30/01/2023 10:48 GMT+7

Những 'chợ quê' xuyên Tết ở thành phố

Xếp lại những trái ổi, xoài, vú sữa chín mọng đẹp mắt, bà Tư nói cũng nhớ Tết quê Trà Vinh lắm nhưng năm nay không về mà ở lại TP.HCM để tranh thủ bán xuyên Tết.

Những 'chợ quê' xuyên Tết ở thành phố - Ảnh 1.

"Chợ quê" trên xe ba gác bán dạo xuyên Tết ở thành phố - Ảnh: MẠNH DŨNG

"Khi siêu thị, cửa hàng đóng cửa nghỉ cũng là lúc mình có cơ hội bán thêm, thôi ra giêng về quê ăn Tết muộn cũng được", bà Tư tâm sự.

Và đó cũng là tâm sự của nhiều người giống bà Tư. Họ chấp nhận không có Tết để ở lại thành phố buôn bán những món hàng quê được nhiều người lựa chọn cho nhu cầu thờ cúng, ăn uống vui vẻ ngày xuân.

Ngày Tết, tôi hay dắt con nhỏ ra coi mẹ mua bó rau, bọc trái cây của người bán dạo nghèo khó và nói cho con biết thương những người cơ cực, không được nghỉ ngơi, vui xuân như mình.

Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Bình Tân, TP.HCM)

1. Người dân ở khu Tân Tạo (quận Bình Tân) hay ví von xe bán trái cây dạo của bà Tư là cả cái "chợ quê" vì mùa nào trái nấy, toàn thứ quê trồng tươi ngon, chín mọng hấp dẫn khiến người không muốn mua cũng phải thò tay vào bóp móc tiền. Tết năm con mèo này, bà bán nhiều vú sữa tím tứ quý - loại vú sữa thơm ngọt trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây, rất đẹp mắt để trưng bày mâm quả Tết. Ngoài ra, bà còn bán bưởi Đồng Nai, ổi thơm Long An, mận và táo ngọt Tiền Giang. Những trái cây không chỉ đẹp trên bàn thờ mà, như bà dẻo miệng quảng cáo, còn "giúp tan mỡ, giảm mập" ba ngày xuân ăn nhiều mà ít vận động.

"Tết nhất thì thứ gì cũng lên giá nên tôi cũng phải tăng một chút bởi nhà vườn tăng giá bán, tàu xe cũng tăng giá vé chuyên chở mà. Nhưng khách hàng của mình toàn là khách mối, nên tôi cũng chỉ dám tăng chút đỉnh thôi, làm sao cho hai bên cùng vui vẻ", bà Tư cười kể chuyện. 

Ngay sáng mùng 2 Tết, bà đã đẩy cái "chợ quê" là xe ba bánh đầy ắp trái cây dạo qua các khu dân cư An Lạc, Tân Tạo vắng bóng người. Ấy vậy mà vẫn có người vội mở cửa, ới bà dừng lại để mua thêm trái cây tươi ngon cho chồng con "ăn giảm mỡ". Vài người vui vẻ lì xì bà cái phong bì đo đỏ, có người không lấy tiền thối như để giúp bà bán hàng về quê ăn Tết muộn.

Mấy ngày đầu xuân này, bà Tư còn linh động chở bán thêm vài bó rau muống, rau cải, rau dền... cho khách hàng có tô canh, đĩa rau tươi ngon. Bà nói: "Các siêu thị, cửa hàng đóng cửa nghỉ, chợ búa cũng lác đác người bán nên mình tranh thủ bán thêm rau, chứ ngày thường không cạnh tranh lại nổi". 

Tâm sự với người viết, người đàn bà 57 tuổi, quê Trà Vinh này kể chịu khó bán hàng xuyên Tết có hôm kiếm được 1 triệu đồng, có hôm cũng bảy, tám trăm ngàn đồng tiền lời. Đó là số tiền lời cao hơn hẳn những ngày thường từ "chợ quê" trên chiếc xe ba bánh cũ kỹ của bà.

Những 'chợ quê' xuyên Tết ở thành phố - Ảnh 4.

Món mía quê bày bán bên đường phố ngày xuân - Ảnh: MẠNH DŨNG

2. Trên đường tỉnh lộ 10, đoạn gần chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân), nhiều người cũng cần mẫn bán sản vật quê gần như xuyên suốt những ngày Tết. Anh Hai Nhỏ, chuyên bán các loại ốc lấy từ Long An và Tiền Giang lên, kể mình chỉ nghỉ mỗi ngày mùng 1 đầu năm vì hôm đó nhiều người ăn chay. Còn tất cả các ngày xuân khác, anh đều chịu khó bán hết để kiếm thêm bù cho những ngày ế ẩm bình thường. 

Người đàn ông gần 50 tuổi, sạm nét quê này nói vui: "Ai đó nói ngày Tết kiêng ăn ốc nói mò, chớ tôi thấy cũng bán được mà. Ngán thịt thà, người ta lại mê ba cái món quê tươi rói này, vừa bổ lại vừa rẻ". 

Qua mùng 5, giá ốc anh bán đã lại trở về bình thường như trước Tết, tùy loại ốc có giá từ 20.000 - 90.000 đồng/kg.

"Mấy ngày đầu năm thì tôi có tăng giá một chút xíu, khách mua cũng hiểu. Ngày Tết ai cũng ở nhà ăn uống vui vẻ bên gia đình, còn mình bạc mặt ngồi bán hàng bên đường. Mà tôi muốn bán rẻ cũng không được, vì nguồn cung cấp ở quê đều tăng giá", anh Hai Nhỏ nói và cho biết thêm giờ mình đã hạ giá lại như bình thường. 

Để tranh thủ kiếm thêm, người đàn ông bán ốc này còn bày biện thêm vài bó hoa tươi, "vì đầu năm nhu cầu chưng hoa bàn thờ, cúng kiếng tân niên rất nhiều". Có người chạy xe ngang, dừng lại mua vài ký ốc, mua thêm bó hoa vài chục ngàn đồng. Số tiền lẻ với nhiều người lại là niềm vui ngày Tết của người nghèo phải mưu sinh xa gia đình.

Những 'chợ quê' xuyên Tết ở thành phố - Ảnh 5.

Món ốc quê lại đắt khách vào ngày Tết của anh Hai Nhỏ - Ảnh: MẠNH DŨNG

3. Các ngày thường trong năm ở thành phố luôn đông đúc, ồn ào, những "chợ quê" buôn gánh bán bưng này lạc lõng, mờ nhạt bên dòng người qua lại. Nhưng mấy ngày Tết, họ lại tự dưng nổi bật lên khi siêu thị, cửa hàng đóng cửa, thậm chí chợ truyền thống cũng không có mấy người bán. Từ đầu tháng chạp, nhiều người trong họ đã đắn đo lựa chọn về quê vui xuân với gia đình hay ở lại tiếp tục mưu sinh, kiếm thêm ít đồng trang trải cuộc sống vốn quá nhọc nhằn, cơ cực.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - cô công nhân may ở Khu chế xuất Linh Trung cách đây 3 năm, giờ đang là chủ một "chợ quê" rau quả trên chiếc xe ba bánh ở TP Thủ Đức - chia sẻ nỗi niềm: "Hai con nhỏ gửi ông bà nội ở quê nhà Hà Tĩnh, nên vợ chồng tôi nôn nao về quê ăn Tết lắm, nhưng cuối cùng đã quyết định ở lại tranh thủ buôn bán mấy ngày tết nhất, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. Ráng đến hè này, bọn trẻ được nghỉ học, chúng tôi sẽ về thăm ông bà ở quê và đón con vào thành phố gần gũi với bố mẹ vài tháng".

Chị Hà chân chất kể thêm nhờ xe rau quả bán dạo xuyên Tết, họ đã dành dụm được gần mươi triệu đồng, số tiền mà trong năm nhiều khi cả mấy tháng không dành dụm nổi. "Có nhiều khách cũng tốt bụng, tết nhất họ ít trả giá và cũng có người còn không lấy lại tiền thừa như là lì xì thêm cho mình", chị Hà vui vẻ kể thêm vợ chồng mình đã quyết định... ăn Tết muộn vào mùa hè khi về quê đón con.

Không có quê hương quá xa xôi như chị Hà nhưng vợ chồng anh Trần Văn Bảy, chuyên bán cá đồng ở chợ đường Đất Mới (quận Bình Tân), cũng chia sẻ năm nay họ gần như không được đón Tết ở quê nhà Hồng Ngự (Đồng Tháp). Trong tháng chạp, họ tranh thủ về quê với con chỉ hai hôm rồi lại lên bán ở thành phố suốt từ ngày 23 đưa ông Táo về trời đến nay. "Tết nhất, bà con dân thành phố ngán thịt thà thì mình bán cá. Cá lóc, cá trê, cá rô, lươn đồng lấy từ miền Tây lên. Giá có mắc hơn chút đỉnh nhưng vẫn có nhiều người mua về kho tộ, nấu nồi canh chua, nướng lụi để lai rai ngon miệng...", anh Bảy vui vẻ kể.

Khi vừa bán hàng vừa trò chuyện với chúng tôi đã là ngày mùng 7 Tết, vợ chồng anh Bảy vẫn có nhiều khách dừng xe, ghé lại. Hầu hết họ đều là khách mối thân quen, mê món cá đồng "thiệt trăm phần trăm" của đôi vợ chồng vợ quê Đồng Tháp này. Một số người thân thiện nói mua về để làm nồi lẩu cá đồng cho bữa tiệc tân niên khi ai cũng ngán thịt thà. Còn vợ chồng anh Bảy thì cười nói "ra giêng sẽ về quê ăn Tết lại", với họ là cái Tết muộn sau mùng 10...

Với những người xa quê lựa chọn ở lại thành phố để buôn bán, mưu sinh xuyên Tết không chỉ kiếm thêm thu nhập mà còn tiết kiệm được khá nhiều tiền. Chị Trần Thị Thu Hà tâm sự nếu về quê Hà Tĩnh ăn Tết thì giá tàu xe và cái gì cũng đắt đỏ hơn ngày thường. Để đến hè mới về, họ sẽ tiết kiệm được ít nhất một phần ba chi phí, trong khi buôn bán mùa Tết ở thành phố lại kiếm được nhiều tiền hơn.

"Thật lòng chiều 30 Tết, sáng mùng 1 mà mình phải lang thang ngoài đường sá xứ người, cách xa cha mẹ và con thơ ở quê nhà thì lòng cũng buồn lắm. Nhưng mình còn nghèo thì phải ráng lo cho tương lai thôi. Ở quê nhà, cha mẹ, con cái cũng hiểu", chị Hà tâm sự.

Đi chợ Tết quê để xoa dịu những ngày bon chen, tất bậtĐi chợ Tết quê để xoa dịu những ngày bon chen, tất bật

Ngày giáp Tết đi chợ cùng mẹ, tôi yêu hơn những phiên chợ mộc mạc, đơn sơ mà dân dã, thấm đượm hồn quê. Ở đó có gánh rau của các cô đặng kiếm thêm đồng tiền tiêu Tết, có ánh mắt thèm thuồng của đám trẻ...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên