Ngày xưa mình ở bên cha mẹ, dưới mái nhà xưa quanh năm suốt tháng, giờ chỉ về quây quần được năm ba ngày rồi lại lặng lẽ rời đi như một người khách trọ, để lại sau lưng hình bóng mẹ cha già cỗi như ngọn đèn trước gió, đứng trông theo đến khi chị khuất bóng sau mấy lùm tre. Nghe đến đó, nước mắt tôi bỗng dưng trào ra.
Tôi không đi xa như chị lấy chồng, nhưng tôi cũng biền biệt không về để mẹ tôi mỏi mòn trông ngóng. Từ ngày rời khỏi làng quê, chọn thành phố làm nơi dừng chân, những ngày về quê của tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Mỗi lần trở về nhà, mẹ đều cầm tôi ở lại thêm hai ba hôm nữa. Trong căn nhà nhỏ những ngày tôi đi xa bỗng trở nên trống vắng lạ thường.
Căn buồng cũ của tôi, mặc dù tôi không ở thường xuyên, chỉ ngủ lại ít hôm trong chuyến về quê và rồi bỏ trống, song mẹ tôi cũng quét dọn mỗi sớm mỗi chiều, gối mền vẫn phẳng phiu và thơm nắng.
Biết mẹ nhớ mong nên tôi cũng sắp xếp thời gian ở lại chơi với mẹ cha thêm vài hôm ngắn ngủi. Những ngày có tôi ở nhà, mẹ tôi vui lắm!
Mẹ ríu ran suốt ngày, luyên thuyên kể cho tôi nghe biết bao nhiêu câu chuyện.
Từ con gà mái đẻ được ba trứng bỗng dưng nghỉ đẻ đến cây khế thuở nhỏ tôi leo trèo bỗng bật gốc sau một đêm dông, cha tiếc rẻ đem gốc trồng lại nhưng không sống.
Mẹ cứ nói nói cười cười, nhắc lại chuyện xa xưa thuở tôi còn nắm áo mẹ sợ lạc mỗi lần đi chợ huyện hay đứng lóng ngóng cùng mẹ dưới màn mưa một chiều đợi đò từ bến chợ tỉnh về nhà.
Tôi nhớ tha thiết những ngày xa xưa chẳng biết gì, chỉ biết bên mình là mẹ, là cha, là mái nhà đơn sơ, là vuông sân nho nhỏ, là đồng ruộng chiều chiều có đàn cò trắng bay lả rập rờn.
Thời gian đã làm thay đổi tất cả! Làng xưa đổi thay, mái nhà cũ của tôi cũng đã ra đi trong mùa bão mưa tôi xa quê và rồi được thay bằng căn nhà khác kiên cố hơn. Tôi trưởng thành hơn và đôi chân đặt đến những miền xa xôi hơn. Cha mẹ tôi ngày càng già hơn và ít nhiều cô độc hơn xưa...
Hạ hết, thu sang, đông tàn và rồi mùa xuân chầm chậm đến. Tôi đã đợi mùa xuân trong suốt ba mùa dài để được trở về lại làng xưa dấu yêu, về với cha mẹ, với những yêu thương dở dang.
Bây giờ, những cuộc đi xa xôi không còn đủ sức quyến rũ lấy đôi chân tôi nữa rồi, bởi có đi đâu cũng không bằng một cuộc trở về với mái nhà bình yên, với chân quê rơm rạ.
"Trở về" - hai tiếng ấy thiêng liêng biết bao, là niềm khát khao mong mỏi của tôi, của người chị theo chồng biền biệt sông, biền biệt đồng lâu ngày không có dịp quay về quê cũ.
Trở về - để thấy mình là một đứa trẻ ngày nào trong tim luôn có bóng hình quê hương, có cha, có mẹ. Trở về - để được an yên sau một hành trình dài lang thang, phiêu bạt, có sóng gió, có thách thức muôn trùng.
Những cơn sóng lòng vẫn rộn ràng mỗi khi tôi bước từng bước chân trên con đê làng, bên cánh đồng làng, đôi mắt lại sáng lên và thơ ngộ mỗi khi tôi nhìn thấy mái nhà xưa nép mình dưới vòm trời xanh biêng biếc.
Và con tim tôi lại ấm áp, lâng lâng, vỗ liên hồi trong lồng ngực mỗi khi tôi thấy bóng mẹ hiền từ đứng dưới mái hiên đón đợi tôi về, dang đôi tay che chắn cho tôi như những ngày tôi còn thơ ấu.
Tôi nhận ra rằng, với mẹ cha, tôi vẫn luôn là một đứa trẻ, vẫn cần được sà vào lòng mẹ để mẹ ấp iu vỗ về, vẫn cần được cun cút ngồi bên cha đọc thơ cho cha nghe trong những chiều nắng đẹp.
Đó là hạnh phúc vĩnh viễn, là bình yên muôn đời! Có lẽ trên đời này, ai cũng cần những cuộc trở về như thế!
Cảm ơn hơn 580 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn.
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 10-2, cuộc thi đã nhận được hơn 580 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận