22/01/2020 08:49 GMT+7

Những cái nhất của 'vương quốc chuột' có thể bạn chưa biết

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Loài chuột hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục trong giới động vật, từ loài gặm nhấm lớn nhất thế giới đến loài có có bộ gen lớn nhất...

Những cái nhất của vương quốc chuột có thể bạn chưa biết - Ảnh 1.

Chuột Capybara ở Brazil - Ảnh: GETTY IMAGES

Loài gặm nhấm lớn nhất

Theo The Sun, loài chuột Capybara (Hydrochoerus hydrochaeris) là loài gặm nhấm bản địa ở Nam Mỹ, một số ít khác sống ở vùng Florida, California (Mỹ).

Khu vực sống yêu thích của loài chuột này là khu vực rừng lá rậm, gần sông suối, ao hồ.

Hiện tại, Capybara giữ kỷ lục là loài gặm nhấm to lớn nhất thế giới còn sống, nặng đến 70kg, dài tới 60cm khi trưởng thành.

Theo các chuyên gia sinh vật học, Capybara là loài có tập tính xã hội cao, thường số thành đàn từ 10-20 con, thậm chí có lúc ghi nhận đến 100 con.

Dù có thân hình "đồ sộ" trong giới động vật, chuột Capybara có khả năng chạy nhanh, có thể lên đến 35 km/h. Theo BBC, các thổ dân khu vực Nam Mỹ trước đây thường săn bắt Capybara làm một nguồn thức ăn.

Tuy nhiên, Capybara chưa hẳn là loài gặm nhấm lớn nhất trong lịch sử. Theo các di chỉ khảo cổ, cũng chính khu vực Nam Mỹ từng ghi nhận một loài chuột lang nặng đến 700kg, xuất hiện từ 8 triệu năm trước.

Động vật có vú nhỏ nhất

Những cái nhất của vương quốc chuột có thể bạn chưa biết - Ảnh 2.

Chuột chù Etruscan chỉ dài 4cm - Ảnh: MOTHER NATURE NETWORK

Theo Mother Nature Network, chuột chù Etruscan (Suncus etruscus) là loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới theo khối lượng với khối lượng trung bình nặng chưa đến hai gram và dài chưa tới 4cm.

Loài chuột lần đầu được một nhà thám hiểm tên Savi phát hiện vào năm 1822 nên vẫn có khi được gọi là chuột Savi. Hiện nay, chuột Etruscan sinh sống trên khắp Âu Á, Bắc Phi, xung quanh Bán đảo Ả Rập, châu Á.

Dù nhỏ con, chuột Etruscan là loài vô cùng ham ăn khi từng ghi nhận có thể tiêu thụ lượng thực phẩm lớn gấp đôi khối lượng cơ thể của nó.

Tuổi thọ của chúng khoảng hai năm. Etruscan không sống theo đàn mà hoạt động đơn lẻ, trừ những lúc giao phối. Chúng có xu hướng di chuyển liên tục những khi thức.

Chuột dài nhất thế giới

Những cái nhất của vương quốc chuột có thể bạn chưa biết - Ảnh 3.

Chuột Bosavi có kích thước dài nhất - Ảnh: BBC

Năm 2009, một nhóm các nhà sinh vật học phát hiện một loài chuột lạ ở khu vực gần miệng núi lửa Bosavi ở Papua New Guinea.

Miệng núi lửa này cũng là nơi sinh sống của 40 loài khác chưa được biết đến, bao gồm 16 loài lưỡng cư, 3 loài cá, 1 con tắc kè, 1 loài thú có túi và 1 số loài nhện, trong đó nhiều trong số chúng đặc thù cho hệ sinh thái Papua New Guinea. Chính vì thế, các nhà khoa học gọi chúng là chuột Bosavi (tên khoa học: Mallomys sp).

Khi mới được phát hiện, Bosavi lập ngay kỷ lục là loài chuột dài nhất trên thế giới với kích thước lên đến 82cm. Theo BBC, những thổ dân địa phương thường xem chuột Bosavi là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho họ.

Động vật có vú có bộ gen lớn nhất

Những cái nhất của vương quốc chuột có thể bạn chưa biết - Ảnh 4.

Chuột viscacha có bộ gen lớn nhất - Ảnh: BBC

Chuột viscacha (Tympanoctomys Barrerae) có bộ gen chứa 16,8 picogram, tương đương 16,8 nghìn tỷ của 1 gram ADN.

Con số này thật sự là khổng lồ nếu biết đa số các động vật có vú khác bộ gen chỉ khoảng 6-8 picogram.

Theo Daily Mail, chuột viscacha là loài gặm nhấm họ nhà sóc, đặc trưng cho khu vực Nam Mỹ, trong đó cư ngụ nhiều nhất ở khu vực Argentina, Ecuador, Chile, Peru.

Chuột viscacha nhìn xa rất giống thỏ, với đôi tai to và dài, đôi chân trước nhỏ ngắn, đôi chân sau to khỏe hơn. Toàn thân được phủ một lớp lông ngắn và rất mịn

Chuột viscacha thường sống thành đàn với số lượng từ 10 - 100 cá thể. Chúng cực thích sống ở khu vực đồng bằng nhiều cỏ nhiệt đới, thường dùng để chăn thả gia súc.

Thời gian giao phối dài nhất

Những cái nhất của vương quốc chuột có thể bạn chưa biết - Ảnh 5.

Một loài thuộc chi Antechinus - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Chi chuột Antechinus thuộc họ Dasyuridae là chi giữ kỷ lục thời gian giao phối "sung sức" nhất.

Theo The Guardian, trong mùa giao phối, lượng testosterone liên tục ở mức cao ở những con đực khiến cho loại hormone tên cortisol không ngừng tiết ra khiến chuột đực trở nên "điên dại" và sẵn sàng làm mọi cách để được giao phối.

Các loài trong chi Antechinus thường làm "chuyện ấy" rất mãnh liệt khi có thể kéo dài đến 12 giờ. Để tránh trường hợp giao phối cận huyết, chuột mẹ trong ổ thường chủ động phân tán các chuột đực ra xung quanh.

Tuy nhiên, theo BBC, đa số chuột trong chi Antechinus giao phối 1 lần rồi… qua đời do "quá sức".

Đám cưới chuột, múa rối nước… vào hộp quà tết Đám cưới chuột, múa rối nước… vào hộp quà tết

TTO - Thị trường quà tết năm nay hấp dẫn hơn với sự góp mặt của các sản phẩm độc đáo, gói ghém nét đẹp cổ truyền của tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột, hình ảnh áo Nhật Bình, nghệ thuật múa rối nước... vào từng món quà đầu xuân.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên