08/11/2013 07:25 GMT+7

Những bàn tay trẻ chới với...

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Sáng 6-11, hội thảo về “Quy trình can thiệp, chăm sóc, hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) và trẻ dễ bị tổn thương” nóng lên khi có ý kiến về vụ việc bé Trịnh Nguyễn Thành Đức 3 tuổi (quận 7, TP.HCM) mới bị bạo hành ngay trước mắt cơ quan công quyền.

Cậu đánh đập cháu ruột 3 tuổi bắt đi ăn xinTrẻ con lại bị bạo hành

Đó là bởi quy trình can thiệp, chăm sóc, hỗ trợ trẻ có HCĐB, trẻ dễ bị tổn thương hiện tại chưa hề được xây dựng thành quy chuẩn thống nhất, mặc dù Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em VN đã có từ năm 2004. Nghĩa là sau chín năm luật thực thi, các cơ sở xã hội tại TP.HCM khi tiếp nhận, hỗ trợ trẻ có HCĐB vẫn tự dò dẫm, lúng túng với nhiều thủ tục không thống nhất để can thiệp và bảo vệ trẻ...

Vụ việc bé Đức bị bạo hành diễn ra vào cuối tháng 10, nhờ người dân tố cáo với công an, bé Đức được “giải cứu” đưa đi điều trị tại bệnh viện. Nhưng sau đó bé Đức lại bị trả về gia đình mà không được bảo vệ, dẫn đến việc bé tiếp tục bị bạo hành và phải nhờ đến sự can thiệp của một nhóm phóng viên, bé mới được cách ly khỏi môi trường bị bạo hành, đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội quận Bình Thạnh ngày 4-11.

Mẫu số chung cho hầu hết các vụ bạo hành trẻ em hiện nay là nhờ người dân phát giác, tố cáo. Một mẫu số chung cho thấy sự vô cảm của cơ quan giám sát và kẽ hở của luật đang gián tiếp ngược đãi trẻ thơ.

Chỉ trong tháng 11 này đã có hai vụ bạo hành trẻ đặc biệt nghiêm trọng. Đầu tháng 11, một bé 6 tuổi ở Hải Dương bị ba mẹ ruột đánh đập gây thương tích đầy mình. Tiếp đó là ở ngay tại TP.HCM, chỉ trong một tuần, dù đã được phát hiện, bé Đức vẫn liên tiếp bị đánh đập tại gia đình.

Trước đó là hàng loạt vụ bạo hành gây chấn động như với bé Hào Anh ở Cà Mau, vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa tại Đồng Nai, hay vụ bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu dán băng keo bịt miệng dẫn đến tắt thở tại TP.HCM năm 2007. Và còn bao nhiêu trẻ thơ đang bị ngược đãi ngay tại chính nơi luôn hô hào sẽ chăm sóc, bảo vệ trẻ?

VN là một trong hai quốc gia châu Á đầu tiên tham gia công ước quốc tế về bảo vệ quyền của trẻ em từ năm 1990, một năm sau khi công ước này ra đời. Tuy nhiên, những câu chuyện ngược đãi trẻ em vẫn xảy ra ở nước ta... Chừng nào những người thực thi luật còn chưa biết nhói lòng như dao cắt mỗi khi nghĩ rằng đâu đó quanh họ vẫn có những bé Đức, bé Hào Anh đang kêu cứu, thì chừng đó những kẽ hở vô cảm của luật sẽ còn gián tiếp vùi lấp những bàn tay non nớt đang kêu cứu của bé Đức, bé Hào Anh...

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên