuyền, trong đó xác định bước đầu đến bảy chiếc thuyền thời Trần, một chiếc thời Đông Sơn, một chiếc thời thuộc Hán và một chiếc thời Lê.
Công cuộc trục vớt này được lên kế hoạch tiếp tục cho nhiều năm sau.
_______
Kỳ tới: Sông Hương êm đềm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận