15/02/2025 16:04 GMT+7

Những cơ chế đặc biệt nào sẽ giúp TP.HCM hoàn thành 355km metro vào 2035?

Với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì việc TP.HCM triển khai hoàn thành 355km metro trong 10 năm là khả thi.

Những cơ chế đặc biệt giúp TP.HCM hoàn thành giấc mơ làm 355km metro trong 10 năm - Ảnh 1.

Quy mô 7 tuyến metro được TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành từ nay đến 2035 - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đang thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới metro tại TP Hà Nội và TP.HCM.

6 nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ là chìa khóa để TP.HCM hoàn thành 355km metro và TP Hà Nội hoàn thành 397,8km trong 10 năm. Sau khi nghị quyết thông qua, các địa phương có thể khởi công các dự án vào năm 2027.

Hai thành phố đủ tiềm lực để làm nhanh mạng lưới metro

Tại tờ trình, Chính phủ nhấn mạnh hiện nay, kinh tế của hai thành phố đều liên tục tăng trưởng nên nguồn lực đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các tuyến metro không còn quá khó khăn. Tuy nhiên phải có cơ chế đặc thù, đặc biệt để giải quyết "điểm nghẽn" về thể chế.

Về nguồn lực, tại đề án TP.HCM đã đề xuất các cơ chế để huy động vốn làm metro như tăng trần bội chi, phát hành trái phiếu, thu từ TOD, nếu cần sẽ vay các tổ chức tín dụng… TP.HCM sẽ cân đối được bao nhiêu sẽ triển khai đến đó, làm càng nhanh càng tốt chứ không như trước đây.

Để làm 355km metro, TP.HCM cần khoảng 40,2 tỉ USD, được huy động từ nhiều nguồn. Đầu tiên là vốn ngân sách trung ương gồm nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP.HCM; nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu. Tổng vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 8,379 tỉ USD, chiếm 20,7% so với tổng mức đầu tư.

Thứ hai là nguồn thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD xung quanh các nhà ga metro và các khu đất dọc tuyến vành đai. Nguồn này mang về 7,799 tỉ USD, chiếm 19,3%..

Để có nguồn ngân sách huy động tăng thêm, TP đề xuất được giữ lại 100% tiền sử dụng đất để bổ sung cho ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện đề án theo chủ trương của Bộ Chính trị. TP sẽ cân đối và bố trí vốn đầu tư công khoảng 11,372 tỉ USD, chiếm 28,1% so với tổng mức đầu tư.

Về nguồn huy động từ các nguồn vốn vay, TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại.

Dự kiến huy động vốn từ trái phiếu địa phương khoảng 10.000 tỉ đồng đến 25.000 tỉ đồng trong 1 năm cho giai đoạn 2026 đến 2033 để dành riêng cho phát triển metro. Ước tính số vốn huy động từ trái phiếu cho cả giai đoạn từ nay đến 2035 là 6,312 tỉ USD, chiếm 15,6% tổng mức đầu tư.

Đối với nguồn vốn khác (như hợp đồng BT...) TP dự kiến huy động khoảng 6,651 tỉ USD, chiếm 16,2%.

Cơ chế đặc biệt giúp rút ngắn thủ tục chuẩn bị đầu tư metro từ 3-5 năm

Bên cạnh nguồn vốn, dự thảo nghị quyết có các cơ chế, chính sách đặc biệt về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư. Cụ thể như TP.HCM không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà thực hiện ngay thủ tục lập dự án đầu tư, có thể rút ngắn thủ tục trung bình từ 3 - 5 năm.

Đồng thời, không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện mà không làm tăng tổng mức đầu tư. Cơ chế này giúp giảm các thủ tục qua nhiều khâu làm kéo dài thời gian thực hiện. Trong trường hợp này, UBND TP rà soát, ban hành quyết định điều chỉnh riêng về tiến độ dự án.

Cùng với đó, TP.HCM sẽ được quyết định đầu tư các tuyến metro trên địa bàn và có trách nhiệm triển khai chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Việc phân cấp phân quyền mạnh mẽ nhằm tạo sự chủ động cho địa phương, với phương châm "một đầu mối, một địa điểm chịu trách nhiệm"...

Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, TP.HCM sẽ thực hiện các thủ tục tiếp theo và dự kiến sẽ khởi công các tuyến vào năm 2027-2028. Đối với giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, kinh nghiệm từ vành đai 3 TP.HCM và một số dự án cao tốc cho thấy khi được áp dụng các cơ chế đặc thù thì thời gian triển khai rất nhanh, chỉ khoảng 1,5 - 2 năm.

Đường găng của quá trình triển khai thực hiện chính là thi công các công trình ngầm, cầu cạn, nhà ga ngầm và ga trên cao... Từ kinh nghiệm thi công các tuyến metro hiện nay, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng (khoan hầm TBM, kết cấu lắp ghép, ứng dụng BIM...), thời gian thi công xây dựng các hạng mục này dự kiến khoảng 6 năm. Song song với đó là mua sắm, lắp đặt thiết bị và phương tiện dự kiến khoảng 4 năm.

"Như vậy, với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc thì việc triển khai đầu tư, hoàn thành 355km metro trong 10 năm là khả thi", đề án metro của TP.HCM nêu.

Những cơ chế đặc biệt giúp TP.HCM hoàn thành giấc mơ làm 355km metro trong 10 năm - Ảnh 2.Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông

Những công trình, dự án giao thông đồ sộ đang mở ra vận hội đặc biệt cho TP.HCM để phát triển hạ tầng, dẫn dắt kinh tế. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện đầu năm với ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên