Nhà tôi nhiều đời vay tiền của ngân hàng. Căn nhà cha mẹ tôi đang ở nhờ vay ngân hàng mà có. Khi tôi lập gia đình, vợ chồng tôi cũng nhờ vay tiền để có được căn hộ chung cư riêng đầu tiên.
Sau 10 năm với căn hộ đầu tiên, chúng tôi đổi sang một căn lớn hơn để gia đình nhiều thành viên hơn có đủ không gian sinh hoạt. Việc này vì thế cần một khoản vay mới.
Sự việc vốn không phức tạp, vì tôi vẫn đang là khách hàng vay tiền của họ, và điều kiện cần cho khoản vay mới này đều đạt, chỉ là thêm đề nghị mua bảo hiểm nhân thọ từ phía ngân hàng.
Lúc đầu, tôi cứ tưởng đây có thể là một biện pháp tăng thêm từ phía ngân hàng để đảm bảo khả năng chi trả của khách hàng. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ việc này có vẻ hợp lý, vì bảo hiểm cơ bản chỉ là đảm bảo người được hưởng có tiền để chi trả khi gặp sự cố.
Cân nhắc giữa nhiều điều khoản của các ngân hàng đang có, chúng tôi quyết định xúc tiến hồ sơ với ngân hàng lâu năm của mình.
Thế nhưng, tuy nói là không bắt buộc, nhưng lại có rất nhiều yếu tố khiến việc mua bảo hiểm trở nên nhập nhằng và không thể tránh khỏi phiền hà.
Ban đầu, với "kinh nghiệm" nhiều lần vay tiền, chúng tôi cho rằng không có vấn đề gì với khoản vay mới. Hồ sơ với phía ngân hàng thực hiện như dự tính, chúng tôi cũng theo đó đưa ra lời hẹn với người bán nhà thời điểm ra công chứng, làm thủ tục và giải ngân.
Thế nhưng, khi làm hồ sơ duyệt vay, chúng tôi mới biết rằng việc duyệt vay sẽ thuận lợi hơn nếu có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với đối tác của ngân hàng.
Giá trị hợp đồng bảo hiểm cũng phải đạt đến một mức tương xứng với khoản vay đề nghị từ khách hàng. Tôi cũng không thể dùng hợp đồng bảo hiểm đã mua trước đó với các công ty khác vì các công ty bảo hiểm đó không liên kết với ngân hàng tôi vay.
Phía ngân hàng cũng đưa ra những lý do thuyết phục chúng tôi: khi mua bảo hiểm, chúng tôi sẽ nhận ưu đãi lãi suất khoản vay tốt hơn, lãi suất giảm được cũng tầm tầm số tiền mua bảo hiểm bỏ ra.
Nhưng quan trọng nhất, dù cho khoản vay của chúng tôi có được duyệt cho vay, nhưng để được nhận tiền cũng cần phải có thứ tự ưu tiên, vì giai đoạn này ngân hàng đang bị thiếu tiền giải ngân.
Chúng tôi càng thêm lo khi biết nhiều khách hàng tuy được duyệt cho vay nhưng cả tháng còn chưa được giải ngân, lỡ công lỡ chuyện. Do đó, việc mua bảo hiểm trở thành... điểm cộng ưu tiên để được nhận tiền sớm.
Nhưng quyết định mua "điểm ưu tiên" rồi tôi lại... rớt ở khâu: không đủ điều kiện mua bảo hiểm nhân thọ do vấn đề về sức khỏe. Vì thế, tôi đành chọn lựa một sản phẩm bảo hiểm ít hấp dẫn nhất với tôi, chỉ phục vụ tích lũy tiết kiệm dành cho người thân. Nói chung cũng chỉ là mua cho có.
Trước khi đặt bút ký, tôi cũng đã không nghĩ tới việc tiếp tục hợp đồng sau năm đầu tiên, vì thật sự chẳng có nhu cầu, xem như là tốn phí để đỡ nhọc lòng suy nghĩ thêm vào lúc căng thẳng.
Mọi thứ đều là ngầm hiểu với nhau như vậy, ngân hàng không bắt buộc, nhưng bạn không thể không mua.
Là một khách hàng, khi đã đi vay nợ, thật không mấy ai lại nghĩ tới việc mua thêm nợ bảo hiểm như thế.
Là một người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế điều hành doanh nghiệp, tôi luôn cho rằng hoạt động kinh doanh bền vững không phải là xu hướng, mà là quy luật. Tôi thật sự không rõ những người đứng đầu về hợp tác giữa bảo hiểm và ngân hàng có biết mọi chuyện miễn cưỡng thế này hay không. Về thành tích kinh doanh thì có thể có, nhưng nhân quả trên kinh doanh thì mất nhiều hơn được.
Bởi nhân viên ngân hàng kém vui vì áp lực, khách hàng thì kém vui vì thêm nợ, nên tất yếu những ai đó tiếp theo rồi cũng sẽ kém vui.
Tôi vì thế không hề ngạc nhiên với thông tin một số lượng lớn khách hàng không duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau năm đầu tiên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận