Đại tá Nguyễn Minh Khương - phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) - cho biết đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tại 3 địa điểm theo phân công của phía bạn.
Đoàn đã phối hợp cứu được 1 người còn sống, đưa được 14 thi thể nạn nhân ra ngoài; trao tặng các thiết bị y tế, thăm hỏi người dân, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt như chế tạo bếp lửa dã chiến.
Người thân các nạn nhân ôm lấy đoàn cứu hộ òa khóc
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - phó cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết đoàn tìm kiếm trên 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân bị vùi lấp, bàn giao cho lực lượng giải cứu và đã đưa ra 28 thi thể nạn nhân.
Đoàn còn cấp phát thuốc, các thành viên tự nguyện đóng góp 4.000 USD hỗ trợ người dân.
Chia sẻ câu chuyện xúc động, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay khi đưa được các nạn nhân ra khỏi hiện trường, những người thân của nạn nhân đã ôm lấy các thành viên đoàn Việt Nam òa khóc.
Từ thực tiễn, đoàn đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong ứng phó sự cố do thiên tai, thảm họa.
Trong đó, cần tổ chức chặt chẽ, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nhân lực phù hợp để việc tìm kiếm đạt hiệu quả tốt, điển hình như việc sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát tìm bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường.
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lần đầu tiên chúng ta triển khai lực lượng cứu nạn, cứu hộ đi giúp đỡ một nước.
Việc tham gia của đoàn không chỉ khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, mà còn là minh chứng năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn. Điều này truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết quốc tế.
Một câu chuyện xúc động được Thủ tướng nêu là có chiến sĩ chỉ hai tuần nữa là tổ chức đám cưới, nhưng tạm gác việc riêng, quyết tâm, xung phong sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ.
Những hành động của các chiến sĩ khi giúp đỡ các nạn nhân rất cảm động, như sẻ chia những bữa ăn, dựng lều, nhóm bếp sưởi hay trao đi những nụ cười, giọt nước mắt… tới các nạn nhân để động viên người dân Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua khó khăn.
Chủ động lực lượng và phương tiện để ứng phó tình huống khẩn cấp
Với kết quả đạt được, Thủ tướng biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã kịp thời tham mưu, tổ chức lực lượng hỗ trợ nhân đạo. Theo đó, những kinh nghiệm bài học được rút ra đó là nắm chắc tình hình, vấn đề phát sinh, bám sát chủ trương, đường lối để triển khai nhanh hơn các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Cần lựa chọn các chiến sĩ được đào tạo bài bản, có sức khỏe, kinh nghiệm, nhanh nhạy trong xử lý các tình huống. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, quán triệt nghiêm chỉ huy tại hiện trường. Đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ có vai trò quan trọng. Do đó, cần chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố, không để bị động, bất ngờ.
Thường xuyên diễn tập, phối hợp các lực lượng chặt chẽ. Tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện. Nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể và cá nhân thuộc đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận