29/08/2011 02:45 GMT+7

Những "báu vật" giữa đời - Kỳ 4: Pho sử sống của dân tộc Thái

TÂM LỤA - HOÀNG ĐIỆP
TÂM LỤA - HOÀNG ĐIỆP

TT - Trong một buổi họp bản, sau khi nghe ông Lò Văn Biến (P.Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) trình bày về tâm nguyện được mở lớp dạy chữ Thái cổ, một cán bộ xã bảo: “Thời nay còn ai dùng chữ Thái cổ nữa mà dạy với học cho tốn công”.

Ông Biến nổi giận, đứng thẳng dậy bảo: “Là người dân tộc Thái mà không biết viết chữ của ông cha mình, cũng không biết tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc mình thì có xứng là người cán bộ của dân hay không?”.

c5ANfbVs.jpgPhóng to
Nghệ nhân Lò Văn Biến là một trong số ít người biết thổi khèn bè của người Thái - Ảnh: T.Lụa

Kỳ 1: Xoan không có tuổiKỳ 2: Nỗi niềm bà CầuKỳ 3: Người hát ca trù dưới chân Hồng Lĩnh

Từ tình yêu con chữ

Người cán bộ ấy im lặng. Chính quyền đồng ý cho ông mở lớp dạy tiếng Thái cổ. Từ đó tới nay, sáu lớp học miễn phí đã ra đời. Sau mỗi khóa học kéo dài ba tháng, học viên của lớp được nhận chứng chỉ do Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh cấp. Biết mình tuổi cao sức yếu nên cứ mỗi khóa học hoàn thành, ông Biến lại chọn một người có tâm và học khá nhất lớp để làm giáo viên dạy những khóa sau.

Học sinh của lớp đủ mọi thành phần: trẻ em, người già, từ dân bản đến cán bộ xã. Mỗi buổi học, ông Biến thường khéo léo lồng ghép vào bài giảng của mình những câu chuyện văn hóa dân tộc, những bài thơ cổ, phong tục tập quán của người Thái để tiết học không khô khan, và để mọi người hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ông bảo: “Dân tộc Thái là một trong số ít dân tộc của đất nước mình có hệ thống chữ viết riêng. Đó là cả một niềm tự hào nên cần được lưu giữ và phát huy. Tiếc rằng thời nay nhiều người không còn mặn mà với phong tục tập quán của dân tộc mình, đặc biệt là giới trẻ”.

Trẻ em dân tộc Thái biết nói hai thứ tiếng Kinh và Thái, nhưng đi học được giao tiếp bằng tiếng Kinh nên nhiều người Thái chỉ biết nói mà không biết viết chữ Thái. Bảy tuổi, Biến được bố cho đi học chữ Thái cổ ở nhà thầy Lò Văn Phớ. Bảng chữ Thái cổ có 28 chữ, mỗi đêm thầy dạy cho Biến ba chữ. Học được một tuần thì xong, phải trả công cho thầy 15 bung (bung = 15kg) thóc.

Từ đó, cứ mỗi buổi chăn trâu cậu bé Biến đều tưởng tượng thế giới trước mặt là giấy, ngón tay mình là bút. Biến đưa tay viết vào cuốn vở rộng lớn ấy những chữ Thái cổ vừa mới học được. Nhờ ham học như thế, Biến thuộc chữ rất nhanh. Khi biết chữ Thái cũng là lúc Biến đọc được những cuốn sách của bố.

Từ sách lịch sử như Kể chuyện bản Mường, Cuộc chiến chinh của dân tộc Thái đến sách văn học như Quam xon côn (Đạo lý làm người), Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu)... “Văn thơ phản ánh phong tục tập quán của người Thái sao mà hay đến thế! Nó cứ thấm vào cái đầu mình mỗi ngày một ít rồi mê lúc nào chẳng hay” - ông Biến cười khà giải thích.

Bố làm quan nên từ thuở lên 10 Lò Văn Biến thường được theo bố vào nhà quan lớn để xem văn nghệ. Thời đó, chỉ có các quan mới được thưởng thức các điệu xòe (múa), điệu hát cổ của người Thái. Những điệu múa, lời ca ấy đầy mê hoặc, hút hồn Biến. Cậu bé ghi nhớ từng điệu xòe rồi về nhà tự tập cho mình.

16 tuổi, Lò Văn Biến trở thành phó ban văn nghệ của vùng Mường Lò. Ông lập ra đội văn nghệ gồm 16 thành viên để truyền lại sáu điệu xòe cổ, những điệu xòe say đắm lòng người mà hễ ông mang đi thi ở đâu là có giải thưởng ở đấy.

Níu hồn dân tộc

Không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa của người Thái ở Mường Lò, ông Biến còn giúp nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh người Thái Lan đến tìm hiểu về văn hóa Thái. Khi hướng dẫn một số sinh viên nghiên cứu, ông Biến đã nhận ra sự tương đồng giữa ngôn ngữ và chữ viết người Thái Lan và người Thái ở Mường Lò.

Nhiều nhà khoa học Thái Lan khi đến đây nghiên cứu cũng tìm gặp cho bằng được ông Biến để nghe ông kể chuyện. Ở tuổi 79, ông là pho sử sống của người Thái, là tập hợp tất cả giá trị cổ mà người Thái muốn tìm lại.

Hơn 30 năm làm công tác văn hóa cho xã, đến khi nghỉ hưu vẫn không nhận được bất kỳ trợ cấp hay chính sách hưu trí nào nhưng ông Biến thừa nhận mình đã được rất nhiều. Cái được mà ông nói là các lớp dạy chữ Thái cổ mà ông vẫn đang tiếp tục, là lưu giữ được sáu điệu xòe cổ đặc trưng của người Thái, là rất nhiều sách Thái cổ đã được ông dịch ra tiếng quốc ngữ. Và còn rất nhiều những câu chuyện văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người Thái mà ông lưu giữ để truyền lại cho lớp trẻ.

Con, cháu của ông không ai đam mê nghiên cứu văn hóa Thái như ông, trừ người con trai út. Đó là người hát rất hay những bài dân ca Thái. Anh là nguồn hi vọng của ông về một người tiếp nối những gì ông đang làm.

Ông đã dạy cho con đọc viết thông thạo chữ cổ, đọc rất nhiều sách cổ, biết thổi khèn bè, mê đắm những điệu xòe. Nhưng rồi một ngày ông Biến chết lặng đi khi con trai ông qua đời vì một nhát dao đâm lạc của bạn bè khi đang là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Người ta thấy ông suy sụp hoàn toàn.

Năm ngày liền, ông Biến ra nậm Tốc Tát - nơi được coi là “cửa trời” mà linh hồn những người Thái trên khắp nơi sẽ đi qua để đến Mường Trời. Ông Biến không ngờ những bài cúng mà ông vẫn cúng cho biết bao người nay có ngày lại phải cúng cho con.

Ông trở về nhà, mái tóc càng thêm bạc trắng. Rồi dân bản lại thấy ông gượng dậy. “Nếu tôi cùng lên Mường Trời với con thì chữ Thái cổ sẽ biến mất, sáu điệu xòe cổ sẽ biến mất, tủ sách của tôi sẽ trở thành đám giấy lộn” - ông nói thế và nhất quyết xin mở lớp dạy chữ Thái. Ông ở trường suốt ngày đêm. Ông lao vào nghiên cứu, viết sách và dịch thuật để nguôi đi nỗi mất mát trong lòng.

Gặp ông Biến hôm nay, thấy nụ cười đã trở lại. Mái tóc dài của ông theo thời gian đã bạc trắng như mây trên đỉnh núi Mường Lò. Dù tuổi đã cao, nghệ nhân Lò Văn Biến - hội viên Hội Phát triển bền vững miền núi, hội viên Hội Bảo tồn và phát huy tri thức bản địa Thái VN, hội viên Hội Khoa học lịch sử VN, nghệ nhân văn hóa âm nhạc... - còn đang ấp ủ rất nhiều dự định.

Mỗi ngày ông vẫn cần mẫn đi từng bản làng dạy chữ cổ ở các trường nội trú, vẫn dự định viết nhiều cuốn sách về văn hóa dân tộc, vẫn chong đèn viết bằng tay hàng chục trang sách và vẫn... rất nghèo. Với ông, mơ ước có một bộ máy vi tính để việc viết lách, nghiên cứu được thuận lợi vẫn còn là điều quá xa vời.

________________________

Cụ bà với đôi mắt xa xăm nhớ về một thời hoàng kim của nghệ thuật tuồng Huế mà bà gắn bó trong suốt mấy mươi năm. “Cắc, cắc, crắc... phu quân ơi!...”, những thanh âm nhịp điệu trống tuồng ấy vẫn len lỏi vào cả giấc ngủ hằng đêm của người phụ nữ 90 tuổi...

Kỳ tới: Báu vật của tuồng Huế

TÂM LỤA - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên