30/08/2011 07:26 GMT+7

Những "báu vật" giữa đời - Kỳ cuối: Báu vật của tuồng Huế

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Cụ bà với đôi mắt xa xăm về một thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng Huế mà cụ gắn bó máu thịt suốt mấy mươi năm... “Cắc, cắc, crắc... phu quân ơi!...”, những thanh âm nhịp điệu trống tuồng ấy vẫn len lỏi vào cả giấc ngủ của một người phụ nữ 90 tuổi sau khi đã đi theo gần trọn cuộc đời.

3yfUPX49.jpgPhóng to

Mệ Lon đang ca một trích đoạn tuồng cổ với nhà nghiên cứu Trịnh Bách - Ảnh: Thái Lộc

Tuồng trong mộng

Theo chân nhà nghiên cứu Trịnh Bách, một người được xem là “ma xó” của đời sống cung đình còn sót lại tại Huế, chúng tôi tìm đến nhà mệ Lon trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, cạnh chân cầu Đông Ba, thuộc phường Phú Hậu, TP Huế. Căn nhà nằm trong khuôn viên phủ bà chúa Nhứt - Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, con gái đầu của vua Thành Thái. Theo lời ông Bách, cụ bà gầy còm đang ngồi trước hiên nhà nhìn xa xăm kia hiện đang nắm giữ gốc rễ những bí quyết của tuồng Huế.

“Ngày xưa tui đi theo tuồng, nghĩ thiệt là khó, đôi khi một động tác thôi phải tập đi tập lại ngày này qua ngày khác, rứa mà thấy chưa vừa ý là thầy đánh tét cả mông. Với tuồng ngày xưa, mỗi lời nói, cử chỉ, động tác, mỗi bước chân đi đều phải theo bộ, có bộ mới ra tuồng được chớ. Nói chi cũng phải theo văn - tứ - lục - phú cả. Còn nhớ tập cho được giọng thét, gọi là giọng thổ, khởi từ bụng từ dạ mà ra tui phải tập đến hộc cả máu mà còn chưa đạt. Suốt đời học tấn, học tuồng mới biết để đi theo bộ. Chỉ tay cũng học, luyện mới biết cách chỉ. Và nhứt là người hát phải theo tiếng trống, ngược lại trống phải theo hát, hát và trống tuy hai mà hòa thành một!”, bà cụ nhớ lại.

Nói đoạn, cụ bất ngờ đứng dậy múa tay, thét: “Phu quân ơi...” và câu giáo đầu “Thiên vô cổ võ; Phong bất minh điều; Dân ngỏa nguê uống giếng Đường Ngu; Chúa thong thả gảy đờn Nghiêu Thuấn...”... trong một giọng điệu dù đã yếu do hụt hơi nhưng vẫn rắn chắc, sảng khoái. Và, theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cách nói lối kèm với toàn bộ cử chỉ, động tác, điệu bộ, tất thảy đều đúng với lối xưa của nghệ thuật tuồng Huế một thời đã vãng...

Bà Lâm Thị Trà Liên, người con gái độc thân 56 tuổi đang sống cùng mệ Lon, kể: “Mệ tui quanh năm suốt tháng hầu như không nhắc chi tới tuồng cả. Nhưng thỉnh thoảng mệ ngồi một mình, bất thần hát múa một tràng dài. Tui bỏ việc chạy lên thì tự dưng mệ lại dừng. Khi hỏi mệ vừa hát chi rứa thì mệ không nhớ chi hết. Cũng có mấy lần ngủ mệ lên tiếng: “Tùng, tùng, tùng, cắc, cắc, cà rắc... chi đó, rồi hát. Tui tưởng tượng trong đầu mệ chắc toàn những tuồng là tuồng”.

Đời người - đời tuồng

Mệ Lon được gọi theo tên chồng, cụ ông Lâm Duy Lon, một tay đánh trống tuồng rất nổi tiếng của sân khấu tuồng Huế một thời. Còn tên thật của mệ là Nguyễn Thị Nòi, người làng Thế Chí Tây thuộc dải cát nằm giữa biển và phá Tam Giang, nay thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Sinh ra trong một gia đình mà người cha cũng làm trong một gánh tuồng quê nên đã biết hát tuồng, biết tập tành các bộ, thế tuồng cùng đám bạn chăn trâu ngoài đồng ruộng từ khi còn rất nhỏ. Nhưng, “cha dạy không bằng thầy dạy”, đến năm 11-12 tuổi người cha gửi cô bé Nòi cho người bạn tên Câu, một thầy tuồng và là ông bầu của một gánh tuồng quê theo học nghề hát. Theo lời kể của mệ Lon, thời gian đầu phải thực hành qua việc đánh trống cho đến thổi kèn và nhập các vai lính, vai hầu... Đến năm 14-15 tuổi mệ mới chính thức nhập vai Con Cơ giả điên qua ải trong vở tuồng cổ Tam Nữ Đào Vương. “Hồi nớ vô vai tui rất lo nhưng nhiều người đi coi tui nhập vai mới mà xuýt xoa thích thú. Từ đó thầy giao tui rất nhiều vai chính, quan trọng trong các vở diễn khác. Sau này, khi diễn không hiểu vì răng mà tui thấy hợp và rất thích với vai tướng, làm kép, đeo lệnh, đeo hia, mang giáp; tui đóng vai nam nhiều hơn vai nữ, vai đào. Trong đời diễn, tui đeo đuổi và đóng đến hàng chục vai nam chính. Dù vậy với vai đào, trong một vở tuồng mà tui không còn nhớ rõ tên, hình như Đào Tam Xuân thì phải, tui hát rất đã, hát chừng nào vừa hộc máu chừng đó, được tất cả mọi người khen lấy khen để. Nhờ vai đó mà nhiều trường hát mời tới diễn, mỗi đêm được trả tới mấy đồng bạc, to lắm!”.

“Tiếng sét ái tình” đến với cô bé Nòi năm 18 tuổi, khi nghe chàng trai tài hoa Lâm Duy Lon đánh trống. “Ông nhà đánh trống làm tui mê mẩn và “đeo” ngay; mà không chỉ có tui mô, ai nghe ông “đi” vài đường trống là mê cả, đào kép mô cũng thích ông đánh trống!”. Cưới nhau, hai vợ chồng đầu quân vào một gánh hát quê lưu diễn khắp nơi. Khoảng những năm 1930, khi đến diễn ở đất kinh đô Huế, gánh hát may mắn “lọt vào mắt xanh” của bà chúa Nhứt. Vốn rất mê và rành về tuồng Huế, bà chúa lập và nuôi trong nhà cả một gánh hát tuồng rất nổi tiếng kinh đô đương thời; tất cả đào hát, tay trống đều do đích thân bà tuyển với những ngón thử rất cao siêu, khó có ai kém nghề lọt vào được. Vào gánh hát bà chúa suốt hơn 30 năm diễn trên sân khấu trường hát trong phủ chúa, mệ Lon không còn nhớ rõ đã sắm bao nhiêu vai đào kép chính. Đây cũng là khoảng thời gian tài năng phát tiết một cách rực rỡ của cả hai vợ chồng. “Nhứt là ông nhà tui, vẫn là tay trống chính của gánh hát ngài chúa Nhứt, điếc mà đánh rất nghiêm chỉnh, có thể chế, tinh vi mà không ai có thể thay thế được cả. Ông đi đánh trống trên đài phát thanh, đánh cho trường hát Đồng Xuân Lâu (gánh hát Bà Tuần), vô trong Đại Nội dạy đánh cho đội Đồng Ấu của bà Từ Cung và rất nhiều gánh hát nổi tiếng của các ông hoàng bà chúa bên Kim Long, Vỹ Dạ...” - mệ Lon nói trong nỗi tự hào về tài năng của người chồng đã quá cố.

Năm 1964, bà chúa Nhứt qua đời, trường hát bà chúa giải tán, những nghệ nhân, đào kép xiêu tán khắp nơi, vợ chồng mệ Lon đi theo gánh hát rất nổi tiếng do cô Thuấn, người Bình Định, làm chủ. Hai vợ chồng theo gánh hát biểu diễn khắp nơi, từ Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Đà Lạt... đủ cả. Đến năm 1979, cụ ông Lâm Duy Lon mất, mệ Lon trở ra buôn bán đủ thứ để nuôi con. Bây giờ về già, mệ sống cùng người con gái Lâm Thị Trà Liên, làm việc trong ngành thủy sản, đã hưu trí, không lập gia đình, ngay dưới mái nhà xưa do bà chúa Nhứt ban cho hai vợ chồng. Trong khuôn viên khu nhà còn có nhà người con trai đầu Lâm Duy Thành. Chính ông Thành là người duy nhất trong số bảy người con từng theo nghiệp tuồng của bố mẹ, từng là một đào kép sáng giá trong đội nhạc Đồng Ấu do bà Từ Cung lập nên trong Đại nội.

Chia tay mệ Lon, chúng tôi cứ phân vân mãi những lời của bà cụ tâm sự một cách chua chát: “Mấy lần tui xem tuồng trên tivi, quần áo thì đẹp thiệt là đẹp, mới tinh, tươm tất. Nhưng mà hát thoải mái quá, hát trên chót lưỡi đầu môi thôi, không biết cách nói lối như kiểu ngày xưa mà chỉ nói ngang, chẳng đào kép mô nghe tiếng trống mà vào tuồng, và nhứt là điệu bộ không đúng với các bộ của tuồng mà tui từng biết ngày xưa. Nghĩ mà thấy buồn cho nghệ thuật truyền thống của mình!”...

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Xoan không có tuổi Kỳ 2: Nỗi niềm bà Cầu Kỳ 3: Người hát ca trù dưới chân Hồng Lĩnh Kỳ 4: Pho sử sống của dân tộc Thái

Đón đọc số tới

Con đường thiên lý giữa Sài Gòn

Những câu chuyện từ một trục đường xa xưa nhất của Sài Gòn - Gia Định, nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng nhận định: “Lịch sử thành phố đã cuộn qua nó rất sôi động, rất khốc liệt”. Con đường ấy từng được mệnh danh là “đường thiên lý...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên