06/02/2023 09:11 GMT+7

Đi đâu cũng nhớ về nhà

Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4-1975, gia đình tôi đang sống từ ấp chiến lược của chế độ cũ ở xã Trung Lập, tỉnh Hậu Nghĩa, quận Củ Chi, mọi người theo lời của ba: "Hòa bình rồi về nhà ở quê sinh sống".

Đi đâu cũng nhớ về nhà - Ảnh 1.

Ngôi nhà xây tròn 40 năm, tường có nhiều rong rêu

Anh chị em tôi ai cũng tất bật chất khiêng, bê lỉnh kỉnh đồ dùng trong gia đình chất lên chiếc xe bò rồi ba nhanh chóng đánh xe quay trở về nhà ở quê cũ ấp Vân Hàn, Trung Lập Thượng - vùng đất mà trước kia bị giặc tạm chiếm.

Ba tôi chỉ trong vòng ba ngày đã dựng tạm xong mái nhà cột bằng tre, mái lợp tranh, vách bằng đất nhão nhồi trộn rơm nhau, các anh chị tôi người thì đi làm, người đi học xa, chỉ có ba má tôi và em gái út sống trong mái nhà tranh này.

Nhà tôi cất ở giữa đồng trống, xung quanh là đồng ruộng lúc nào cũng ăm ắp nước trông xa giống như cái ốc đảo, xung quanh nhà ba tôi lên liếp trồng mấy hàng cây sầu riêng, vài mươi cây chôm chôm, mấy chục gốc măng cụt. Ba nói: "Còn mạnh giỏi thì ráng trồng sau này cho cháu có cái để mà ăn".

Vào những đêm trăng sáng, ba tôi dùng cuốc, xẻng hì hục đào cái ao chừng 20m2 suốt mấy tháng trời mới xong để thả nuôi cá, mỗi loại cá chừng vài mươi con. Ba nói: "Mình nuôi cá không cần thu hoa lợi từ bán con cá mà chủ yếu lúc mệt mỏi ra ao rải cám cho ăn khi nhìn cá quẫy đuôi, đớp móng là trong lòng bớt mệt và vui cho tuổi già".

Phút rảnh rỗi ba tôi thường khuây khỏa tinh thần bằng cách lấy cái kéo cắt lá, tỉa cành cho mấy cây chùm nụm rồi uốn cây thành hình con chim công, con rùa trông rất đẹp mắt. 

Ba bắt sâu cho mấy cây bưởi mới trồng vừa đâm tược non, vun đất bón phân cho mấy cây nguyệt quế và mai chiếu thủy hay rải cám cho cá chép trồi lên mặt nước giành ăn.

Còn má tôi suốt ngày lui cui dọn dẹp sân vườn, khi thì quét lá khô gom vào góc vườn, chờ mùa gió bấc về lúc trời trở sáng má ra đốt lên để cả nhà hơ lửa cho ấm.

Lúc thì má nhổ cỏ quanh nhà, công việc tưởng nhẹ nhưng má quần quật làm suốt ngày cũng không xong. Tôi ngoài đi học ra chỉ biết phụ nhà chăn con bò cái, tranh thủ lúc bò nghỉ trưa nằm ngủ là nhanh chân chạy đi thả diều, bắt dế hay rong chơi với bạn cùng trang lứa chứ chưa giúp cho ba má được việc gì thật cụ thể dù đó là việc hết sức nhỏ nhoi.

Cuộc sống dạo ấy còn khó khăn, gia đình nhà ai cũng nấu cơm thường độn với khoai lang, khoai mì nhưng nhà tôi ngày hai lần má tôi vẫn chuẩn bị cơm nước cho gia đình tươm tất, má thường xuyên chế biến món ăn cho lạ miệng như: muối làm từ cá con do ba hứng bù lu, cá kho khô rồi đem giã nhuyễn ra sau đó cho vào hũ keo đựng ăn dần, hay má cắt cái bắp chuối xắt nhỏ bằm nhuyễn kho với sả ớt nói là món thịt sóc…

Năm 1978, tôi đi học Trường trung học Sư phạm TP.HCM, vì ở nội trú nên buổi chiều trong lòng lại nhớ nhà đau đáu, nhất là nhớ hình ảnh khói bếp bay lãng đãng khi chiều xuống má bắc nồi nấu cơm, nhớ món cá lòng tong kho quẹt ăn với cơm nóng, nói như má "cho hai ba con quẹt muối thiếu điều lủng đáy chảo" vì cá kho ngon nên hao cơm, giống như Thạch Sanh ăn cơm nồi nào cũng hết.

Khi ở nội trú trong lòng tôi rạo rực mong sao mau đến ngày thứ bảy để chạy u về với gia đình, được sum họp quây quần trong tình thương của ba má là sướng nhất trên đời, mà hồi đó đi chiếc xe đạp cà tàng chạy một chút là sút dây sên, xẹp bánh, bung vè, "trật chó", từ thành phố về nhà hơn bốn mươi cây số tôi đạp xe chạy một mạch về nhà mà không cảm thấy mỏi mệt.

Đến năm 1983, nghĩa là ba má trên sáu mươi tuổi, cố gắng tằn tiện thu chi cho gia đình nhiều lắm ba má tôi mới dành dụm chút ít tiền cất được cái nhà tường cấp bốn, nói như má cho cả nhà ấm cúng khi gió bấc gần Tết thổi về, nhà mình giữa đồng trống thường hứng trọn không sót cơn gió lạnh như cắt da cắt thịt, hay mùa mưa nước dột tứ bề má đỡ cực lấy thau chạy hứng nước lăng xăng chỗ này chỗ nọ.

Từ khi có cái nhà tường thay cái nhà tranh xập xệ ba má vui lên chút đỉnh nhưng cuộc sống hằng ngày vẫn không thay đổi, ba vẫn chăm vườn tược, má ngoài việc nội trợ giờ còn có thói quen ngày hai lần tụng kinh niệm Phật cho lòng thêm thanh thản.

15 năm sau lần lượt má và ba qua đời, ngôi nhà tường giờ loang lổ đủ chỗ, vôi bạc thếch vì thời gian, mọi sinh hoạt thường khi dần như thay đổi hoàn toàn, trong nhà tôi có cảm giác rộng hơn thênh thang hơn vì quá đỗi trống vắng.

Tôi cũng ra vườn chăm sóc mấy gốc cây lại nhớ dáng ba cặm cụi bón phân tưới nước nhưng làm thì không bằng ba, tôi bắc nồi cơm lại nhớ khói bếp má nấu bay lên làm mắt cay xè. Ngôi nhà mình giờ cảm giác hơi quạnh quẽ cô đơn, cứ mỗi ngày trước khi đi làm thì tôi đốt cho ba má vài nén hương cho ngôi nhà thêm ấm cúng.

Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, ngôi nhà mình bốn mùa đầy ắp tiếng chim, ban đêm vẫn thoang thoảng hương của bông nguyệt quế tỏa ra quyện trong không khí bên ngôi nhà cũ kỹ như để minh chứng dấu ấn thời gian ở nơi đây mấy mươi năm trước có một gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc.

Bây giờ ngôi nhà xây được tròn 40 năm, tôi sửa chữa lại vài chỗ cho chắc chắn để làm nhà thờ ba má, lưu lại làm kỷ niệm cho con cháu.

Mỗi khi đi đâu xa hơi lâu ngày là tôi cồn cào trong dạ, mong sao sớm được về nhà thắp cho ba má nén hương, ngả mình thoải mái trên bộ ván gõ, lắng tai nghe tiếng chim sẻ ríu rít ngoài hàng cau, tiếng con sáo hót trên cây dừa cao vút, tiếng con chim bìm bịp buổi xế trưa ưa gọi con nước lớn ròng hay khi màn đêm buông xuống tôi nghe tiếng tặc lưỡi của mấy con thằn lằn đang bắt muỗi trên tường nhà, được nghe tiếng kêu như đứt quãng của con vạc bay ăn đêm hay tiếng đập cánh phành phạch của con dơi bay trong đêm tối.

Đi đâu tôi cũng nhớ trở về nhà mình là vậy.

Cảm ơn hơn 530 bạn đã gửi bài Về nhà

Tính đến ngày 6-2, cuộc thi đã nhận được hơn 530 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Đi đâu cũng nhớ về nhà - Ảnh 4.
Cuộc thi viết Về nhà: Gieo mầm tử tế trên hành trình về nhàCuộc thi viết Về nhà: Gieo mầm tử tế trên hành trình về nhà

Thời gian chẳng đợi một ai, nó đi, đi mãi chẳng bao giờ dừng lại. Thành ra được về nhà ăn Tết chỉ mới đây thôi thì tôi lại phải ra đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên