30/01/2018 11:08 GMT+7

Những điều thú vị trong Thông điệp Liên bang của Mỹ

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tối 30-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump sẽ đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên trước Quốc hội và người dân. Sự kiện này có gì đặc biệt mà đang gây chú ý trên truyền thông Mỹ?

Những điều thú vị trong Thông điệp Liên bang của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang duy trì thực hiện những lời hứa tranh cử - Ảnh: REUTERS

Lịch sử

Khái niệm Thông điệp Liên bang được mô tả trong Điều II, Mục 3, Khoản 1 của Hiến pháp Mỹ: "Tổng thống theo định kỳ sẽ cung cấp cho Quốc hội thông tin về tình trạng liên bang và đề xuất các biện pháp ông cho là cần thiết".

Theo Viện Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Tổng thống George Washington đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên trước Quốc hội vào ngày 8-1-1790 tại thành phố New York.

Tổng thống thứ ba, Thomas Jefferson, phá vỡ thông lệ bằng cách chuyển tải thông điệp bằng hình thức viết. Sau Jefferson cách làm này được duy trì trong hơn 100 năm cho đến khi Tổng thống Woodrow Wilson đích thân đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội năm 1913.

Thông điệp của Tổng thống Calvin Coolidge năm 1923 là thông điệp đầu tiên được phát trên sóng radio. Thông điệp của ông Truman năm 1947 là lần đầu tiên phát sóng trên truyền hình. Còn thông điệp của ông George W. Bush năm 2002 là lần đầu tiên phát trực tiếp trên internet.

Những điều thú vị trong Thông điệp Liên bang của Mỹ - Ảnh 2.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt ngồi trước một loạt mirco để đọc Thông điệp Liên bang thập niên 1940 - Ảnh: CNN

Những kỷ lục

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 giữ kỷ lục về độ dài: 1 giờ, 28 phút và 49 giây.

Tổng thống Washington năm 1790 thì giữ kỷ lục ngắn nhất: cả thông điệp chỉ dài 833 từ, đọc hết trong 10 phút.

Tổng thống William Henry Harrison và James Garfield chưa bao giờ đọc Thông điệp Liên bang. Cả hai đều qua đời trước khi kịp đọc.

Tổng thống Barack Obama là người Mỹ gốc Phi duy nhất đọc thông điệp trước Quốc hội.

Lần duy nhất Thông điệp Liên bang bị lùi ngày dự kiến là năm 1986. Bài phát biểu của Tổng thống Ronald Reagan trùng với ngày tàu thoi Challenger phát nổ, nên nó được dời sang tuần tiếp theo sau thảm kịch.

Phản ứng phe đối lập

Thủ lĩnh thiểu số Thượng viện Everett Dirksen và Thủ lĩnh thiểu số Hạ viện Gerald Ford là những người đầu tiên đưa ra phản ứng chỉ trích Thông điệp Liên bang của Tổng thống vào năm 1966. Kiểu đả kích này được duy trì trong suốt một thập niên tiếp theo và chính thức trở thành truyền thống vào năm 1982.

Năm nay, nghị sĩ Joe Kennedy (bang Massachusetts) sẽ thay mặt Đảng Dân chủ phản ứng lại bài phát biểu của ông Trump. Ông Kennedy là ngôi sao đang lên trong một đảng mà những lãnh đạo cao cấp toàn những người già nua ngoài 70 tuổi.

Ông Joe Kennedy xuất thân trong một gia tộc làm chính trị danh giá nhất của Mỹ - dòng họ Kennedy của cố Tổng thống John F. Kennedy.

Những điều thú vị trong Thông điệp Liên bang của Mỹ - Ảnh 3.

Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên năm 2010 - Ảnh: CNN

Người được chọn

Ít nhất một thành viên trong nội các Tổng thống sẽ được chọn ra mỗi năm và được bảo vệ an toàn để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

"Người sống sót được chỉ định" sẽ di chuyển đến một nơi bí mật, an ninh và nằm bên ngoài thủ đô Washington trong khi những người khác tập trung nghe Tổng thống phát biểu ở Đồi Capitol. 

Cá nhân này phải có đủ tiêu chuẩn để trở thành Tổng thống trong trường hợp tất cả những người còn lại qua đời do một biến cố nào đó. Nhưng nếu một người kế vị cao cấp hơn sống sót, người đó sẽ được ưu tiên trở thành Tổng thống trước người "người sống sót được chỉ định".

Thông lệ này bắt đầu từ thập niên 1960 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Khi đó người ta luôn nơm nớp lo sợ một vụ tấn công hạt nhân.

"Người sống sót được chỉ định" năm ngoái là Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh David Shulkin.

Khách mời

Tổng thống Reagan mở đầu truyền thống ghi công các vị khách mời trong bài diễn văn năm 1982. Không hiếm khi khách mời là các công dân bình thường, những người có mối liên hệ với nghị trình của tổng thống đương nhiệm trong năm tiếp theo.

Khách mời nghe đọc Thông điệp Liên bang sẽ ngồi trong khu vực của Đệ nhất phu nhân.

Hậu cần

Thông điệp Liên bang sẽ được đọc tại phòng họp Hạ viện với sự có mặt của tất cả các thành viên Quốc hội Mỹ, các thẩm phán Tòa án Tối cao, các bộ trưởng và viên chức ngoại giao.

Tổng thống được tháp tùng vào khán phòng bởi các thành viên của lưỡng viện Quốc hội. Sự xuất hiện của họ sẽ được thông báo bởi một sĩ quan an ninh Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện sau đó sẽ giới thiệu Tổng thống.

Các thành viên cấp cao nhất thuộc lưỡng viện sẽ ngồi đằng sau Tổng thống trong suốt bài phát biểu, bao gồm phó tổng thống (đồng thời là chủ tịch Thượng viện) và Chủ tịch Hạ viện. 

Chủ tịch lâm thời của Thượng viện sẽ ngồi vào vị trí phó Tổng thống nếu ông không có mặt.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên